Vì sao các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động?

Bắt đầu từ hôm nay, 26/9, một số tổ chức tín dụng lớn trong đó có các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn dưới 1 năm, với mức giảm từ 0,3 - 0,5%/năm.

Theo tin tức trên VnEconomy, hôm nay (26/9), thông tin nhanh từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, một số tổ chức tín dụng lớn, trong đó có các ngân hàng thương mại Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND.

Cụ thể, lãi suất VND ở các kỳ hạn dưới 1 năm có các mức giảm khá mạnh, từ 0,3-0,5%/năm.

Theo đó, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng được các tổ chức tín dụng này này công bố ở mức 0,3-0,5%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng ở mức 4,2-4,3%/năm, kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 5 tháng ở mức 4,8%/năm, kỳ hạn từ 5 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng ở mức 5,3%/năm, và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%/năm.

Cụ thể, theo Vnmedia, tại Vietinbank, hiện lãi suất kỳ hạn 6 tháng đến dưới 9 tháng có mức là 5,3%/năm; lãi suất kỳ hạn 9 tháng đến dưới 12 tháng là 5,5%/năm.

Tại Vietcombank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 9 tháng là 5,5%/năm; kỳ hạn 1-2 tháng là 4,3%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 4,8%/năm; kỳ hạn 6-9 tháng có mức lãi suất từ 5,3-5,5%/năm.

Ngân hàng BIDV hiện áp dụng mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1-2 tháng là 4,3%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 4,8%/năm; kỳ hạn 6-9 tháng là 5,3-5,5%/năm.

lãi suất VND ở các kỳ hạn dưới 1 năm có các mức giảm khá mạnh, từ 0,3-0,5%/năm. (Ảnh minh họa).

“Động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng nêu trên là giải pháp tích cực, kịp thời nhằm triển khai định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cụ thể hóa cho ngành ngân hàng tại Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 27/5/2016 tiết giảm chi phí để phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế”, Ngân hàng Nhà nước đánh giá.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã bám sát thị trường, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản của hệ thống, tạo điều kiện để giữ mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp; qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và giảm sức ép lên lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, đồng thời đảm bảo các mục tiêu ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Là các đầu mối chiếm thị phần chi phối về huy động và cho vay trên thị trường, diễn biến giảm khá mạnh lãi suất huy động nói trên là đáng chú ý, có thể tạo tiền đề để tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Báo Một Thế Giới thông tin, trước đó, theo phản ánh của báo chí, vào đầu tháng 9.2016, một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động với mức tăng phổ biến 0,1% đến 0,3%. Ví dụ như Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) tăng lãi suất huy động VND kỳ hạn 6 tháng lên mức 7,1%/năm thay vì 7%/năm như trước; kỳ hạn 13 tháng được hưởng mức lãi suất 7,8%/năm thay vì mức cũ 7,5%/năm.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng áp dụng biểu lãi suất huy động VND mới với mức tăng 0,1% đến 0,3% tùy từng kỳ hạn. Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) cũng áp dụng mức lãi suất huy động cao nhất 7,7% cho kỳ hạn 15 tháng…

Việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động đã khiến không ít doanh nghiệp lo lắng vì có thể có tác động tới lãi suất cho vay, nhất là khi mùa cao điểm kinh doanh dịp cuối năm đang đến gần.

An Yên (Tổng hợp)

chọn
Bất động sản tháng 4/2024: Ban hành nghị định về lấn biển; giá chung cư Hà Nội tiếp tục tăng nóng
Trong tháng 4, Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động lấn biển; Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội xử lý hành vi thổi giá chung cư; Long An, Hậu Giang được duyệt chuyển đổi đất lúa làm loạt dự án nghìn tỷ; Bình Dương chấp thuận đầu tư KĐT tỷ USD;...