Trong các nhà kho ở rìa sân bay Frankfurt, Deutsche Lufthansa đang chuẩn bị đội bay cho nhiệm vụ phi thường là vận chuyển hàng triệu liều vắc xin nhằm chấm dứt đại dịch toàn cầu.
Theo Bloomberg, Lufthansa, một trong những hãng vận chuyển hàng hóa lớn nhất thế giới đã lên kế hoạch từ tháng 4 để chuẩn bị cho những liều vắc xin mà các hãng dược lớn phát triển trong thời gian ngắn kỉ lục.
Một tổ công tác đặc biệt gồm 20 thành viên đang làm việc để tìm ra cách chất càng nhiều vắc xin càng tốt lên lên 15 chuyên cơ vận tải Boeing 777 và MD-11 của hãng.
Các hãng bay sẽ là động lực chính trong nỗ lực xóa bỏ COVID-19, vận chuyển hàng tỉ lọ vắc xin đến mọi nơi trên toàn cầu.
Ông Alexandre de Juniac, CEO Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) nhận xét: "Đây sẽ là nhiệm vụ logistics lớn nhất và phức tạp nhất từ trước đến nay. Thế giới đang trông cậy vào chúng tôi".
IATA ước tính sẽ cần đến 8.000 chuyên cơ vận tải Boeing 747 và hai năm để cung cấp khoảng 14 tỉ liều vắc xin cho cho mọi người đàn ông, phụ nữ và trẻ em trên Trái đất, tương đương mỗi người nhận được hai liều. Đây là một yêu cầu khó khăn do khoảng một phần ba đội bay toàn cầu vẫn đang đắp chiếu, theo dữ liệu từ Cirium.
Dưới đây là một số thách thức lớn nhất mà Bloomberg đã chỉ ra:
Thế giới hiện có khoảng 2.000 máy bay chuyên chở hàng đang hoạt động, chúng vận chuyển khoảng một nửa số hàng hóa di chuyển bằng đường hàng không. Số còn lại được chở trong 22.000 máy bay chở khách thông thường trên toàn cầu.
Dù các máy bay chở hàng đã chật ních, lượng hàng vận chuyển bằng đường hàng không năm nay vẫn lao dốc do quá nhiều máy bay chở khách phải nằm đất.
Ít nhất là trong thời gian đầu, không gian chở vắc xin sẽ bị hạn chế. Dự kiến nhiệm vụ to lớn của ngành hàng không sẽ bắt đầu trùng với thời gian cao điểm là mùa mua sắm Giáng sinh.
Pfizer dự định xuất xưởng 1,3 tỉ liều vắc-xin vào cuối năm sau. Moderna lên kế hoạch sản xuất khoảng 500 triệu liều. AstraZeneca có năng lực sản xuất 2 tỉ liều.
Ông Glyn Hughes, người đứng đầu bộ phận hàng hóa toàn cầu của IATA cho rằng các chính phủ nên cho phép thêm máy bay chở khách quay lại hoạt động bằng cách mở cửa đi lại.
Vắc xin của Pfizer-BioNTech tăng thêm độ khó cho ngành hàng không. Loại vắc xin này phải được vận chuyển ở nhiệt độ âm 70 độ C, lạnh hơn mùa đông ở Nam Cực. Các công ty có kế hoạch sử dụng cảm biến nhiệt hỗ trợ GPS để theo dõi vị trí và nhiệt độ của từng lô hàng vắc xin.
Khi đến đích, vắc xin có thể được trữ trong các nhà kho tạm thời được làm lạnh trong nhiều nhất là 15 ngày. Một khi đã rã đông, chúng không thể được làm đông trở lại.
Qui trình vận chuyển – bảo quản sẽ phải diễn ra rất nhịp nhàng. Gần như không một máy bay nào có thể giữ cho hàng hóa ở nhiệt độ thấp đến vậy. Các hãng hàng không sẽ phải phụ thuộc vào containter chuyên biệt của Pfizer để làm lạnh vắc xin.
Delta Air Lines và American Airlines là hai trong số các hãng hàng không nói rằng họ đã chuẩn bị để xử lí các chuyến hàng vắc xin của Pfizer. American Airlines có cả container kiểm soát nhiệt độ và các lô hàng đóng gói sẵn với túi lạnh hoặc đá khô.
United đã bắt đầu khai thác các chuyến bay thuê bao (charter flight) vào ngày 27/11 để có được những liều vắc xin của Pfizer nhằm nhanh chóng phân phối, nguồn tin của Wall Street Journal cho biết.
Vắc xin của Moderna có thể được bảo quản ở -20 độ C trong 6 tháng hoặc 2-8 độ C trong một tháng, đơn giản hơn so với yêu cầu của vắc xin Pfizer rất nhiều.
Bất chấp những trở ngại lớn, một mạng lưới toàn cầu được thiết lập tốt để phân phối dược phẩm sẽ có đủ khả năng giải quyết việc phân phối vắc xin. Các thành phố từ Miami, London cho đến Dubai, Singapore và Incheon đều có năng lực lưu trữ thuốc ở nhiệt độ cực thấp.
United Parcel Service (UPS) đã xây dựng các cơ sở ở Louisville, bang Kentucky và Hà Lan với tổng cộng 600 tủ đông lạnh sâu, mỗi tủ có thể chứa 48.000 lọ vắc xin ở nhiệt độ thấp tới âm 80 độ C. FedEx đã bổ sung tủ đông lạnh và xe tải lạnh vào mạng lưới rộng lớn của họ.
Ông Richard Smith, người phụ trách nỗ lực cung cấp vắc xin của FedEx khẳng định: "Khi các hãng dược nói rằng họ đã có vắc xin thì chúng tôi sẽ sẵn sàng lên đường và cung cấp chúng đến mọi thành phố của Mỹ. Chúng tôi cũng sẽ sẵn sàng cung cấp vắc xin trên toàn thế giới."
Unicef đang tuyển chọn các hãng hàng không để phân phối vắc xin đến hơn 170 quốc gia.
Cung cấp vắc xin cho các đô thị lớn là cả một thách thức nhưng phân phối chúng ở các quốc gia mới nổi lại là một câu chuyện khác. Tại các quốc gia này, cơ sở hạ tầng đến các ngôi làng và thị trấn hẻo lánh có thể ọp ẹp, không đáng tin cậy, hoặc thậm chí không tồn tại.
Trong tháng 11, Unicef đã liên lạc với khoảng 40 hãng bay để lên kế hoạch vận chuyển vắc xin đến 92 quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Chương trình của Unicef sẽ bao gồm 70% dân số thế giới.
Vận chuyển vắc xin không chỉ cần đến máy bay. Ô tô, xe buýt, xe tải - thậm chí xe máy, xe đạp và lừa - có thể cần thiết cho việc chuyển vắc xin đến các vùng nông thôn. Một số nơi thậm chí còn không có đường sá cho xe cộ mà chỉ có thể đi bộ.
Ông Adar Poonawalla, CEO nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới Serum Institute of India cho biết: "Đơn giản là thế giới không có tủ đông lạnh sâu ở khắp mọi nơi".
"Những loại vắc xin đông lạnh này rất không ổn định. Các nhà phát triển cần phải nghiên cứu để ổn định chúng".
IATA nhận định khả năng giả mạo, cản trở và thậm chí cố gắng làm gián đoạn việc phân phối vắc xin cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Theo ông Dominic Kennedy, Giám đốc bộ phận vận chuyển của Virgin Atlantic Airways, các hãng dược đã ứng phó bằng cách yêu cầu có các đội hộ tống an ninh đi theo trong suốt quá trình phân phối.
Ông De Juniac, CEO IATA khẳng định rằng hàng không đã sẵn sàng. "Chúng tôi sẽ không để mọi người thất vọng".