Thiết bị cảnh báo tim mạch
Xuất phát ý tưởng từ luận văn tốt nghiệp Đại học về hệ thống giám sát và cảnh báo các vấn đề liên quan đến tim mạch, Cù Gia Huy, giảng viên trẻ bộ môn Kỹ thuật Y sinh cùng Nguyễn Hoàng Tuấn, Chuyên viên bộ môn Kỹ thuật Y sinh, trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) đã phát triển đề tài thành sản phẩm ứng dụng trong thực tế. Công trình được Th.S Nguyễn Thanh Tâm – Giảng viên bộ môn Kỹ thuật Y sinh hướng dẫn.
Nguyễn Hoàng Tuấn, một trong hai thành viên sáng tạo ứng dụng giám sát tim mạch qua điện thoại. |
Sau 2 năm nghiên cứu, phát triển, nhóm đã chế tạo thành công hệ thống giám sát và cảnh báo các vấn đề liên quan đến tim mạch – Ambulatory ECG Monitor. Hệ thống có cấu tạo phần cứng là một mạch thu nhận tín hiệu, được sử dụng để đo tín hiệu điện tâm đồ thông qua các miếng dán điện cực (là một dạng của vật liệu tiêu hao, hình tròn, mỏng), miếng dán này sẽ được gắn trực tiếp lên ngực của người sử dụng và có thể thay mới sau khi sử dụng.
Sau khi tiến hành thử nghiệm và nhận thấy thiết bị có thể ghi nhận tín hiệu điện tâm đồ liên tục trong hai ngày liền và người dùng có thể dễ dàng mang trên người thiết bị trong suốt quãng thời gian trên mà vẫn thoải mái vận động.
Điểm đáng chú ý của công trình là thiết bị được kết nối với smartphone, truyền tín hiệu qua Bluetooth Low Energy (giao thức không giây truyền tín hiệu trong khoảng cách gần và tiết kiệm năng lượng). Điện thoại sẽ nhận và lưu trữ tín hiệu để người dùng dễ dàng kiểm soát được tình trạng sức khỏe.
Trong trường hợp người dùng muốn kết nối với bệnh viện hoặc bác sĩ chuyên môn thì hệ điều hành của hệ thống sẽ tự động chuyển kết quả đo được tới cho bệnh viện hoặc vị bác sĩ trong điều kiện điện thoại được kết nối với mạng Internet.
Càng về sau, nhờ các chuyên gia trong lĩnh vực phần mềm, hệ thống được hoàn thiện hơn nhiều. Phần mềm còn có thể phát hiện và cảnh báo cho người dùng biết một số căn bệnh cơ bản về tim ví dụ như loạn nhịp, nguy cơ nhồi máu cơ tim,...
Khởi nghiệp cùng ứng dụng
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện, trưởng nhóm Cù Gia Huy cho biết kinh phí là một trong những vấn đề lớn của nhóm. Có thời điểm nhóm phải “treo dự án”, dừng nghiên cứu một thời gian để chờ kinh phí.
Hệ thống giám sát tim mạch được đánh giá cao về khả năng ứng dụng trong thực tế. |
Cơ hội mở ra khi nhóm biết đến cuộc thi Start–up do Khu Công Nghệ Cao - Saigon Hi-Tech Park tổ chức, nhóm đã có một phần kinh phí thực hiện. Hiện tại dự án này của Nhóm đang được Khu Công Nghệ Cao - Saigon Hi-Tech Park hỗ trợ thành lập mô hình khởi nghiệp.
Nói về khả năng ứng dụng của sản phẩm, Gia Huy cho biết sản phẩm có nhiều ưu điểm hoàn toàn ứng dụng được trong thực tế. “Ưu điểm lớn của hệ thống này là sự nhỏ gọn và giá thành phù hợp hơn so với các máy có trên thị trường. Người dùng có thể linh hoạt mang theo trên người trong một số hoạt động thường ngày. Tuy nhiên, hệ thống cần được thử nghiệm và phát triển thêm nữa để nâng cao độ tin cậy”, trưởng nhóm chia sẻ.
Hiện Gia Huy và Hoàng Tuấn đang tiếp tục nỗ lực nghiên cứu nâng cấp phần cứng, hoàn thiện phần mềm nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng một cách tối ưu nhất. Sắp tới, nhóm dự định sẽ đưa sáng tạo này theo hướng thương mại hóa nhằm ứng dụng hệ thống giám sát và cảnh báo các vấn đề liên quan đến tim mạch một cách rộng rãi trong cộng đồng.
Không dừng lại ở đó, hai người trẻ đầy nhiệt huyết này còn ấp ủ một nghiên cứu khác về một loại thiết bị tiên lượng (dự đoán) bệnh tắc nghẽn hơi thở khi ngủ ở người.