Hà Nội kiểm tra rượu: Chuyển 1 vụ sang cơ quan công an để điều tra | |
Hà Nội tạm giữ hơn 26.000 lít rượu trong đợt truy quét rượu độc | |
24 ca ngộ độc methanol trong vòng nửa tháng |
Thời gian qua trên cả nước đã xảy ra nhiều ca ngộ độc vì uống rượu không rõ nguồn gốc. |
Đây là lời chia sẻ của bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP HCM trong buổi lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2017”.
Theo bà Lan, có hai thách thức lớn cần được giải quyết đó là kiểm soát tồn dư của chất bảo vệ thực vật, kháng sinh và những phụ gia công nghiệp trong thực phẩm. Thách thức thứ hai là làm sao để đảm bảo được an toàn thực phẩm trong sản xuất, bảo quản lưu thông phân phối trong chế biến và sử dụng thực phẩm.
Đặc biệt, gần đây tình trạng ngộ độc rượu dẫn đến chết người đã xảy ra tại một số địa phương và đang diễn biến phức tạp. Nguy hiểm nhất chính là cồn công nghiệp được pha vào trong nước để trở thành rượu và giá bán một chai rượu đôi khi còn rẻ hơn một chai nước.
“Do đó, người tiêu dùng cần phải hết sức cảnh giác đối với những loại rượu này, bởi khi uống rượu không rõ nguồn gốc là chúng ta đang mạo hiểm với sức khỏe của chính mình. Người dân cần phải thay đổi thói quen tiêu dùng, nếu không có tiền thì đừng uống rượu còn nếu uống rượu thì chọn loại có nguồn gốc rõ ràng", bà Lan nói.
Trước đó báo cáo của UBND TP HCM đã cho thấy, tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố đã được cải thiện, trong nhiều năm liền thành phố không có trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm và ngộ độc rượu.
Đặc biệt, thành phố là địa phương đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm, nhằm thực hiện công tác quản lý chất lượng thực phẩm nhanh, hiệu quả hơn. Tuy nhiên tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn còn phức tạp, cần tập trung giải quyết.
Một trong số nhiều loại rượu lậu, rượu không rõ nguồn gốc bị co quan chức năng xử phạt. Ảnh Mạnh Cường |
Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, để thực hiện tốt công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố thời gian tới, Ban Quản lý An toàn thực phẩm phối hợp cơ quan chức năng của thành phố sẽ tập trung công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo pháp luật các hành vi lưu thông, mua bán hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y… ngoài danh mục được phép sử dụng.
Cùng với đó, các cơ quan sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Đồng thời, ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng lưu thông trên thị trường.
Các cơ quan chức năng của thành phố thực hiện tốt công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và việc sử dụng hóa chất bảo quản nông sản tại các chợ đầu mối, cơ sở kinh doanh sản phẩm nông sản…
Riêng đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống và rượu, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng yêu cầu các cơ sở này phải nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, coi đây là văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của mình.
Với chủ đề “Sản xuất kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng chống ngộ độc rượu”, “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm nay được diễn ra từ 15/4 đến 15/5.