Vì sao ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động dù NHNN không hạ lãi suất điều hành?

Theo KBSV, lãi suất huy động đồng loạt giảm tại hầu hết kì hạn là do tình trạng thanh khoản hệ thống dư thừa và các ngân hàng muốn giảm mạnh chi phí vốn đầu vào.

Theo số liệu của bộ phận phân tích Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), ngay những ngày đầu tháng 7, lãi suất huy động tại hầu hết kì hạn đồng loạt giảm trên toàn hệ thống với mức giảm phổ biến 0,2 - 0,3 điểm %, thậm chí một số ngân hàng cắt giảm giảm trên dưới 0,5 điểm % mặc dù không có chỉ thị mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về lãi suất điều hành. 

KBSV cho rằng thanh khoản dư thừa và các ngân hàng muốn giảm mạnh chi phí vốn đầu vào là 2 lí do chính của sự điều chỉnh lãi suất đồng loạt trên toàn hệ thống.

Theo đó, việc cả hệ thống điều chỉnh giảm lãi suất huy động một cách khá bất ngờ khi không có hiệu lệnh chung của NHNN được lí giải là do thanh khoản tiếp tục duy trì trạng thái dư thừa mạnh. 

Cụ thể, vốn đầu ra bị tắc nghẽn do tín dụng trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng thấp dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19 (tính đến ngày 19/6 tín dụng chỉ tăng 2,45% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ là 6,22%) trong khi kể từ tháng 4 đến nay có một lượng lớn tín phiếu NHNN đáo hạn (đồng nghĩa với việc NHNN đã bơm ra hệ thống khoảng gần 150 nghìn tỉ đồng). 

Do vậy, lãi suất liên ngân hàng trong tháng 6 đã giảm tiệm cận về 0% trong khi dòng tiền chuyển hướng sang đầu tư trái phiếu chính phủ (TPCP) giúp lượng phát hành TPCP của KBNN trong tháng 6 lớn nhất trong 1 năm gần đây. Nhu cầu TPCP tăng mạnh cũng được thể hiện qua việc khối lượng đặt thầu trong tháng 6 luôn duy trì ở mức gấp 3 lần so với khối lượng gọi thầu.

Mặt khác, việc hạ lãi suất huy động giúp cho ngân hàng cắt giảm chi phí vốn để hỗ trợ doanh thu, đồng thời cũng bảo vệ biên lãi thuần (NIM) khỏi sự suy giảm mạnh khi lãi suất cho vay bị áp lực giảm để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Ví dụ như trường hợp của BIDV, từ ngày 1/7 ngân hàng cũng công bố giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho vay cùng lúc với việc giảm lãi suất huy động.

KBSV đánh giá, xu hướng mặt bằng lãi suất huy động trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ nếu tín dụng hồi phục. Cụ thể, xu hướng mặt bằng lãi suất huy động trong thời gian tới sẽ phụ thuộc 3 yếu tố chính gồm: Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm, chính sách điều hành của NHNN và lộ trình siết tỉ lệ huy động ngắn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2020.

Trong kịch bản cơ sở, KBSV cho rằng lãi suất huy động vẫn sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2020 khi tăng trưởng tín dụng được kì vọng sẽ hồi phục và lộ trình siết tỉ lệ huy động ngắn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2020 có thể sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và làm đảo chiều xu hướng lãi suất tiền gửi đang giảm. 

Tuy nhiên, mức điều chỉnh sẽ kì vọng chỉ tăng nhẹ khoảng 0,3 - 0,5 điểm % khi vẫn còn khả năng NHNN sẽ hạ lãi suất điều hành thêm một lần nữa (trong bối cảnh lạm phát có thể hạ nhiệt vào nửa cuối năm nhờ mức nền giá cao trong 6 tháng cuối năm 2019).

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.