Thảo Điền với 3 bề giáp sông Sài Gòn. (Ảnh: Lê Quân).
Các chỉ số quan trắc gần đây cho thấy khu vực Thảo Điền đang ô nhiễm cao nhất TP HCM. Đồng thời, theo thống kê của Công ty Thoát nước đô thị TP HCM, Thảo Điền cũng là nơi ngập sâu nhất trong đợt triều cường lịch sử tối 30/9.
Chuyện gì đang xảy ra với Thảo Điền - bán đảo xanh tươi được bao quanh bởi sông Sài Gòn, nơi được gọi là khu nhà giàu và thu hút nhiều người nước ngoài sinh sống?
Ông Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho rằng dù chỉ số ô nhiễm môi trường sẽ phải tính toán lại nhưng một tương lai ngập lụt triền miên đang chờ đợi bán đảo này. Thảo Điền sẽ lún dần xuống mà không có cách nào cứu vãn được.
- Thảo Điền vốn được coi khu vực sống lí tưởng vì là bán đảo được sông Sài Gòn bao quanh, nhưng các chỉ số quan trắc gần đây lại cảnh báo đây là khu vực ô nhiễm nhất của TP HCM? Theo ông, đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?
- Tôi nghĩ có lẽ cần phải đánh giá lại một cách khoa học hơn về các chỉ số dựa trên các app đang có hiện nay. Nếu chỉ dựa trên các chỉ số này mà kết luận Thảo Điền ô nhiễm nhất TP HCM thì quá vội vàng. Bởi vì phần lớn khu vực này tiếp giáp sông Sài Gòn, có độ ẩm rất cao (hơn 85%).
Thảo Điền là khu dân cư, không có chủ thể nguồn sản xuất các loại bụi độc hại như PM, SOX, NOX hay CO2 phát tán. Mặt khác, khu này nằm cuối hướng gió của các công trình. Cho nên việc chỉ số ô nhiễm cao nhất TP HCM cần phải đánh giá lại.
Chỉ số quan trắc phải được theo dõi thường xuyên trong năm và cần được truyền về trạm xử lí dữ liệu; các thiết bị quan trắc cần phải được hiệu chỉnh. Việc này nhằm tránh những nhầm lẫn vô căn cứ gây hoang mang trong dư luận.
Một phần Thảo Điền (bên phải) chìm trong mù khô. Ảnh: Quỳnh Danh.
- Thảo Điền có 3 mặt giáp sông, không gần khu công nghiệp, nhà máy. Tại sao chỉ số ô nhiễm của khu vực này luôn cao? Liệu các chỉ số đo của các app nước ngoài như Airvisual, PAM Air có đáng tin cậy không, thưa ông?
- Với kinh nghiệm nghiên cứu và phương pháp đánh giá khoa học thì khu Thảo Điền không có tác động bởi chủ nguồn thải trong tự nhiên, việc có các chỉ số ô nhiễm cao cần xét lại các yếu tố tác động, nếu không có thì có thể loại trừ ngay.
Tôi cho rằng không bao giờ có chuyện Thảo Điền là nơi ô nhiễm nhất thành phố. Tôi cũng nghi ngờ những chỉ số mà các app đưa ra. Bởi vì, việc quan trắc chất lượng không khí không phải cứ đưa một cái máy ra đo xong kết luận luôn là không khí kém hay nguy hại.
Trước hết, cần phải làm rõ các thiết bị đo của họ có cùng một dòng hay không, máy được đặt indoor (trong nhà) hay outdoor (ngoài trời). Trong quan trắc môi trường, outdoor là việc đặt máy đo ở các ngã tư, quảng trường, những nơi công cộng có lưu lượng lưu thông lớn. Còn việc đo ở vườn nhà, khuôn viên một sứ quán được coi là indoor hết.
Tuy nhiên, nếu việc đặt thiết bị đo không thống nhất thì máy sẽ cho ra những chỉ số khác nhau. Nhiều khi chỉ số tăng bất thường có thể gây hoang mang cho người dân.
Người dân sống ở Thảo Điền cũng đã quen cảnh hễ mưa là ngập. Ảnh: Lê Quân.
Tôi lấy một ví dụ như sau: Một gia đình có thiết bị đo trong nhà, nếu đóng cửa và căn phòng có thêm khoảng 4 người, lượng CO2 trong không khí sẽ tăng cao khiến các chỉ số của máy cũng tăng dần theo. Vì thế, theo đánh giá của cá nhân tôi, các chỉ số chất lượng không khí hiện nay đang rất loạn. Trong khi TP HCM lại chưa có thiết bị quan trắc tự động để cập nhật thông tin kịp thời cho người dân.
Với giá từ 10 triệu trở lên, người dân thành phố có thể dễ dàng mua các thiết bị đo chất lượng không khí trong nhà. Giá cả, nhãn hàng, độ chính xác cũng có nhiều chênh lệch. Tuy nhiên, thiết bị quan trắc ngoài trời (outdoor) thì khác, nó có giá 6.000-10.000 USD nên không phải ai cũng mua được.
Do vậy, tôi cho rằng cần phải đánh giá lại những thiết bị đo của các app như Airvisual hay Pam Air. Bởi vì, như tôi biết, ngoài các thiết bị đo chính thức, hai app này còn thu thập thông tin từ những người đóng góp (contributors) và việc kiểm soát chất lượng thiết bị nhằm đảm bảo việc quan trắc không khí được thực hiện một cách đồng nhất, căn cứ trên những tiêu chuẩn chung sẽ rất khó khăn.
- Là khu nhà giàu nhưng Thảo Điền đang trở nên nổi tiếng vì là nơi ngập nhất của thành phố trong đợt triều cường lịch sử vừa qua. Theo ông đâu là lí do dẫn đến tình trạng này?
- Như tôi đã nói trước đây, quy hoạch đô thị với mật độ xây dựng lớn hơn 35% trên khu đất vốn là đầm lầy tự nhiên là một sai lầm lớn, hậu quả ngập úng sẽ không có gì lạ đối với Thảo Điền trong tương lai.
Bản chất của vùng đất này là bùn, không có đất sét hoặc đất pha, vì thế nền đất thiếu sự liên kết. Mỗi năm, nền đất của Thảo Điền sẽ lún dần đều. Ở những nơi có công trình xây dựng, nhà thầu sẽ làm cọc nhồi, khả năng lún thấp hơn. Tuy nhiên, khu vực xung quanh sẽ lún mạnh.
Một yếu tố khác là cao độ nền chuẩn là bao nhiêu? 20 năm trước, không ai quan tâm vấn đề này trong quá trình phê duyệt các dự án cả, nếu tính thì chỉ đủ tại thời điểm san lấp nền để phục vụ nhu cầu mà thôi. Việc quy hoạch thiếu định hướng là việc gây hậu quả rất lớn, khó khắc phục được trong phát triển đô thị như khu Thảo Điền.
Tương lai ngập lụt nặng nề hơn đang chờ đợi khu Thảo Điền. Ảnh: Lê Quân.
- Vậy giải pháp nào để sửa chữa những sai lầm như ông nói?
- Hiện nay, không có cách nào để sửa những sai lầm quy hoạch ở Thảo Điền cả. Dân cư đông, mật độ xây dựng cao, kẹt xe ngập nước triền miên sẽ là một tương lai mà người dân sống ở đây phải đối mặt.
Theo tôi, chỗ nào ngập quá nên cải tạo thành khu sinh thái để giữ nước. Sau đó nước được đẩy về các hồ điều hòa nhằm giảm ngập cho cả khu. Tuy nhiên, với giá đất đắt đỏ và mật độ xây dựng hiện nay, tôi e là không thể tìm đâu ra đất trống ở Thảo Điền đề xây dựng các công trình giảm ngập.
Giải pháp hữu hiệu nhất sẽ không có gì khác ngoài quy hoạch đê bao rộng lớn ngang 60 m bao xung quanh khu Thảo Điền, vừa làm đường giao thông vừa tạo cảnh quan khu đô thị. Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là nó sẽ khiến Thảo Điền trở thành ốc đảo biệt lập với hệ thống hạ tầng đô thị bên ngoài. Xây bờ bao có nghĩa là khu vực này không thể thoát nước tự nhiên ra sông Sài Gòn nữa. Nước thải sẽ phải xử lí và đưa về hồ sinh thái, sau đó dùng máy bơm công suất lớn để bơm ra sông Sài Gòn.
Nhưng câu chuyện ở đây vẫn là Thảo Điền, một khu vực bị đô thị hóa tràn lan, thiếu quy hoạch. Tôi nghĩ chẳng ai muốn hi sinh dù chỉ là một mét đất “vàng” để “cứu ngập” cho bán đảo này.