Hút vốn nhiều đại gia BĐS nhờ 'lên đời' hạ tầng giao thông, Hòa Bình vẫn còn loạt dự án nghìn ha đang tìm chủ

Năm vừa qua, tỉnh Hòa Bình liên tục đón loạt doanh nghiệp BĐS như FLC, T&T, Sudico,... ồ ạt về đầu tư dự án sau thông tin dòng vốn khủng đổ vào hệ thống hạ tầng giao thông. Song, địa bàn tỉnh này vẫn còn nhiều dự án với quy mô hàng nghìn ha đang chờ tìm chủ đầu tư.

Hai năm trở lại đây, tỉnh Hòa Bình nổi lên là điểm đến thu hút đầu tư khi nhiều "đại gia" bất động sản như Vingroup, FLC, T&T, Geleximco… liên tục đổ về làm dự án. Riêng năm 2021 vừa qua, theo thống kê của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm đất nền ở Hòa Bình đã tăng 53% và giá rao bán đất nền tại địa phương này tăng 106% so với năm 2020. 

Vốn khủng đổ vào hệ thống hạ tầng tạo đòn bẩy cho thị trường BĐS Hoà Bình

Nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc, cách trung tâm Hà Nội 76 km theo hướng quốc lộ 6, Hòa Bình là khu vực đối trọng phía tây của thủ đô. Địa phương này có mạng lưới giao thông đường bộ và đường thủy tương đối phát triển, trong đó có các tuyến đường huyết mạch đi qua như đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 6, quốc lộ 12B,...

Một trong những dự án hạ tầng giao thông đáng chú ý nhất ở tỉnh Hòa Bình hiện nay là tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La) với tổng chiều dài 85 km, có điểm đầu tại nút giao quốc lộ 6 và điểm cuối tại nút giao với quốc lộ 43, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Tổng mức đầu tư dự án là 22.294 tỷ đồng.

Lên đời hạ tầng giao thông, hàng chục doanh nghiệp đổ về Hòa Bình làm dự án  - Ảnh 1.

Điểm đầu đường Hoà Bình - Mộc Châu tại nút giao quốc lộ 6, phường Trung Minh (TP Hòa Bình). (Ảnh: Báo Hòa Bình).

Nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông giữa khu vực Tây Bắc, tỉnh Hòa Bình với thủ đô Hà Nội và các địa phương khác trong khu vực, dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình cũng là một trong những dự án trọng điểm được tỉnh tích cực triển khai trong giai đoạn 2020 - 2025. Dự tính chiều dài tuyến là gần 23 km.

Cùng với đó, trong giai đoạn 2022 - 2027, TP Hà Nội sẽ tập trung đầu tư tuyến cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 5.500 tỷ đồng và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai khoảng 8.113 tỷ đồng.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cũng tích cực đề xuất Chính phủ làm các dự án giao thông như đường nối TP Hòa Bình - Kim Bôi; đường tỉnh 450; đường tỉnh 436…, đồng thời kêu gọi đầu tư đường Hồ Chí Minh - vành đai 5 Hà Nội (đoạn qua địa phận tỉnh); Cầu Hòa Bình 6; đường nối đường Trần Hưng Đạo đi phường Dân Chủ kết nối với quốc lộ 6; các tuyến đường kết nối Khu du lịch hồ Hòa Bình đến Khu du lịch Đồng Tâm, Khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam);...

Ngày 5/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án "Kết nối giao thông và thuỷ lợi tỉnh Hoà Bình với hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia" sử dụng vốn vay ODA của Hàn Quốc với tổng vốn dự kiến 2.600 tỷ đồng, tương đương 112,6 triệu USD.

Dự án gồm hai hợp phần. Hợp phần 1 sẽ nâng cấp tuyến quốc lộ 6 từ đoạn (Km64+500) đến nút giao đường Chi Lăng (Km73+500) có chiều dài khoảng 9 km.

Hợp phần 2 sẽ tăng cường khả năng chống lũ kết hợp phát triển hạ tầng đô thị thành phố Hòa Bình với 4 hạng mục kè suối Chăm, Mát kết hợp xây dựng đường giao thông đỉnh kè; nâng cấp, cải tạo kè Đà Giang đoạn từ hạ lưu cầu Trắng đến đầu kè Đà Giang; làm mới 300 m kè khu vực nút giao cầu Trắng; xây dựng đường Trần Hưng Đạo kéo dài nối với quốc lộ 6.

Trong năm 2021, tỉnh cũng đã cơ bản hoàn thành và cho thông xe Cầu Hòa Bình 2 và đường nối từ quốc lộ 6 với đường Chi Lăng (TP Hòa Bình).

Lên đời hạ tầng giao thông, hàng chục doanh nghiệp đổ về Hòa Bình làm dự án  - Ảnh 2.

Cầu Hòa Bình 2 chính thức được thông xe kỹ thuật sau hai năm xây dựng. (Ảnh: TTXVN).

Bên cạnh việc nâng cấp hạ tầng giao thông, tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh vừa phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất 19 dự án khu đô thị, khu dân cư, khu du lịch... và một số khu đất với tổng diện tích khoảng 1.443 ha trong giai đoạn 2021-2025.

Doanh nghiệp BĐS ồ ạt kéo về Hoà Bình đầu tư

Một trong những doanh nghiệp "tham vọng" với nhiều dự án nhất tại tỉnh Hòa Bình trong năm vừa qua là CTCP Tập đoàn T&T của “bầu” Hiển. Riêng tháng 11/2021, UBND tỉnh đã cho phép doanh nghiệp này nghiên cứu, khảo sát 5 dự án đô thị với quy mô hàng trăm ha trong thời hạn 6 tháng.

Các dự án bao gồm Khu đô thị tại phường Tân Hòa và xã Hòa Bình (quy mô 334 ha);  Khu đô thị, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Thịnh Minh và xã Hợp Thành (quy mô 934 ha);  Khu đô thị thể thao tỉnh Hòa Bình tại phường Thịnh Lang (quy mô 18,2 ha);  Khu đô thị du lịch thung lũng văn hóa Hòa Bình tại xã Tú Lý, huyện Đà Bắc (quy mô 684 ha) và Khu đô thị dịch vụ du lịch Đà Bắc tại thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc (quy mô 150 ha).

CTCP Tập đoàn FLC cũng chọn tỉnh Hòa Bình là địa bàn đầu tư chiến lược khi nghiên cứu lập quy hoạch cho 4 dự án tại địa bàn tỉnh trong năm 2021. 

Các dự án bao gồm Khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí Thung Nai tại huyện Tân Lạc (quy mô 981 ha), Khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí Yên Thủy tại huyện Yên Thủy (quy mô 705 ha); Khu Trung tâm đa chức năng Quỳnh Lâm tại TP Hòa Bình (quy mô hơn 43 ha) và Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Tòng Đậu tại huyện Mai Châu (quy mô gần 164 ha).

Lên đời hạ tầng giao thông, hàng chục doanh nghiệp đổ về Hòa Bình làm dự án  - Ảnh 3.

Một góc cảng Thung Nai, huyện Cao Phong. (Ảnh: Báo Hòa Bình).

Cũng trong tháng 11, liên danh CTCP Archi Viên Nam - CTCP Đầu tư phát triển nhà và đô thị Vinahud - CTCP Tập đoàn BGI cũng đã được chấp thuận cho làm nhà đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái và vui chơi giải trí Viên Nam tại xã Quang Tiến, TP Hòa Bình.

Quy mô dự án là 65 ha với tổng mức đầu tư hơn 512 tỷ đồng; quy mô dân số dự kiến 1.100 người; khách lưu trú không thường xuyên 900 người/ngày đêm.

Ngoài những doanh nghiệp tên tuổi, thị trường BĐS Hoà Bình còn thu hút nhiều doanh nghiệp nhỏ khác. 

Đơn cử, CTCP V’Star - Ngòi Hoa mới đây đã được UBND tỉnh Hòa Bình duyệt nhiệm vụ quy hoạch dự án Khu du lịch sinh thái V’Star - Ngòi Hoa, tại xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc với diện tích khoảng 182 ha, tổng mức đầu tư dự án là 125 tỷ đồng.

Trước đó, UBND tỉnh Hòa Bình cũng có quyết định cho phép CTCP Archi Reenco Hòa Bình chuyển mục đích sử dụng khoảng 41,3 ha đất và giao 36,4 ha đất để thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Lâm Sơn - giai đoạn 3; 4 (tên thương mại là Ivory Villas & Resort).

Đầu tháng 10, UBND tỉnh Hòa Bình đã có quyết định về việc chuyển mục đích sử dụng hơn 20,7 ha đất và giao đất (đợt 1) 20,6 ha cho CTCP Dự án Khu đô thị Thống Nhất để thực hiện dự án Khu đô thị Thống Nhất tại phường Thống Nhất, TP Hòa Bình.

Tỉnh cũng phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Bình Thanh, tại xã Bình Thanh, huyện Cao Phong do CTCP Mora Group thực hiện với diện tích quy hoạch gần 13 ha.

Cũng tại xã Bình Thanh, trong tháng 8, tỉnh đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu du lịch sinh thái Thung Nai Peninsula resort do CTCP Đầu tư Quốc tế Quang Minh đề xuất lập quy hoạch.

Dự án có quy mô khoảng 148,8 ha; trong đó, diện tích đất gần 116,8 ha và diện tích mặt nước nghiên cứu là 32 ha. 

Vào tháng 6, CTCP Sudico Hòa Bình, thành viên của CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) đã được giao 0,9 ha đất để thực hiện dự án mở rộng Khu dân cư Bắc đường Trần Hưng Đạo, TP Hòa Bình (tên thương mại là Khu đô thị Hòa Bình New City) với tổng diện tích gần 25,5 ha, tổng mức đầu tư 157 tỷ đồng. 

Đầu tháng 4, tỉnh đã tổ chức hội nghị công bố đồ án quy hoạch khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình tại xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc do CTCP Đầu tư Lạc Hồng làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 161,5 ha, tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, dự kiến đến quý I/2023 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng.

Đầu tháng 3, CTCP 873 - Xây dựng Công trình Giao thông (Cienco 873) đã được UBND tỉnh giao gần 7,3 ha đất để thực hiện dự án khu nhà ở Riverview Lương Sơn tại xóm Mỏ, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn.

Đáng chú ý, một doanh nghiệp thực phẩm là CTCP sữa TH True Milk (TH True Milk)  cũng muốn rót vốn vào thị trường BĐS tỉnh này khi đề xuất ý tưởng đầu tư các tổ hợp dự án nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, đô thị sinh thái thân thiện với môi trường tại tỉnh.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn triển khai Tổ hợp thể thao, văn hóa, giải trí, nghỉ dưỡng, sân golf tại xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy và đề xuất lập quy hoạch các dự án Thành phố xanh Viên Nam tại xã Mông Hóa, Quang Tiến (TP Hòa Bình); Khu nông nghiệp công nghệ cao, đô thị sinh thái tại xã Đồng Tâm (Lạc Thủy). 

Vẫn còn loạt dự án hàng nghìn ha đang chờ chủ đầu tư

Lên đời hạ tầng giao thông, hàng chục doanh nghiệp đổ về Hòa Bình làm dự án  - Ảnh 4.

Hồ Hòa Bình. (Ảnh: Báo Hòa Bình).

Dù trong năm 2021 đã có hàng chục doanh nghiệp tìm về Hoà Bình đầu tư, thị trường BĐS tỉnh này vẫn nhiều dư địa tăng trưởng khi còn loạt dự án đang tìm chủ đầu tư.

Trong đó, vào tháng 11 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình đã công bố tìm nhà đầu tư cho Khu nhà ở và dịch vụ sinh thái (Villas) tại thị trấn Lương Sơn và xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Dự án có diện tích khoảng 14,75 ha, quy mô dân số khoảng 2.200 người với sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án khoảng 410,2 tỷ đồng.

Trong quý I/2021, HĐND tỉnh Hòa Bình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư số 3 Nam Quảng Trường tại TP Hòa Bình với diện tích sử dụng đất 27,3 ha, quy mô dân số dự kiến 4.515 người.

Đồng thời, tỉnh cũng thông báo tìm chủ cho hai dự án, gồm khu nhà ở sinh thái Mường Hoa nằm tiếp giáp Quốc lộ 6, TP Hòa Bình (300 tỷ đồng) và Khu đô thị sinh thái và vui chơi giải trí Viên Nam (65 ha, 512 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hoà Bình cũng công bố quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035 với diện tích quy hoạch 52.200 ha nằm trên địa bàn TP Hòa Bình và 4 huyện gồm Đà Bắc; Cao Phong; Tân Lạc; Mai Châu.

Theo Báo Hòa Bình, Khu du lịch có 16 dự án đầu tư dịch vụ, văn hóa, du lịch được cấp phép, hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.444 ha, tổng nguồn vốn từ nhà đầu tư khoảng 3.303,9 tỷ đồng.

Khu vực này cũng thu hút 11 dự án đầu tư phát triển du lịch, tổng diện tích sử dụng đất khoảng 757 ha, tổng nguồn vốn đầu tư khoảng trên 3.200 tỷ đồng. Các dự án có mục tiêu đầu tư đáp ứng nhu cầu dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, kết hợp trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo tồn văn hóa các dân tộc, du lịch tâm linh,...

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.