Ngày 23 tháng Chạp, các gia đình thành kính dâng lễ vật, cơm cúng, cá chép và tiễn ông Công ông Táo về chầu trời. Sau lễ cúng ông Công ông Táo, cần phải làm những việc sau để đón tài lộc, may mắn trong năm mới.
Với quan niệm, Táo quân đi vắng trong 7 ngày, nên sau lễ cúng ông Công ông Táo về chầu trời, các gia đình xin phép dọn dẹp, tẩy uế bàn thờ cuối năm. Việc bao sái bàn thờ, dọn dẹp bàn thờ được tiến hành tỉ mỉ, trang trọng. Bởi theo quan niệm, nếu bất kì sai sót nào xảy ra, đều có thể mang đến những điều không may đến với gia đình.
Lau dọn bàn thờ là một nghi lễ quan trọng, thể hiện sự thành kính với tổ tiên và các vị thần linh, vì thế người dọn dẹp bàn thờ nên là người đàn ông. Nếu gia đình không có đàn ông, thì mới chọn người phụ nữ tiến hành nghi lễ quan trọng này. Khi lau dọn bàn thờ, thân thể cần sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề, nghiêm túc. Nên dùng khăn sạch, nước gừng hoặc nước sạch để lau dọn đồ thờ, ảnh thờ và bàn thờ.
Nếu thấy cần thiết, có thể tỉa chân nhang và thay tro bát hương. Để lại số chân hương lẻ 3, 5, 7, 9. Chân hương còn thừa sẽ mang đi hóa sau khi làm lễ. Về thay tro bát hương, có thể mua rơm nếp về đốt, thay thế tro cũ, hoặc đơn giản hơn, mua tro sẵn ở cửa hàng bán đồ thờ cúng. Số tro thừa sẽ được mang rắc ở sông, hồ có nguồn nước lưu thông.
Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, việc dọn dẹp đồ đạc cũ, vứt bỏ những đồ không còn dùng đến là cách để xua đuổi tà khí trong nhà. Năm mới nghĩa là cái gì cũng mới. Nên không gian sống của gia đình, đặc biệt là khu vực bếp cần được mới mẻ, được thêm nguồn sinh khí mới. Sau lễ cũng ông Công ông Táo, nên dọn dẹp nhà cửa khang trang hơn là vì lí do trên.
Nếu tự cảm thấy bàn thờ không phù hợp, có thể thay thế bát hương và bàn thờ mới. Đối với bát hương, cần lưu ý giữ lại phần cốt bát hương và chân nhang cũ. Bát hương, ban thờ cũ có thể mang hóa.
Tuy nhiên, việc mang bát hương thả ra sông, hồ cần lưu ý đến việc ảnh hưởng cảnh quan, môi trường. Đồng thời, tại các sông, hồ ô nhiễm, các gia đình không nên mang bát hương, ban thờ cũ ra đó để thả.
Lúc này, ban thờ đã sạch sẽ, khang trang để chào đón Thần linh, các gia đình cần làm lễ an vị Táo quân, an vị Thần linh. Thông thường, lễ cúng này được làm vào trưa ngày 30 Tết. Tuy nhiên, các gia đình về quê, đi xa trong ngày này có thể cúng sớm hơn. Có thể cúng lễ Tất niên gộp vào lễ thỉnh an vị Táo quân vào buổi trưa hoặc chiều ngày 30 Tết.
Đồ lễ cúng thông thường gồm có xôi, gà, tiền, vàng… Nhưng đây lại là dịp gia đình đoàn tụ, nên mâm cỗ cúng thường đa dạng hơn với các món ăn truyền thống như canh măng, thịt đông, miến… Một số gia đình còn giữ được nếp cũ, trong mâm cơm cúng ngoài xôi, gà còn có giò, nem (chả giò), ninh (món hầm), mọc (món trứng đúc thịt băm, hấp cách thủy).
Trên đây là những việc cần làm sau lễ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp, các gia đình tham khảo để đón năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự may mắn, thuận hòa.