Văn hóa chợ ở TP HCM

Có những chợ truyền thống phải di tản như chợ Cầu Muối, chợ Cầu Ông Lãnh... nhưng bù lại, hàng trăm chợ tự phát mọc lên ở bất kì nơi nào mật độ dân cư đông đúc.
avatar_1571490512058

Một góc chợ Bà Hoa. (Ảnh: Ngọc Dương).

Là trung tâm kinh tế, thành phố hiện đại bậc nhất cả nước nhưng việc họp chợ ở mỗi khu phố, mỗi trục đường, chân cầu hay góc hẻm đã trở thành một hình ảnh quen thuộc, trở thành bản sắc khó từ bỏ đối với người dân TP HCM.

“Cái chợ” lớn nhất cả nước

Theo tư liệu được ghi lại trong cuốn Lang thang phố thị của KTS Nguyễn Ngọc Dũng, năm 1698, chúa Nguyễn Phước Chu (Minh Vương) lệnh cho thống soái Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam lập phủ Gia Định cai trị lưu dân thuộc dinh Phiên Trấn. Năm 1772, Nguyễn Hữu Đàm thu quân về dinh Phiên Trấn - Sài Gòn đắp lũy Tân Hoa (lũy Bán Bích) từ chùa Cây Mai (Q.5 - Chợ Lớn) đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, bao gồm dinh Phiên Trấn và dinh Điều Khiển ở giữa, phố chợ Bến Nghé (nay là Sài Gòn) ở phía đông và phố chợ Sài Gòn (nay là Chợ Lớn) ở phía tây. Từ đây có tên gọi chính thức là thành phố Bến Nghé - Sài Gòn (Saigon city hay Ville de Saigon).

18 năm sau, thành Bát Quái được xây dựng và được mệnh danh là Gia Định Kinh. Đến năm 1863, thành mới được đắp lại hình vuông gọi là Phượng Thành hay Thành Phụng. Thời kì này, Bến Nghé - Sài Gòn vẫn là phố chợ với nếp sinh hoạt kẻ chợ, thôn xã truyền thống.

Năm 1862, đại tá công binh Coffyn đuổi hết dân kẻ chợ ra ngoại ô, để lập quy hoạch mới theo phong cách châu Âu, bao gồm: Sài Gòn (chợ Bến Nghé) và Chợ Lớn (Sài Gòn cũ) rộng khoảng 25 km2. Quy hoạch này ảo tưởng không thể thực hiện được. Thành phố Sài Gòn sau đó chỉ rộng 3 km2 và Chợ Lớn rộng 2 km2, được ngăn cách bởi đồng ruộng. Khi ấy, dân kẻ chợ (tiền thân người thành phố) tập trung tại Chợ Lớn và các chợ nhỏ ngoài rìa.

Cuối thế kỉ 19, ranh giới 2 thành phố mới kéo sát lại nhau. Rồi đến năm 1914, Sài Gòn trở thành Hòn Ngọc Viễn Đông với quy hoạch rõ ràng, không gian mở, rộng thoáng. Dân kẻ chợ được giao thương buôn bán quốc tế với hàng loạt bến cảng. Lúa gạo từ ĐBSCL được đổi thành hàng hóa đem lên Sài Gòn xuất khẩu. 

Từ đó, các nhà buôn gạo lập ra các phố chợ gạo với hàng trăm dãy nhà, trên bến dưới thuyền dọc sông Sài Gòn, kênh rạch. Dần dà, dân số đông lên, kinh tế phát triển, hàng loạt phố chợ khác mọc lên như phố chợ giày da, vải, gà vịt, heo quay, thuốc bắc, hàng mã... và một số khu chợ kết hợp sản xuất tiểu thủ công nghiệp như bánh, mứt, nón, đèn, đồ mĩ nghệ...

Thời kì này, thành phố đúng là một trung tâm thương mại lớn nhất cả nước, nói đúng hơn là cái chợ lớn nhất với đủ loại hình dáng. 

Chợ Bến Thành với phố xá tấp nập hai bên Kinh Sa Ngư (đường Nguyễn Huệ), chợ Bến Nghé (Đồng Khởi, Nguyễn Huệ), chợ Bến Sỏi, chợ Thị Nghè, chợ Điều Khiển (đường Nam Quốc Cang), chợ Sài Gòn (Chợ Lớn ngày nay), chợ Bình An... Những chợ này được sử sách miêu tả: “phố xá liên tiếp liền mái nhau dài độ vài ba dặm, hàng hóa trong chợ bày bán có: gấm đoạn, đồ sứ, giấy mực, châu báu, sách vở, thuốc thang, trà bột là những hàng hóa nam bắc theo đường sông, đường biển chở đến đây không thiếu món nào”.

Lịch sử cận đại, thành phố có nhiều biến động. 

Năm 1943, kĩ sư Pugnaire, kiến trúc sư Cerutti (Giám đốc Đông Dương sự vụ về đô thị và kiến trúc) công bố kế hoạch chỉnh trang Sài Gòn - Chợ Lớn với đề tài “Khu thương nghiệp Sài Gòn”. Theo đó, khi nới rộng về phía bắc, nhà ga mới ở góc đường Chasseloup - Laubat (Nguyễn Thị Minh Khai) và đường Somme (Hàm Nghi) được nối dài gặp nhau tại Vườn Chuối. Phía tây nới rộng đến trạm Desmares, qua công viên 23/9. 

Khu chợ mới mở rộng gấp đôi, phố buôn bán được xây dựng dọc các trục đường. Cùng với đó, trong suốt khoảng thời gian này, Sài Gòn tăng dân số nhanh chóng. Người ở các vùng quê đổ về thành phố với hàng loạt khu ở tạm bợ trên kênh rạch. Chợ cóc, chợ chồm hổm đua nhau mọc lên. 

Thói quen, tập quán của người Việt từ nông thôn đến thành thị là đi chợ mỗi ngày, ăn uống đơn giản nhưng phải tươi sống. Bởi thế, họp chợ ở mỗi khu phố, mỗi trục đường, chân cầu hay góc hẻm trở thành một hình ảnh quen thuộc, trở thành bản sắc khó từ bỏ.

Văn hóa chợ ở TP HCM - Ảnh 2.

Chợ truyền thống vẫn là nét đẹp văn hóa cần gìn giữ tại TP.HCM. (Ảnh: Ngọc Dương).

Chợ quê giữa phố thị

Thành phố mỗi ngày lại thay da đổi thịt, kinh tế phát triển mạnh mẽ. Từ “cái chợ” khổng lồ, TP HCM đã trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Siêu thị, trung tâm thương mại mọc lên nhanh như nấm sau mưa. Nhiều bà nội trợ đã bỏ thói quen mua thực phẩm ngoài chợ do lo ngại không rõ nguồn gốc. Thế nhưng ngay giữa trung tâm TP HCM nhộn nhịp, còn khá nhiều các bà, các mẹ “mê” đi chợ nhỏ truyền thống với niềm tin mua được “đồ quê”.

7 giờ kém, sau khi đưa cháu vào lớp học, bà Thái Thị Hương (75 tuổi) nhà ở đường Nguyễn Thị Nhỏ (Quận 11, TP HCM) băng qua con hẻm nhỏ sát bên hông nhà thờ Hầm cùng nằm trên đường, chân thấp chân cao, đi bộ non cây số để sang chợ Tân Phước (thuộc địa bàn Phường 9, Quận Tân Bình) mua thức ăn cho gia đình. Ngày nào cũng vậy, bất kể mưa hay nắng, chỉ trừ có đúng chủ nhật. 

Bà kể: “Tui làm bà nội trợ gần 40 năm nay rồi, hết đời con đến đời cháu. Đi chợ về sơ chế rồi nấu ăn cho con gái, con rể và cháu ngoại. Nhiều hôm con gái mua rau ngay trong Co.opMart gần nhà, nhưng tui vẫn thích đi chợ mua thêm mớ tép, bông thiên lí về xào một dĩa. Mấy hôm bệnh, nằm nhà 3 hôm đã thấy nhớ chợ, nhớ mấy bà bán hàng ghê lắm...”. 

Rõ là, với các bà, các mẹ, chợ không chỉ là nơi bán đồ ăn, thức uống mà còn là chỗ để gặp nhau, “tám” những câu chuyện mới, chuyện cũ...

Khác với bà Hương, chị Đặng Thị Thu Hồng (Quận Tân Bình, TP HCM) cứ mỗi sáng thứ bảy lại “phi” lên khu vực ngã tư Bảy Hiền đi chợ Bà Hoa mua “đồ quê” miền Trung cho gia đình dùng cả tuần. 

“Ở Sài Gòn đã 30 năm, nhưng nhà tôi chưa bao giờ thiếu mấy món đồ thực phẩm ngoài quê. Cuối tuần, lên chợ này mua một lần, ăn gần cả tuần sau mới hết. Hôm nay có khách, đi chợ sớm hơn, mua trái vả về luộc bóp xúc bánh tráng. Phải mua đúng rau thơm nho nhỏ, cay cay như ngoài Trung ăn kèm mới ngon. Mua thêm trái dưa gang muối dưa, ớt xanh kho với cá nục đưa từ Quảng Nam vào nữa. 

Nhà hàng Huế, Quảng cũng lên đây mua nguyên liệu hết, vừa ngon, rẻ mà yên tâm, toàn đồ quê không đó”, chị Hồng hồ hởi khoe.

Chợ Bà Hoa nằm trên đường Nguyễn Mai Ninh, đi từ đường Trường Chinh vào. Sau năm 1975, chợ đổi tên thành chợ Phường 11, nhưng đa số người dân vẫn gọi cái tên “cúng cơm” từ năm 70 của thế kỉ trước - chợ Bà Hoa. 

Khu vực Bảy Hiền trước là vùng đất hoang sơ, tập trung nhiều người gốc miền Trung vào làm ăn sinh sống. Đặc biệt, nhiều trong số là đó người dân làng Duy Xuyên (Quảng Nam), nơi nổi tiếng nghề dệt, lâu dần hình thành làng nghề dệt vải tại Sài Gòn từ những năm trước 1975. 

Bà Hoa - người đàn bà gốc Quảng Nam năm 1970 đã bỏ tiền ra xây ngôi chợ này để cho bà con tha phương có nơi che nắng che mưa ngồi mua bán. Ngày nay, hiếm ai còn đến đây để tìm mua kim chỉ, vải vóc, nhưng muốn tìm mua đặc sản quê miền Trung nói chung thì chưa có chợ truyền thống nào ở Sài Gòn “qua mặt” được khu chợ này. Từ bánh đường, lon đậu đen xanh lòng, xấp bánh tráng mè Quảng Ngãi, củ nén, trái bồ kết gội đầu, đến những thực phẩm bán theo mùa như: cá chuồn được chở từ Quảng Nam vào, bắp chuối sứ trắng, dưa gang muối, dưa môn, trái vả của Huế, rau thơm từ Trà Quế... tất tần tật đều có, không thiếu thứ gì. 

Có thể nói, Bà Hoa như một điểm hẹn của những người con miền Trung xa quê. “Thích nhất là mấy món ăn sẵn có bán ở đây như bánh ít lá gai, bánh bột lọc, ram tôm, bánh đúc, mít trộn, bánh chưng Nhật Lệ (Huế), lòng xào nghệ, chè đậu ván đặc... bán ở chợ này”, chị Hồng bổ sung và cho biết có vài người bạn cùng quê Quảng Trị, dù không thường xuyên nhưng cứ đôi ba tháng lại phải ghé chợ Bà Hoa một lần, chỉ để hoài niệm.

Hỏi ra mới biết, các bà, các mẹ tại TP HCM ngày nay vẫn còn giữ thói quen đi chợ truyền thống bởi nhiều lí do khác nhau. Có người đi như một thói quen khó bỏ; có người ngại vào siêu thị, trung tâm thương mại; có người ghé chợ cho tiện, đỡ gửi xe phiền phức, lại có người đi chợ truyền thống để “mua niềm tin”, rằng nơi đó đang có đồ quê không phun, ngâm hóa chất. Nhưng cũng không ít người còn yêu chợ, mê chợ chỉ vì muốn hoài niệm.

Chị Vân (Quận Tân Phú) quê ở Huế, cho biết thỉnh thoảng chị lại đi “lùng” khắp các chợ Tân Hương, Bà Hoa chỉ để tìm vài ba món “giống Huế” để thay đổi thực đơn hằng ngày trong gia đình. 

“Tôi gốc Huế, Huế “cột cờ” chính hiệu. Xa quê hơn 40 năm, ai nói thèm đồ Huế, tôi thì không. Đi chợ quê ở Sài Gòn, mua được mớ tép, nắm dưa môn khiến mình nhớ ngày xưa lũ lụt ở quê ăn dưa môn kho với cơm trắng. Gần gũi và thân thiện”, ngập ngừng một chút, chị Vân nói tiếp: “Chỉ để hoài niệm, chứ đã sống ở đây quá nửa đời người rồi, cầu kì, đòi hỏi để làm chi”.

Không gian chợ chưa bao giờ phai mờ

TP HCM hiện nay đông dân nhất cả nước, diện tích cũng dần được mở rộng ra gấp đôi so với thế kỉ trước. Có những chợ truyền thống phải di tản như chợ Cầu Muối,  chợ Cầu Ông Lãnh... nhưng bù lại, hàng trăm chợ tự phát mọc lên ở bất kì nơi nào mật độ dân cư đông đúc. 

Những khu công nghiệp như Tân Thuận, khu chế xuất Linh Trung, khu công nghiệp Bình Chiểu, làng Đại học Thủ Đức, khu Công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung... nhà máy đi vào hoạt động nhưng chợ thì không xây. Bởi vậy, hàng loạt chợ tự phát cứ thế mọc lên, tràn ra đường, bên hông nhà máy vào mỗi buổi chiều tan ca.

KTS Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng không thể chủ quan quy hoạch thành phố mới không có chợ, chỉ có siêu thị hay trung tâm thương mại. Còn một bộ phận không nhỏ những người dân, người nhập cư thu nhập không cao sinh sống ở khắp nơi trong lòng thành phố. Họ không thể thường xuyên vào siêu thị, trung tâm thương mại để mua những nhu yếu phẩm hằng ngày. Khi xây dựng càng nhiều khu đô thị mới, những cái chợ này sẽ bị bỏ quên, và thành phố sẽ phải đối mặt với những chợ tự phát tràn lan vì nhu cầu là có thật.

Dẫn chứng những khu phố nhỏ ở Singapore, ông Dũng cho biết phần lớn khu vực người Hoa sinh sống, hàng loạt chợ nhỏ được quy hoạch rõ ràng. Cũng nền xi măng, mái lợp tôn, cột sắt, đơn giản nhưng ở đó có hệ thống cấp thoát nước khoa học, vệ sinh. Chợ bên Singapore cũng bán đủ thứ hàng tươi sống như chợ Việt Nam. 

Ở Kuala Lumpur cũng vậy, có nhiều chợ đúng nghĩa với bãi sân rộng, mọi người tha hồ mua bán đủ thứ mà không chịu một khoản phí nào. 

Ở Bangkok, chợ lại càng nhiều và phong phú. Chợ đêm, chợ chiều, chợ lề đường, chợ trong khu phố, tha hồ chọn lựa, trả giá. Chính quyền Thái Lan quan niệm mở rộng con đường cho người dân lao động sinh sống trong thành phố đô hội, họ quy hoạch khá rõ ràng và nhân bản. Ngay cả các quốc gia phát triển như Pháp, Đức, Bỉ, ở Sofia (Bulgaria), Moscow (Nga)... người ta cũng dành những quảng trường nhỏ trong khu phố cho người dân họp chợ mỗi ngày.

Về với TP HCM, KTS Nguyễn Ngọc Dũng cảm nhận thành phố những ngày cuối năm mới thật sự sôi động. Chợ Tết là những gì tinh túy nhất của người Việt, nó tô điểm cho không gian sống, góp phần làm xanh thành phố, tạo ra “tổ ấm đám đông”, hơi lộn xộn nhưng đầy bản sắc. 

Ai đó nói: “Tôi từ nội thành ra ngoại thành, bỗng gặp mùa xuân đi ngược lại”. Đúng vậy, hàng đoàn xe thồ, xe ba gác, xích lô, xe tải chở mai, đào, cúc, lan, huệ... lũ lượt vào thành phố, dồn ứ tại mỗi ngã tư, mỗi cửa ngõ và tràn ngập lề đường, lòng đường cùng các bãi đất trống, công viên. Những chợ hoa trên phố, chợ kiểng góc đường, chợ báo xuân dọc lề đường, chợ lan trên xe thồ... sẽ mãi in đậm trong tâm khảm người Sài Gòn và là một không gian lạ lùng cho du khách.

Không gian giao tiếp của cộng đồng, nơi giao lưu giữa nông thôn và thành thị

"Sài Gòn - TP HCM đã hình thành và phát triển dựa trên những cái chợ. Nhiều người muốn thành phố phát triển theo hướng này, hướng kia, muốn là Hồng Kông, Singapore, NewYork, muốn tập trung, lan tỏa hay đa trung tâm... Riêng tôi chỉ muốn phát triển thành phố dựa trên những cái chợ.

TP HCM với những con đường mới mở, những dự án mới xây, hãy chú ý đến một không gian nhỏ, không chiếm đất là bao để quy hoạch những khu chợ đàng hoàng. Hãy dành cho những người lao động, tiểu thương một chỗ dừng chân buôn bán, cho những người buôn thúng bán bưng, những nhà nông đem nông sản lên đổi chác, những nhà vườn có chỗ họp chợ.

Dù mai này thành phố có to rộng, cao vút, những chợ nhỏ này vẫn mãi tồn tại với người Việt Nam bởi ngoài mua bán, đó còn là không gian giao tiếp của cộng đồng, nơi giao lưu giữa nông thôn và thành thị, giữa con người với con người", KTS Nguyễn Ngọc Dũng nói.


chọn
Dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng có thể tìm đến đất nền
Theo các chuyên gia VARS, dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng bắt đầu tìm các kênh đầu tư đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn hơn, trong đó có bất động sản, đặc biệt là sản phẩm đất nền giá không quá cao, tiềm năng sinh lời lớn.