Bolt - ứng dụng gọi xe công nghệ có thị phần lớn ở châu Âu và châu Phi, đã hiện diện tại Thái Lan và Malaysia, đang chạy quảng cáo tuyển dụng tài xế trên các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam. Điều này cho thấy có thể Bolt sẽ chính thức bước chân vào Việt Nam trong thời gian tới.
Hiện người dùng Việt Nam đã có thể tải ứng dụng Bolt trên cửa hàng App Store và Google Play cũng như đăng ký khách hàng thông qua số điện thoại. Tuy nhiên, chưa thể đăng nhập để sử dụng dịch vụ.
Tương tự Grab, Bolt cung cấp đầy đủ các dịch vụ như gọi xe công nghệ, giao đồ ăn, giao hàng, cho thuê xe,… Nền tảng này hiện phục vụ 150 triệu người, tại hơn 600 thành phố ở 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Bolt trở thành đối thủ chính của Uber tại châu Âu và chiếm thị phần chủ đạo tại các nước châu Phi.
Tại Đông Nam Á, Bolt - được hậu thuẫn bởi Daimler và Didi Chuxing của Trung Quốc, đã có mặt tại Thái Lan từ năm 2020. Tại đây, hãng thực hiện chiến lược không thu hoa hồng từ tài xế, đồng thời cam kết giá cước thấp hơn 20% so với đối thủ. Chiến lược gây trở ngại không nhỏ cho những ông lớn như Grab hay Gojek.
Tháng 8 năm ngoái, Bolt cũng tiến vào thị trường Malaysia tại hai thành phố là Klang Valley và Kuala Lumpur. Ban đầu, hãng chỉ cung cấp dịch vụ gọi xe. Trong tương lai có thể mở rộng dần thêm các sản phẩm khác như giao hàng, giao đồ ăn,…
Năm 2024, Bolt công bố họ đạt doanh thu 2 tỷ euro cả năm (tương đương 2,11 tỷ đồng). Đối thủ chính của Uber tại châu Âu đang mở rộng hoạt động toàn cầu và chuẩn bị cho kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Bolt được thành lập vào năm 2013 tại Estonia - một trong những trung tâm công nghệ lớn nhất châu Âu, với hơn 1.450 công ty khởi nghiệp. Hiện tại, công ty được định giá hơn 8 tỷ USD khi huy động được 628 triệu euro từ các nhà đầu tư vào tháng 1/2022.
Nhà sáng lập kiêm CEO Markus Villig (30 tuổi) nói với Reuters rằng công ty anh sẵn sàng cho việc IPO vào năm 2025.
Việt Nam là một thị trường cạnh tranh khốc liệt đối với các công ty hoạt động trong nền kinh tế chia sẻ như Bolt. Những năm vừa qua, thị trường chứng kiến sự “gục ngã” của loạt ông lớn như Gojek, Baemin hay Uber.
Theo Mordor Intelligence, thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam ước đạt 880 triệu USD trong năm 2024 và dự kiến đạt 2,16 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng 19,5% trong giai đoạn 2024-2029.
Tuy nhiên, thị trường có tốc độ đào thải nhanh. Nếu như 2-3 năm về trước, Gojek cùng với Grab là hai cái tên lớn trong lĩnh vực gọi xe tại Việt Nam thì đến nay Gojek đã vắng bóng hoàn toàn. Thay vào đó, hai cái tên mới nổi là Xanh SM và Be đang đe doạ vị thế dẫn đầu của Grab.
Báo cáo “Mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024” được Q&Me thực hiện, ghi nhận 42% người Việt sẽ lựa chọn Grab khi muốn sử dụng dịch vụ di chuyển bằng xe máy. Đứng vị trí thứ hai và thứ ba lần lượt là Be và Xanh SM với tỷ lệ lần lượt là 32% và 19%.
Báo cáo từ Mordor Intelligence cũng chỉ ra xu hướng tương tự khi cho thấy sau 7 tháng gia nhập thị trường, Xanh SM đã chiếm 18,17% thị phần, đứng thứ hai toàn ngành sau Grab và đẩy những “lão làng” như Be, Gojek xuống vị trí thứ hai, thứ ba.
Trước đó, ứng dụng giao đồ ăn Baemin sau 5 năm hoạt động tại Việt Nam đã phải dừng bước. Baemin từng là nền tảng giao đồ ăn có độ phủ rộng nhất khi có mặt tại 21 tỉnh thành trên cả nước. Lãnh đạo Baemin Việt Nam từng đánh giá môi trường giao đồ ăn tại Việt Nam “đầy thách thức” cùng sự cạnh tranh gay gắt và kỳ vọng cao của người tiêu dùng.