LTS: Nhân câu chuyện về việc học tiếng Anh sớm đang nhận được sự quan tâm của dư luận, thầy giáo Nguyễn Xuân Quang - giáo viên dạy tiếng Anh cũng chia sẻ quan điểm, cho rằng việc phát âm không chuẩn là thực trạng của giáo viên dạy tiếng Anh ở Việt Nam. Điều này vô tình dẫn đến việc ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tiếng Anh của trẻ. Chúng tôi xin đăng nguyên văn quan điểm của thầy giáo Nguyễn Xuân Quang:
Thầy giáo Quang Nguyễn thẳng thắn đưa ra quan điểm |
"Năm thằng bé nhà mình 4 tuổi, gửi nó đi học trường mẫu giáo ở gần chỗ làm. Để tiện con học tiếng Anh, mình nộp tiền cho cháu học tại trường luôn. Hôm đi học về, nó khoe: Quả bí ngô là "păm-kin". Mình giật mình, bảo nói vậy không đúng vì không có trọng âm, PUMPkin /ˈpʌmp.kɪn/ (phiên tạm ra tiếng Việt là "păm-kừn") mới đúng.
Hôm sau, mẹ nó qua trường góp ý với cô hiệu trưởng là cô tiếng Anh dạy cháu chưa đúng lắm. Cô hiệu trưởng bảo, "em yên tâm, giáo viên bên chị tốt nghiệp trường Sư phạm ngoại ngữ, có nhiều năm kinh nghiệm dạy phát âm rồi. Phát âm chuẩn Anh Mỹ luôn". Hai vợ chồng nghe vậy cũng chẳng dám góp ý thêm nữa.
Qua năm, chuyển trường cho con, vẫn đăng ký cho cháu học tiếng Anh để "yên lòng cha mẹ". Nhưng về nhà kiểm tra thì cũng bị trường hợp tương tự, nói chung là phát âm sai nhiều, nghiêm trọng nhất là thiếu trọng âm và "Việt hóa tiếng Anh". Mặc dù trường cháu học có giáo viên nước ngoài, nhưng phần lớn chỉ nhảy nhót hát hò, chứ không thấy họ chỉnh sửa phát âm. Giáo viên người Việt - là người dạy - thì phát âm không chuẩn.
Đó là thực trạng giáo viên tiếng Anh, đặc biệt là ở bậc mẫu giáo, tiểu học và trung học. Qua Mỹ được 2 tuần, cháu nhà mình đã dần học nói tiếng Anh. Vấn đề khó sửa nhất vẫn là trọng âm - bị ảnh hưởng rất nhiều bới các cô giáo đã dạy cháu. Việc học tiếng Anh ở Việt Nam đã giúp cháu nhiều trong việc học từ, nhưng lại là một bước lùi về phát âm.
Nhìn vào con mình, mình thấy hệ thống đào tạo tiếng Anh của Việt Nam hiện nay không phải hoàn toàn thất bại. Nó vẫn giúp trẻ nhận thức được từ vựng, ngữ pháp nhưng hạn chế về phát âm và nghe nói thì không thể khỏa lấp được. 3 năm học tiếng Anh ở Việt Nam, gặp người nước ngoài cháu vẫn không dám chào hỏi. Chỉ 2 tuần ở Mỹ, cháu đã bắt đầu biết giao tiếp.
Với thực trạng tiếng Anh hiện nay, không dễ để cải thiện trình độ giáo viên trong ngắn hạn. Giải pháp của tôi, nếu được lựa chọn, là đưa ra một chương trình giao tiếp và phát âm tiếng Anh chuẩn - trong đó có hệ thống băng ghi âm và băng hình. Trong khi dạy học, giáo viên chỉ bật băng hình/ghi âm và hướng dẫn trẻ đọc theo chuẩn trên băng - thay vì giáo viên tự hướng dẫn. Như vậy, sẽ tránh cho trẻ những thói quen phát âm thiếu chuẩn mực gây khó khăn về sau này.
Về phía giáo viên, nếu có thể xây dựng hệ thống đào tạo phát âm cơ bản, bao gồm dạy âm, trọng âm, giai điệu (rhythm), ngữ điệu (intonation) và chuẩn hóa giáo viên, đó sẽ là một việc làm rất hiệu quả. Để khi trẻ em Việt Nam nói tiếng Anh, chúng có thể tự tin giao tiếp ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới".