Trong suốt nhiều năm, công ty kinh doanh dầu lớn nhất thế giới Vitol tuyên bố chính sách "không khoan nhượng" với gian dối. Giờ đây, Vitol thừa nhận rằng họ đã hối lộ thông qua mạng lưới các công ty vỏ bọc và hợp đồng giả mạo.
Gần đây nhất là vào tháng 7/2020, Vitol hối lộ các quan chức chính phủ ở Ecuador và Mexico trong khi lớn tiếng lặp lại tuyên bố hùng hồn của mình.
Tại Brazil, một giám đốc cấp cao của Vitol trao tiền mặt cho các trader tại Petroleo Brasileiro SA (thường gọi là Petrobras) để đổi lấy "con số vàng" - mức giá mà Vitol nên trả để chiến thắng các cuộc đấu thầu từ công ty dầu mỏ nhà nước Brazil này.
Theo Bloomberg, những thông tin trên được tiết lộ từ thỏa thuận truy tố được hoãn lại giữa đơn vị Mỹ của Vitol Group và Bộ Tư pháp Mỹ. Chúng là một phần của vụ bê bối hối lộ Carwash của Brazil, được giám đốc Petrobras mô tả là "bằng MBA về tham nhũng."
Chúng là bước lùi đối với tất cả các trader hàng hóa, làm tổn hại những nỗ lực nhằm xóa bỏ tiếng xấu về sự gian dối đã gắn chặt với ngành này kể từ thời của Marc Rich, người đầu tiên dành hai thập kỉ chạy trốn khỏi chính quyền Mỹ.
Nhà tư vấn Jean-Francois Lambert nhận xét: "Rủi ro mà các trader gánh chịu khi bị tổn hại trong những vụ bê bối như vậy là rất lớn. Những hành vi xấu không còn được dung thứ nữa và các hành động sai trái như hối lộ sớm muộn gì cũng bị phơi bày".
Với việc đồng ý trả hơn 160 triệu USD cho các cơ quan quản lí ở Mỹ và Brazil, Vitol thừa nhận đã hối lộ các quan chức chính phủ trong hơn một thập kỉ từ năm 2005 đến năm 2020.
CEO Russell Hardy của Vitol cam kết: "Chúng tôi hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề này và rất mừng vì nó đã được giải quyết. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các thủ tục và kiểm soát của mình".
Theo tài liệu của Bộ Tư pháp Mỹ, Vitol đã chi 8 triệu USD hối lộ các giám đốc của Petrobras từ năm 2005 đến năm 2014. Đổi lại, những người này cung cấp cho Vitol thông tin giá trị về các cuộc đấu thầu của họ, bao gồm cả giá đấu thầu cao nhất từ đối thủ.
Điều đó có nghĩa là Vitol có thể đấu thầu các sản phẩm dầu của Petrobras với mức giá chính xác mà họ biết là sẽ thắng. Trong nội bộ Vitol, mức giá này được gọi là "con số vàng".
Trong các email nội bộ giữa nhân viên Vitol, thông tin từ rò rỉ từ Petrobras được đánh dấu là "Tin mật và Riêng tư – Vui lòng giữ kín".
Petrobras nói rằng họ là nạn nhân của những sai phạm được sáng tỏ từ vụ điều tra Carwash và đang hợp tác với nhà điều tra.
Đầu năm 2013, một giám đốc của Vitol ở Brazil đã gửi email cho đồng nghiệp của mình ở Houston về mức giá chính xác mà một trong những đối thủ cạnh tranh của công này đang đấu thầu cho một lô hàng dầu diesel.
"Đây là con số vàng", vị giám đốc nói. "Được… Chúng tôi sẽ lấy nó", đồng nghiệp của ông ta trả lời.
Cơ chế Vitol sử dụng để trả tiền hối lộ hầu như không có gì quá mới lạ.
Vitol SA, công ty con ở Thụy Sĩ của Tập đoàn Vitol đã gửi tiền đến các công ty trung gian qua tài khoản ngân hàng ở Mỹ, Curacao, Quần đảo Cayman, Bahamas, Bồ Đào Nha và Brazil.
Trong một số trường hợp, số tiền này sau đó được chuyển đổi thành tiền của Brazil bởi "doleiro" - một kẻ rửa tiền chuyên nghiệp. Sau đó tiền mặt sẽ được chuyển cho một nhân viên của Petrobras.
Vitol và các cá nhân liên quan đến kế hoạch đã tạo ra các hóa đơn giả trình bày các khoản thanh toán được trả cho cho dịch vụ tư vấn và "thông tin thị trường". Họ liên lạc qua các mật danh như: "Người dơi", "Hổ", "Phil Collins", "Cá heo", "Popeye" và "Beb."
"Công ty vỏ bọc, hợp đồng tư vấn giả, hóa đơn giả, tài khoản email giả - không có gì là mới. Các bí quyết nghề nghiệp này hầu như không thay đổi so với thế kỉ trước", Giám đốc George Voloshin của công ty tư vấn Aperio Intelligence nhận xét.
Giới chức trách ở Mỹ và Brazil cũng đang điều tra các đối thủ của Vitol là Glencore và Trafigura Group về những cáo buộc tương tự.