Du khách ở homestay với giá 6 USD/người/đêm bao ăn sáng tại Tam Cốc, Ninh Bình. (Ảnh: T.T.D).
Loại hình này có thị phần là những khách thích khám phá, trải nghiệm mà du lịch nghỉ dưỡng không có. Và như luồng gió mới, loại hình này hiện đang lan rộng cả nước, trong đó nhiều nơi đã thất bại.
Cách nay khoảng chục năm, người Thái ở bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) bắt đầu làm homestay với khoảng mươi nhà, sử dụng những căn nhà to đẹp làm homestay, trở thành điểm sáng của mô hình này do hoạt động khá thành công. Thế nhưng hiện nay bản Lác với cả trăm homestay, trở thành nơi xô bồ không thua phố Tây Phạm Ngũ Lão (TP HCM).
Chất lượng dịch vụ không đổi, nhà nào cũng karaoke, xe điện... giành giật, hàng quán chen chúc mà toàn hàng Trung Quốc... Giá chỗ ngủ chỉ bằng 20% giá cách đây 10 năm nhưng vẫn vắng tanh. Chỉ ồn ào cuối tuần, khách ghé selfie hoặc ăn uống, rồi tìm chỗ khác ngủ. Ế như vậy nhưng các homestay mới ở bản Lác và nhiều nơi vẫn đang hối hả thi công.
Thực tiễn cho thấy nếu không vận dụng theo mô hình "ba cùng" thật tốt và phù hợp, các homestay khó thành công. Điều kiện ăn, ở, vệ sinh, sinh hoạt của bà con vùng xa nghèo nàn khó giữ chân và thuyết phục khách trở lại. Các homestay được xây mới cũng bốn bức tường gạch hoặc tuềnh toàng, vệ sinh kém, ăn uống đơn điệu.
Không ít nơi các "chuyên gia tư vấn" đến tặng vật dụng, mở lớp tập huấn, vẽ ra tương lai phơi phới. Dân tin, bỏ tiền và vay mượn làm homestay. Khai trương ầm ĩ và được vài đoàn ghé cho biết. Sau đó vắng tanh, nhà tư vấn mất dạng.
Các homestay thường không niêm yết giá, mà linh động theo thực tế nên thường bị nhiều công ty lữ hành ép giá. Có nơi còn bị quỵt nợ hàng chục triệu đồng.
Năm 2016, Đại học Griffith (Úc) đã khảo sát 150 homestay tại các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) và 200 dự án homestay ở châu Mỹ Latin đều có thông số chung. Là mô hình giúp người dân thoát nghèo, được các tổ chức phi chính phủ và nhà nước sở tại tài trợ. Khi nguồn tài trợ kết thúc, các homestay đều chững lại, hoạt động cầm chừng hoặc bị xóa sổ.
Thất bại của homestay là do cách làm. Từ tâm lí ỷ lại vào nguồn tài trợ đến việc tư vấn thiếu thực tiễn. Từ việc chạy theo phong trào đến sự buông lỏng quản lí của chính quyền địa phương. Muốn giải bài toán hiệu quả phải thay đổi nhận thức và cách làm.
Làm homestay, quan trọng nhất là những điều kiện tối thiểu về văn hóa, cảnh quan, gia cảnh và nối kết được với các vùng phụ cận chứ không phải nhân lực, tài chính và giao thông. Các nhà tư vấn phải dành thời gian khảo sát, lập bản đồ và xây dựng bộ sản phẩm. Lên phương án thiết kế, tổ chức tham quan thực tế để chọn lựa mô hình, huấn luyện thực hành cầm tay chỉ việc theo bộ quy chuẩn của từng nơi, dựa theo tiêu chí của Tổng cục Du lịch.
Nhà tư vấn phải đồng hành lâu dài với người dân, giúp họ vận hành, hỗ trợ tìm nguồn khách và bảo hành dự án. Làm homestay là làm kinh tế. Muốn bán được sản phẩm phải biết rõ nhu cầu của khách. Trải nghiệm nhưng chỗ ở lẫn nhà vệ sinh phải thoáng mát, sạch đẹp, kể cả bản làng. Ăn uống cũng phải cải tiến với nguyên liệu tại chỗ, chứ không bê nguyên kiểu "mình ăn sao, khách ăn vậy".
Nguyên tắc xây dựng homestay là "gieo hạt - ươm mầm - vươn nhánh - thành cây - thành rừng". Phải đi từng bước. Chọn vài hộ tiêu biểu để triển khai. Làm nhà ngủ tập thể trước, mở rộng dần số lượng homestay, các phòng riêng cùng những dịch vụ khác và không ngừng được hoàn thiện.
Mỗi vùng miền có nét riêng từ thiết kế, nguyên vật liệu làm nhà đến sản phẩm; từ trang phục đến ẩm thực, chứ không rập khuôn. Phát triển homestay dựa theo nhu cầu thực tế của nguồn khách, đảm bảo tính hiệu quả việc thu hồi vốn và bài toán kinh doanh.
Gần đây, báo chí viết nhiều bài về thực trạng vắng khách, thậm chí không có và thua lỗ của các homestay ở Việt Nam. Có người bảo: "Chỉ sửa nhà rồi cho thuê, khách không ở thì mình ở, có mất gì đâu mà lỗ". Nghe cũng có lí, nhưng không phải vậy.