Người đầu tiên phải kể đến ông Đỗ Quang Hiển (hay còn được gọi là "bầu" Hiển), người sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn T&T.
Ông Hiển sinh năm 1962 (Nhâm Dần), quê gốc tại Thái Bình. Năm 1993, ông thành lập Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T (Technology & Trade), tiền thân của Tập đoàn T&T, hoạt động chính trong lĩnh vực điện tử.
Đến năm 2007, doanh nghiệp chuyển đổi thành mô hình tập đoàn và bắt đầu tham gia vào các lĩnh vực khác, trong đó có bất động sản và đầu tư phát triển các dự án tại Hà Nội, Nghệ An, TP HCM…
Gần đây nhất, Tập đoàn T&T đã báo cáo quy hoạch ba dự án nghiên cứu tại tỉnh Quảng Trị, gồm dự án Khu tổ hợp du lịch - dịch vụ - đô thị và sân golf Cam Lộ (quy mô 615 ha); dự án Cụm di tích Thành Cổ Quảng Trị và các địa điểm lưu niệm 81 ngày đêm năm 1972 (quy mô khoảng 25 ha) và dự án Cảng hàng không Quảng Trị (quy mô hơn 265 ha, tổng mức đầu tư 5.823 tỷ đồng).
Bên cạnh bất động sản, ông Hiển còn nổi tiếng với vai trò ông bầu của Câu lạc bộ Bóng đá T&T Hà Nội (nay là Câu lạc bộ Hà Nội) với những cầu thủ nổi tiếng như Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Đỗ Duy Mạnh,...
Ngoài ra, ông còn là sếp lớn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội (SHF),...
Ông Nguyễn Thành Lập là một vị "lão hổ" nổi danh tại thị trường bất động sản phía Nam khi sở hữu CTCP Bất động sản Tiến Phước (Tập đoàn Tiến Phước), chủ đầu tư của loạt dự án khủng tại TP HCM.
Một dự án được chú ý hiện nay nhất của Tập đoàn này phải kể đến Khu phức hợp tháp quan sát Empire City nằm tại khu chức năng số 2B ở “khu đất vàng” Thủ Thiêm, do liên doanh Tập đoàn Tiến Phước, Công ty TNHH Bất Động sản Trần Thái, Công ty Denver Power Ltd cùng Công ty TNHH Keppel Land thực hiện.
Dự án có diện tích 14,5 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD và dự kiến hoàn thành trong năm 2022. Đáng chú ý, theo quy hoạch, dự án sẽ có tòa nhà đa chức năng cao 88 tầng và dự kiến sau khi hoàn thiện sẽ vượt qua Landmark 81 trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sở hữu loạt dự án như Khu dân cư Senturia Vườn Lài (quận 12), Khu căn hộ cao cấp The Estella (TP Thủ Đức), Khu biệt thự Greenfield (TP Thủ Đứca), Khu tái định cư An Phú – Bình Khánh (thuộc Khu tái định cư Thủ Thiêm), Tổ hợp khu cao ốc văn phòng và khách sạn Le Meridien Saigon (quận 1),...
Một trong những “lão hổ” khác trên thị trường bất động sản Việt Nam là ông Nguyễn Xuân Thành, cha ruột của doanh nhân Nguyễn Đức Thụy (hay còn gọi là “bầu” Thụy) và là người sáng lập của CTCP Xuân Thành Group (Tập đoàn Xuân Thành), tiền thân của CTCP Thaigroup.
Tập đoàn Xuân Thành có khởi nguồn là Tổ hợp xây dựng Bình Minh, được thành lập vào năm 1976 tại tỉnh Ninh Bình. Đến năm 2015, Tập đoàn Xuân Thành đổi tên thành Thaigroup như hiện tại.
Ở Ninh Bình, doanh nghiệp đã xây dựng Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh 700 giường bệnh; Nhà máy xử lý chất thải rắn tỉnh Ninh Bình; Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh 900 giường bệnh, Công trình đê tả sông Hoàng Long; Trụ sở liên cơ quan Tỉnh ủy; Đê hữu Đáy Ninh Bình; Xây dựng cơ sở hạ tầng bờ Tây sông Vân; Đường cứu hộ, cứu nạn, phát triển kinh tế và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng biển Bình Sơn - Lai Thành (ĐT 480); Dự án chống ngập úng thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư…
Ngoài những cái tên thuộc phái mạnh kể trên, thị trường bất động sản ở Việt Nam có những "nữ tướng" tuổi Dần đáng chú ý. Đơn cử là bà Phạm Thúy Hằng, Phó Chủ tịch HĐQT và đồng sáng lập Tập đoàn Vingroup - CTCP (mã chứng khoán: VIC).
Bà Hằng sinh năm Giáp Dần (1974) là em vợ ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup. Năm 2020, bà đứng thứ 9 trong số 10 doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Về Vingroup, đây là tập đoàn đa ngành, hoạt động trên nhiều lĩnh vực như bất động sản (Vinhomes), bán lẻ (Vincom Retail), ô tô (Vinfast), giáo dục (Vinschool, VinUni), y tế (Vinmec),...
Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, dự kiến trong quý IV/2022, Vingroup sẽ triển khai 4 dự án mới tại Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, gồm dự án Nhà máy sản xuất Cell Pin LFP (tổng mức đầu tư hơn 8.814 tỷ đồng, diện tích dự kiến 12,6 ha), dự án hạ tầng khu công nghiệp ô tô và linh kiện phụ trợ (diện tích 1.160 ha), dự án đầu tư cảng biển, logistics (tổng mức đầu tư 40.000 tỷ đồng) và dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Kỳ Ninh (tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng).
Ban lãnh đạo Vingroup còn có một "nữ tướng" tuổi Dần khác là bà Nguyễn Diệu Linh (sinh năm 1974, Giáp Dần). Bà gia nhập Vingroup từ năm 2005 và hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT tại Vingroup.
Đồng thời, bà Linh còn giữ chức Chủ tịch HĐQT tại CTCP Vinhomes (mã chứng khoán: VHM), một doanh nghiệp bất động sản họ Vin.
Hiện Vinhomes đang sở hữu quỹ đất 16.800 ha với hàng loạt dự án hàng tỷ USD như Khu đô thị sinh thái Dream City (Hưng Yên) với tổng vốn khoảng 37.994 tỷ đồng (1,6 tỷ USD); dự án Vinhomes Smart City (Hà Nội) với tổng vốn 80.000 tỷ đồng (gần 3,5 tỷ USD), dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh (Quảng Ninh) với tổng vốn 10 tỷ USD,...
Giai đoạn năm 2022 - 2024, Vinhomes sẽ mở bán ba đại dự án Dream City (tỉnh Hưng Yên), Wonder Park (Đan Phượng, Hà Nội) và Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Theo Chứng khoán HSC, ước tính của doanh nghiệp, trung bình trong giai đoạn năm 2021 - 2024, mức tăng trưởng lợi nhuận cho cổ đông công ty mẹ là 12,4%.