Thời Báo Kinh Tế Việt Nam dẫn nguồn tin cho hay, dựa trên số liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), Bloomberg cho biết, trong quý 2 vừa qua, khối lượng vàng mà các ngân hàng trung ương mua ròng đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011. Đây là quý thứ ba liên tiếp các ngân hàng trung ương giảm mua ròng vàng, đánh dấu chuỗi quý giảm mua dài nhất trong vòng ít nhất 5 năm trở lại đây.
Các ngân hàng trung ương giảm mua vàng trong năm 2016 trong bối cảnh giá vàng tăng mạnh trong nửa đầu năm. Ngoài ra, nguồn ngoại tệ từ xuất khẩu giảm sút cũng được cho là lý do khiến các nước đang phát triển mua ít vàng hơn cho dự trữ quốc gia.
“Lượng mua vàng của các ngân hàng trung ương đã giảm mạnh. Đây có thể sẽ là một nhân tố rất quan trọng đối với thị trường”, nhà phân tích hàng hóa cơ bản Thorsten Proettel thuộc công ty Landesbank Baden-Wuertemberg nhận định.
Mấy năm qua, hoạt động gom mua của các ngân hàng trung ương giữ vai trò khiến giá vàng tăng, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vào năm 2011, giá vàng thế giới đã tăng lên mức cao chưa từng có trong lịch sử khi vượt ngưỡng 1.900 USD/oz.
Trước đó, dự trữ vàng của các quốc gia đã liên tiếp giảm trong khoảng 2 thập kỷ. Tuy nhiên, từ năm 2008, các ngân hàng trung ương ngừng bán vàng, và chuyển sang mua ròng liên tục. Tính đến tháng 6 năm nay, các ngân hàng trung ương có mức nắm giữ vàng cao nhất trong khoảng 15 năm.
Các ngân hàng trung ương bắt đầu “mệt mỏi” với vàng, nhất là đối với những quốc gia có kim ngạch xuất khẩu suy giảm. (Ảnh minh họa). |
Sự giảm tốc gần đây có thể là một tín hiệu cho thấy các ngân hàng trung ương bắt đầu “mệt mỏi” với vàng, nhất là đối với những quốc gia có kim ngạch xuất khẩu suy giảm.
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kim ngạch thương mại toàn cầu trong tháng 4 năm nay đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010. Còn theo dữ liệu của Bloomberg, dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm khoảng 8% so với mức đỉnh cách đây 2 năm.
Thông tin trên Trí Thức Trẻ, có thể coi đà giảm trong thời gian vừa qua là dấu hiệu thể hiện sự mệt mỏi của phía người mua. Số liệu của IMF cho thấy kim ngạch thương mại toàn cầu hiện ở mức thấp nhất kể từ năm 2000 trong khi dự trữ tiền tệ đã giảm gần 8% so với 2 năm trước.
Trung Quốc là một ví dụ điển hình. Trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nước này cũng có lượng dự trữ vàng lớn thứ 5 thế giới.
Xuất khẩu suy giảm làm giảm lượng tiền đầu tư vào những tài sản như trái phiếu kho bạc và vàng. Dù đạt đỉnh cao nhất 5 năm vào giữa năm 2015, thặng dư cán cân vãng lai đã giảm gần 25% trong năm ngoái. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc cũng giảm 20% so với mức 4.000 tỷ USD của năm 2014.
Trong tháng 5 Trung Quốc không mua thêm chút vàng nào cả. Sau khi hồi phục trong tháng 6, lượng vàng mà Trung Quốc thu mua lại tiếp tục giảm.
Các NHTW giảm mua vàng khiến giá vàng mất đi một nguồn hỗ trợ chủ chốt. Sau khi tăng tích lũy 25% trong 6 tháng đầu năm, giá vàng gần như đứng im và đến thời điểm này đã giảm 3,8% so với mức đỉnh được lập hồi đầu tháng 7.
Tuy nhiên giới phân tích cho rằng trong môi trường lãi suất âm và các nước ồ ạt triển khai chương trình mua tài sản như hiện nay, vàng vẫn là kênh đầu tư sáng giá để các NHTW lựa chọn. Kể từ năm 2005 đến nay, NHTW Nga đã tăng gần gấp 4 số vàng nắm giữ.
6 tháng đầu năm 2013, 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trải dài từ Mozambique đến Mông Cổ đã tăng mua vàng. Năm nay, con số giảm xuống chỉ còn 10, trong đó cũng chỉ có 4 nước mua nhiều hơn 1 tấn. 6 tháng đầu năm nay, lượng dự trữ vàng của Venezuela giảm 25% vì nước này mạnh tay bán ra để bảo vệ đồng nội tệ.
Có một nguyên nhân khác khiến các nước giảm mua vàng là do giá tăng cao. Trong trường hợp của Trung Quốc, họ đã mua mạnh khi giá xuống thấp.
Trong khi đó, nước Nga dường như lại đi ngược chiều với xu hướng của thế giới. Theo đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) có đưa ra một báo cáo trong đó cho biết, trong nửa đầu 2016, Ngân hàng Trung ương Nga mua vào khoảng 14 tấn vàng/tháng - cao hơn mức mua vào 11 tấn vàng/tháng của Ngân hàng trung ương Trung Quốc và các nước lớn khác trên thế giới. Chỉ trong quí I/2016, theo Hội đồng vàng thế giới, dự trữ vàng của Nga đã tăng thêm 45,8 tấn - cao hơn 52% so với cùng kỳ năm ngoái, báo Đất Việt dẫn nguồn tin cho biết.
Hiện, dự trữ vàng của Nga lên đến gần 1.500 tấn. Với nỗ lực mua vàng từ năm 2015, Nga đã vươn lên vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng chủ sở hữu vàng lớn nhất thế giới.
Theo trang thông tin tài chính MarketWatch, Nga mua vàng là cách để giảm sự phụ thuộc vào USD và để cảm thấy an toàn hơn khi có nhiều khoản nợ tính bằng USD. Bên cạnh đó, việc bổ sung dự trữ vàng có thể do bất mãn với lợi nhuận thấp hoặc lãi âm từ tiết kiệm bằng đồng euro.
Một số nhà phân tích cho rằng chính sách nhất quán của Tổng thống Nga Vladimir Putin là nhằm nâng tầm vị thế của Nga và làm suy yếu sức mạnh của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Mua vàng là một phần trong kế hoạch lâu dài thống trị thế giới của ông Putin.
An Yên (Tổng hợp)