VCSC: Sản lượng bán thép của Hòa Phát sẽ giảm do nhu cầu yếu trong năm nay

VCSC cho rằng, hoạt động xây dựng tiếp tục yếu sẽ tác động kéo dài đến nhu cầu thép trong năm nay. Mặt khác, các doanh nghiệp ngành thép, bao gồm Hòa Phát, cũng chịu áp lực về biên lợi nhuận khi giá đầu ra tăng chậm hơn giá đầu vào.

Theo báo cáo cập nhật của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) về CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG), đơn vị này dự báo sản lượng bán thép xây dựng năm nay của Hòa Phát sẽ ở mức 3,8 triệu tấn, giảm 11% so với cùng kỳ, dù sản lượng năm 2022 vượt trội so với ngành ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

VCSC cho rằng hoạt động xây dựng trong nước của khu vực tư nhân tiếp tục yếu sẽ có tác động kéo dài đến nhu cầu vật liệu xây dựng vào năm này, dù được bù đắp một phần bởi chi tiêu dự kiến của khu vực công cho cơ sở hạ tầng.

Đối với thép cuộn cán nóng (HRC), VCSC dự báo sản lượng bán năm nay sẽ đi ngang so với cùng kỳ, đạt mức 2,6 triệu tấn do kỳ vọng nhu cầu xuất khẩu sẽ giúp sản lượng bán HRC tăng mạnh hơn so với các sản phẩm sản xuất trong nước như thép xây dựng.  

Mặt khác, VCSC dự báo, việc phục hồi của giá bán thép trong năm nay cũng sẽ bị ảnh hưởng một phần bởi sản lượng bán giảm trong bối cảnh nhu cầu yếu tại thị trường trong nước, đồng thời, giá nguyên liệu đầu vào cao hơn gây áp lực lên biên lợi nhuận.   

Theo VCSC, các nhà sản xuất thép của Việt Nam, trong đó có Hòa Phát, sẽ phải đối mặt với kịch bản giá đầu ra tăng chậm hơn giá đầu vào trong bối cảnh giá hàng hóa tăng trong khi nhu cầu trong nước vẫn yếu, qua đó có thể tiếp tục gây áp lực lên biên lợi nhuận của doanh nghiệp trong nửa đầu năm nay.

Do đó, công ty chứng khoán này kỳ vọng biên lợi nhuận năm nay của Hòa Phát sẽ tăng so với mức cơ sở thấp của năm 2022, nhưng biên lợi nhuận dự phóng mới thấp hơn so với dự báo trước đây.

Trước đó, trong năm 2022, sản lượng bán thép tăng trưởng khả quan, song, Hòa Phát báo lợi nhuận ròng giảm 75% so với cùng kỳ với hai quý lỗ liên tiếp trong quý III và quý IV, nguyên nhân là giá cả đầu vào và đầu ra điều chỉnh mạnh.  

Tại thời điểm cuối năm 2022, dự phòng cho hàng tồn kho của Hòa Phát là 1.200 tỷ đồng, gấp 5,2 lần so với cuối năm 2021, tương đương với 1.000 tỷ đồng chi phí dự phòng hàng tồn kho được ghi nhận trong cả năm 2022.

Nếu giá hàng hóa tăng trong nửa đầu năm 2023, công ty có thể hoàn nhập khoản dự phòng này để bù đắp một phần mức giảm của biên lợi nhuận do chênh lệch giá giao ngay thấp hơn. 

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.