Vì sao nhà ở xã hội chưa hấp dẫn với cả nhà đầu tư và người dân?

Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trong năm 2020 chỉ đạt hơn 40% so với kế hoạch đề ra.

Dự án nhà ở xã hội không đạt mục tiêu trong năm 2020

Các dự án nhà ở xã hội đã được quan tâm đúng mức trong năm 2020? - Ảnh 1.

Bên cạnh khó khăn về nguồn vốn thì việc triển khai ở địa phương cũng là nguyên nhân khiến việc phát triển các dự án nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: Zing News).

Thông tin từ TTXVN, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến ngày 25/12, cả nước mới có 513 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với số lượng hơn 16 triệu m2 sàn.

Trong đó, 249 dự án đã hoàn thành với quy mô xây dựng hơn 5,2 triệu m2 sàn, đạt tỷ lệ hơn 40% kế hoạch.

264 dự án còn lại đang tiếp tục triển khai với quy mô xây dựng khoảng gần 11 triệu m2 sàn nhà ở.

Bộ Xây dựng thừa nhận việc phát triển nhà ở cho công nhân chưa đạt mục tiêu Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và nguyên nhân chính là thiếu vốn.

Tính đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội mới được phân bổ hơn 2.100 tỷ đồng trong tổng số 9.000 tỷ đồng (mới đáp ứng được 24% nhu cầu vốn đến năm 2020).

Chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội cũng như chưa có quy chế sử dụng nguồn tiền thu được từ 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.

Giải pháp kịp thời của Chính phủ

Các dự án nhà ở xã hội đã được quan tâm đúng mức trong năm 2020? - Ảnh 2.

Chính phủ đã có những tác động để hỗ trợ kịp thời các hoạt động triển khai các dự án nhà ở xã hội năm 2020. (Ảnh: Zing News).

Thông tin từ Thanh Niên, số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng cho biết, nhu cầu nhà ở xã hội toàn quốc trong giai đoạn từ 2011 - 2020 cần khoảng 440.000 căn hộ.

Trong đó, TP HCM khoảng 134.000 căn, Hà Nội khoảng 110.000 căn, Bình Dương 41.250 căn, Đồng Nai 35.700 căn, Đà Nẵng 11.500 căn…

Theo Tạp chí Tài chính, tháng 4/2020, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 3.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.

Trong đó có 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 2.000 tỷ đồng cho 4 ngân hàng quốc doanh, nhằm hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội. 

Sau gói hỗ trợ cho vay mua và tạo lập nhà ở 30.000 tỷ của Chính phủ từ tháng 6/2012 (đã kết thúc vào tháng 5/2016) thì đây là gói hỗ trợ có quy mô lớn tiếp theo cho nhà ở xã hội.

Kỳ vọng của thị trường với gói vốn này là tạo điều kiện cho người dân lao động mua nhà, đồng thời tạo thêm nguồn cung căn hộ giá rẻ cho thị trường đang khan hiếm, giúp thị trường bất động sản ổn định trong bối cảnh sụt giảm bởi Covid-19.

Vì sao chưa hấp dẫn với cả nhà đầu tư và người dân?

Theo Thời báo Tài chính, thống kê trên địa bàn TP Hà Nội, từ năm 2016 tới nay, diện tích đất dành cho nhà ở xã hội ước khoảng 2,8 triệu mét vuông đất.

Tuy nhiên, thực tế từ thời điểm đó tới nay, diện tích xây dựng nhà ở xã hội chỉ có 525.000 m2, chưa bằng 1/5 diện tích tính theo quy định. Gần 2,3 triệu m2 đất được cấp dành cho nhà ở xã hội còn lại vẫn chưa được triển khai.

Trong năm 2020, Bộ Xây dựng cũng chỉ ra, thực trạng hầu hết doanh nghiệp chưa quan tâm, tích cực tham gia đầu tư nhà ở xã hội do các chính sách ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội đã ban hành chưa đủ hấp dẫn.

Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình thông qua việc mua, thuê nhà ở, xây dựng nhà ở xã hội để cho công nhân thuê.

Chia sẻ với Thời báo Tài chính, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và người mua hầu như chưa được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

Đại diện HoREA cho biết, Khoản 2 Điều 33 Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định Ngân hàng Chính sách Xã hội (NH CSXH) chưa cấp tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn 2015 - 2020.

Theo tin từ Tạp chí Tài chính, nhiều dự án nhà ở xã hội không "được lòng dân" dù rao bán cả chục lần. Có thể kế đến như dự án Bamboo Garden (Quốc Oai, Hà Nội) của CEO Group, qua 19 đợt mở bán vẫn chưa bán hết dù có giá dưới 10 triệu đồng/m2; Dự án nhà ở xã hội tại ô đất 5.B2 (Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội) được Công ty TNHH Thăng Long phát triển chưa thể bán hết tổng số 504 căn hộ qua 7 lần mở bán…

Một số vấn đề khác như cơ chế để hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, thiếu nguồn vốn hỗ trợ, chính quyền địa phương chưa quan tâm trong tạo quỹ đất… cũng chưa được giải quyết có hiệu quả.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.