Vay khủng từ trái phiếu, nhóm Tiến Phước đang rót tiền cho những dự án nào ngoài Empire City 1,2 tỷ USD?

Tập đoàn Tiến Phước của đại gia Nguyễn Thành Lập được biết đến là một trong những chủ đầu tư rót vốn cho dự án Empire City 1,2 tỷ USD tại "khu đất vàng" Thủ Thiêm cùng loạt dự án lớn tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong những năm gần đây, nhóm Tiến Phước liên tục huy động những khoản vay lớn từ trái phiếu.

Nhóm Tiến Phước của đại gia Nguyễn Thành Lập vay nợ khủng từ trái phiếu

Hệ sinh thái Tiến Phước khởi nguồn từ Công ty nông sản tinh dầu Tiến Phước được ông Nguyễn Thành Lập sáng lập từ năm 1992, sau này dần phát triển theo mô hình "holding" và tập trung vào mảng kinh doanh bất động sản.

Theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), từ đầu năm đến nay CTCP Bất động sản Tiến Phước (Tập đoàn Tiến Phước) cùng các thành viên trong hệ sinh thái đã huy động tổng cộng 1.800 tỷ đồng từ thị trường trái phiếu.

Gần đây nhất, Công ty TNHH MTV Đầu tư TPI (thành viên nhóm Tiến Phước) vừa công bố huy động thành công 1.000 tỷ đồng từ một tổ chức đầu tư trong nước để tăng quy mô vốn hoạt động và/hoặc thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp.

Đầu tư TPI được thành lập vào cuối tháng 8/2017, là một thành viên thuộc nhóm Tiến Phước và là cổ đông lớn nắm 40,953% vốn điều lệ tại CTCP Tiến Phước và 990 - chủ đầu tư Tổ hợp khu cao ốc văn phòng và khách sạn Le Meridien Saigon.

Cõng khoản nợ gần chục nghìn tỷ đồng, ông chủ Empire City còn đang rót vốn vào những dự án nào khác? - Ảnh 1.

Dự án Le Meridien Saigon của nhóm Tập đoàn Tiến Phước. (Ảnh: Hiền Minh).

Ngoài khoản vay của Đầu tư TPI nói trên, ba lô trái phiếu khác do nhóm Tiến Phước phát hành với tổng giá trị 800 tỷ đồng đã hoàn tất vào tháng 4 và tháng 8. Trước đó vào năm 2018 - 2019, nhóm Tiến Phước cũng gây chú ý khi vay vốn từ trái phiếu với tổng giá trị hơn 2.600 tỷ đồng. 

Trong đó, vào tháng 1/2019, CTCP Tư vấn Đầu tư và Kỹ thuật Mê Kông, một công ty do Tập đoàn Tiến Phước nắm 60% vốn điều lệ, thu được 900 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu. 

Tháng 6/2019, Tập đoàn Tiến Phước huy động thành công 350 tỷ đồng. Trước đó vào tháng 3/2018, doanh nghiệp này cũng đã gọi vốn thành công 300 tỷ đồng từ kênh vay vốn này. Theo thông tin từ HNX, tại thời điểm 30/6/2020, tổng dư nợ của doanh nghiệp là 3.911 tỷ đồng, gấp gần 1,8 lần vốn chủ sở hữu (2.185 tỷ đồng). 

Cũng trong năm 2019, một thành viên khác là CTCP Sàn giao dịch Bất động sản Tiến Phước (Tiến Phước Land) đã phát hành 4 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.056 tỷ đồng. 

Con số này lớn gấp 81 lần so với vốn chủ hữu của Tiến Phước Land tại thời điểm ngày 30/6/2020 (13 tỷ đồng). Bên cạnh đó, dư nợ tại thời điểm đó của Tiến Phước Land ghi nhận gần 1.137 tỷ đồng.

Ngoài ra, năm 2020, theo xác minh của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an, số dư nợ của CTCP Tiến Phước và 990 tại các ngân hàng ghi nhận trên 2.000 tỷ đồng. Trong đó khoản nợ tại Ngân hàng BIDV hơn 1.823 tỷ đồng, nợ hơn 157 tỷ đồng tại Vietinbank và hơn 116 tỷ đồng tại Ngân hàng Bảo Việt.

Ngoài Empire City 1,2 tỷ USD, nhóm Tiến Phước còn rót vốn cho những dự án nào?

Tập đoàn Tiến Phước được biết đến là một trong những doanh nghiệp địa ốc đầu tiên tại TP HCM cùng với Nam Long và Vạn Thịnh Phát.

Một dự án được chú ý hiện nay nhất của Tập đoàn này phải kể đến Khu phức hợp tháp quan sát Empire City nằm tại khu chức năng số 2B ở “khu đất vàng” Thủ Thiêm, do liên doanh Tập đoàn Tiến Phước, Công ty TNHH Bất Động sản Trần Thái, Công ty Denver Power Ltd cùng Công ty TNHH Keppel Land thực hiện. 

Dự án có diện tích 14,5 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD và dự kiến hoàn thành trong năm 2022. Đáng chú ý, theo quy hoạch, dự án sẽ có tòa nhà đa chức năng cao 88 tầng và dự kiến sau khi hoàn thiện sẽ vượt qua Landmark 81 trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam. 

Cõng khoản nợ gần chục nghìn tỷ đồng, ông chủ Empire City còn đang rót vốn vào những dự án nào khác? - Ảnh 2.

Dự án Empire City với tòa tháp cao 88 tầng tại khu vực Thủ Thiêm. (Ảnh: Tập đoàn Tiến Phước).

Bên cạnh đó, theo thông tin từ website doanh nghiệp, các dự án khác ở vùng ven TP HCM hiện đang được Tập đoàn đang trong quá trình hoàn thiện như Khu đô thị Palm City (TP Thủ Đức, quy mô 30,2 ha), Khu dân cư Senturia Nam Sài Gòn (huyện Bình Chánh, quy mô 19,8 ha)...

Ngoài ra, Tập đoàn Tiến Phước cũng phát triển các dự án khác tại tỉnh Vũng Tàu như dự án Khu đô thị Cỏ May hay dự án Châu Pha. Đây cũng là hai dự án mà doanh nghiệp cùng đơn vị thành viên huy động 800 tỷ đồng từ trái phiếu để rót vốn vào nửa đầu năm nay.

Về Khu đô thị mới Cỏ May, dự án có vị trí tại thuộc phường Phước Trung, TP Bà Rịa. Quy mô dự án hơn 149 ha với tổng mức đầu tư dự kiến trên 8.939 tỷ đồng, không sử dụng vốn Nhà nước và chia làm 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn khoảng ba năm.

Cõng khoản nợ gần chục nghìn tỷ đồng, ông chủ Empire City còn đang rót vốn vào những dự án nào khác? - Ảnh 3.

Dự án Khu căn hộ cao cấp The Estella tại TP Thủ Đức, TP HCM. (Ảnh: Tập đoàn Tiến Phước).

Ngoài các dự án đang triển khai nêu trên, Tiến Phước còn sở hữu hàng loạt dự án đã hoàn thành tại TP HCM như Khu dân cư Senturia Vườn Lài (quận 12, quy mô 9,8 ha), Khu căn hộ cao cấp The Estella (TP Thủ Đức, quy mô 4,9 ha), Khu biệt thự Greenfield (TP Thủ Đức, quy mô 1,8 ha), Khu tái định cư An Phú – Bình Khánh (thuộc Khu tái định cư Thủ Thiêm, quy mô 3,62 ha),...

Ngoài ra, Tập đoàn Tiến Phước cũng là chủ dự án Tổ hợp khu cao ốc văn phòng và khách sạn Le Meridien Saigon nằm ngay trung tâm TP HCM thông qua công ty con là CTCP Tiến Phước và 990. Dự án có diện tích 3.604 m2, tổng mức đầu tư 120 triệu USD, được khởi công vào cuối năm 2010 và đi vào hoạt động từ năm 2015.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.