Vì sao Vinamilk muốn có Sữa Mộc Châu?

Sữa Mộc Châu có thể là lời giải cho bài toán tăng trưởng doanh thu và thị phần của Vinamilk đang chậm hơn dự báo.

Trong báo cáo giao dịch gần nhất, Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã CK: VNM) cho biết đã nâng sở hữu tại GTNFoods - công ty mẹ của Sữa Mộc Châu - lên 43,17%. Theo nhận định của các công ty chứng khoán, Vinamilk có cơ hội để gia tăng sở hữu lên 57%, khi cổ đông lớn thứ hai của GTNFoods đã đăng kí thoái hơn 16% vốn trong tháng 11.

Gián tiếp thâu tóm Sữa Mộc Châu không chỉ mở rộng hệ sinh thái mảng sữa mà còn được đánh giá là bước đi phù hợp với Vinamilk, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp sữa lớn nhất thị trường đang có xu hướng chững lại.

Vì sao Vinamilk muốn có Sữa Mộc Châu? - Ảnh 1.

Cổ phiếu Vinamilk giảm gần 8,7% trong 6 tháng gần nhất. (Ảnh: Trading View).

Báo cáo gần nhất của Công ty chứng khoán SSI về Vinamilk đặt tựa đề: Chờ đợi các yếu tố mới thúc đẩy tăng trưởng. Trong quý gần nhất, doanh thu và lợi nhuận của Vinamilk chỉ tăng hơn 4% so với cùng kì. 

"Kết quả kinh doanh không như kì vọng của chúng tôi, vì chúng tôi ước tính tăng trưởng doanh thu trong nước cao hơn ở mức 5-7% theo kế hoạch của ban lãnh đạo vào đầu năm", báo cáo SSI viết.

Bộ phận nghiên cứu cũng lưu ý, Vinamilk đã tăng 1-3% giá bán trung bình trong tháng 4 và tháng 8 năm nay. Nếu loại trừ yếu tố giá và doanh thu từ chương trình sữa học đường, sản lượng nội địa trong quý III không đổi so với cùng kì năm trước. Thị phần của Vinamilk tăng nhẹ chủ yếu do tăng tiêu thụ theo giá trị, thay vì sản lượng.

Với thị phần chiếm quá nửa thị trường, trong bối cảnh ngành sữa chỉ tăng trưởng một con số, yêu cầu tăng trưởng cao với doanh nghiệp lớn như Vinamilk là điều không dễ và cũng được ban lãnh đạo công ty này dự báo từ đầu năm. Nhưng khi Vinamilk chững lại còn các doanh nghiệp nhỏ hơn tăng tốc, sức ép lên thị phần ngày càng rõ rệt hơn. Trong quý III, Mộc Châu và Vinasoy tăng doanh thu lần lượt 9,7% và 17,2%. 

Tuy nhiên, tăng trưởng chậm hơn dự báo chưa phải vấn đề duy nhất Vinamilk gặp phải. Biên lợi nhuận gộp của công ty đang chịu thách thức do giá bột sữa tăng cao. Tốc độ tăng thị phần cũng chậm hơn dự báo của nhiều đơn vị phân tích.

Báo cáo gần nhất của VCSC nhận xét, giá bột sữa tăng gần đây có thể gây áp lực lên biên lợi nhuận gộp trong năm tới, dù Vinamilk có thể giảm sức ép thông qua tăng giá bán. Kịch bản cơ sở của nhóm phân tích giả định giá bột sữa đầu vào của Vinamilk sẽ tăng 5% trong năm 2020 và công ty sẽ tăng giá bán trung bình 1%.

Bên cạnh đó, việc giành thêm thị phần trong tương lai được dự báo khó khăn hơn so với những năm trước đây. Theo ban lãnh đạo, Vinamilk đã tăng 0,3 điểm phần trăm thị phần trong 9 tháng đầu năm nay so với cuối năm 2018, thấp hơn mức tăng 0,6-0,7% trong quý I/2019 và 0,4% trong 6 tháng đầu năm.

Theo đánh giá của SSI, mua lại thành công Sữa Mộc Châu sẽ là một trong tiền đề quan trọng hỗ trợ tăng trưởng dài hạn. 

Sữa Mộc Châu hiện đang chiếm khoảng 9% thị phần. Con số này nếu căn cứ trên mục tiêu tăng trưởng hàng năm thì cần 9 năm để Vinamilk đạt được. Bên cạnh đó, dù việc kết hợp hậu M&A còn là bài toán của tương lai, song cũng là giải pháp gia tăng hệ sinh thái sản phẩm, mở rộng thị trường.


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.