Vẫn có tổ chức tín dụng neo lãi vay cao

Trong tháng cuối năm, nhiều ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất huy động; đồng thời, giảm lãi vay ở một số phân khúc khách hàng, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cũng như kích cầu tín dụng. Tuy vậy, theo phản ánh của các doanh nghiệp, lãi suất cho vay hiện vẫn còn neo khá cao, mức giảm lãi vay chưa theo kịp mức giảm lãi suất huy động.
Vẫn có tổ chức tín dụng neo lãi vay cao - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Báo Thanh niên.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, qua những lần dịch Covid-19, tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lữ hành, du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng ở các doanh nghiệp này vẫn không phải dễ.

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho biết, lãi suất huy động giảm mạnh, nhưng lãi suất cho vay chưa giảm nhiều, thậm chí lãi suất cho vay ở một số ngân hàng thương mại còn cao gần gấp đôi so với lãi suất huy động. Chưa kể, các điều kiện cho vay của ngân hàng hiện vẫn còn khá chặt chẽ, chưa thực sự nới lỏng để các doanh nghiệp có thể tiếp cận, nhất là đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Có thể hiện nay nhiều ngân hàng vẫn còn tồn lượng lớn vốn huy động trước đó với lãi suất cao, khiến lãi suất cho vay chưa thể giảm mạnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn nhiều phức tạp, các doanh nghiệp trong ngành du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động. Do vậy, chúng tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay tương ứng với việc giảm lãi suất huy động để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn này", ông Võ Anh Tài nói.

Khảo sát thực tế cho thấy, ngay từ cuối tháng 11/2020, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh đã đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Hiện lãi suất tiền gửi của các ngân hàng về quanh 2,5 - 3,8%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; 3,7% - 5%/năm đối với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 4,9 - 5,8%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng.

Dù đã có một số ngân hàng điều chỉnh giảm lãi vay, song theo phản ánh vẫn còn khá cao so với mức lãi huy động, nhất là ở các khoản vay dành cho đối tượng doanh nghiệp ngoài 5 lĩnh vực ưu tiên.

Dưới góc độ của ngân hàng thương mại, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho rằng, việc các doanh nghiệp phản ánh lãi suất cho vay còn cao là chưa đầy đủ. Trên thực tế, mặt bằng lãi suất cho vay hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng hơn 10 năm trở lại đây.

Theo ông Tuệ, trong năm 2020, việc huy động vốn của các ngân hàng thực hiện rất tốt. Thậm chí có giai đoạn ngân hàng thừa vốn, có nguy cơ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của đồng vốn huy động. Do vậy, hầu hết các ngân hàng đều tìm mọi giải pháp để đẩy mạnh cho vay và một trong số đó là phải giảm lãi suất cho vay.

"Lãi suất cho vay được hình thành dựa trên cơ sở lãi suất huy động, cộng với chi phí hoạt động của ngân hàng. Chúng tôi xác định, huy động giảm lãi suất theo thị trường, còn chi phí thì tiết kiệm tối đa để có lãi suất cho vay hợp lý hỗ trợ khách hàng. Do vậy, từ đầu năm đến nay, Sacombank đã nhiều lần giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp như: giảm lãi khung toàn bộ các đối tượng khách hàng; có cơ chế ưu đãi cho nhóm khách hàng ưu tiên hoặc khách hàng truyền thống của ngân hàng", ông Tuệ cho biết.

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh cho biết: Kể từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất, kể cả lãi suất điều hành lẫn giảm lãi trần cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Đối với lãi vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên hiện đang áp lãi trần dưới 4,5%/năm. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, đây là mức lãi suất cho vay thấp nhất qua các thời kỳ, ngang bằng lãi suất cho vay bằng ngoại tệ. So với các nước trong khu vực ASEAN, mức lãi suất này thấp hơn rất nhiều nước, chỉ cao hơn Singapore, Thái Lan.

Riêng đối tượng cho vay thông thường bằng cơ chế thỏa thuận, thống kê cho thấy các ngân hàng thương mại trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh cũng đã giảm từ 0,5-3%/năm, tùy theo đối tượng và kỳ hạn vay vốn.

Tuy vậy, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, việc giảm lãi vay của các ngân hàng được đánh giá là khá cao so với nhiều năm, song mức giảm lãi vay còn chậm hơn so với mức giảm lãi suất huy động.

Trước tình hình này, mới đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh đã thành lập 2 đoàn kiểm tra giám sát việc thực hiện cơ chế lãi suất cho vay ở các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, phần lớn các ngân hàng trên địa bàn thành phố đều thực hiện tốt cơ chế lãi suất cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy vậy, cá biệt vẫn có một số tổ chức tín dụng còn áp lãi suất cho vay khá cao.

"Chúng tôi đã báo cáo với Ngân hàng Nhà nước về những trường hợp còn áp lãi suất cho vay cao. Đồng thời, đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện đúng quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, cũng như cố gắng điều chỉnh giảm lãi để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19", ông Minh cho biết.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch Covids-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, dòng tiền của nhiều doanh nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề. Nhu cầu vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất trong thời điểm này sẽ rất lớn. Do vậy, các ngân hàng cần nghiên cứu thêm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là giảm thêm lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nhiều ngân hàng liên tục công bố lãi lớn trong năm 2020.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.