Dịch SXH đang hoành hành ở nhiều địa phương, nhất là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 6 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận gần 60.000 ca SXH, 18 người tử vong.
Mới đây ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tình hình SXH trên địa bàn thành phố đang khá phức tạp. Tính đến ngày 26/7, Hà Nội ghi nhận hơn 7.000 ca SXH, trong khi cùng kỳ năm 2016 là 400 ca, tăng hơn 17 lần.
Bể nước không có nắp đậy là nơi lý tưởng để muỗi gây SXH đẻ trứng và phát triển. (Ảnh Chí Hiếu) |
Cũng do diễn biến phức tạp và sự lan rộng của dịch SXH, trong những ngày qua Viện Huyết học - Truyền máu TW đã phải gồng mình để sản xuất số lượng tiểu cầu lớn nhằm đáp ứng số lượng bệnh nhân ngày càng quá tải.
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS, TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TW. Vị lãnh đạo "viện máu" cho biết: "Tháng 7 năm nay dịch sốt xuất huyết đang hoành hành trên bình diện cả nước, đặc biệt là thành phố lớn.
Thông thường tại Viện Huyết học - Truyền máu TW mỗi ngày chúng tôi sản xuất số lượng tiểu cầu ít nhất là khoảng 400 đơn vị máu, nhưng trong thời điểm này con số đó phải gấp 2 đến gấp 3 lần.
Thế nhưng trong dịp Hành trình Đỏ năm nay, chúng tôi đã tiếp nhận được trên 34.000 đơn vị máu, từ đó sản xuất ra rất nhiều khối tiểu cầu, sẽ cứu chữa được các bệnh nhân đang bị sốt xuất huyết, đây có thể coi là một giá trị rất lớn vào thời điểm này.
Hết Hành trình Đỏ trong vòng 3 ngày nữa chúng tôi phải tập trung cao độ để tiếp nhận người đến hiến tiểu cầu phục vụ các bệnh nhân bị sốt xuất huyết", GS Nguyễn Anh Trí chia sẻ thêm.
GS. TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TW. (Ảnh Chí Hiếu) |
Thời điểm hiện nay, TP Hà Nội hiện có số ca SXH đứng thứ 3 trong các địa phương trên cả nước và đứng đầu trong số các tỉnh miền Bắc.
Tại các bệnh viện như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai (Khoa Truyền nhiễm) thường trong tình trạng quá tải do người đến khám và nhập viện điều trị SXH quá lớn.
Riêng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, lượng bệnh nhân SXH tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc số lượng bệnh nhân nhập viện do dịch SXH gia tăng, khiến nhu cầu sử dụng tiểu cầu gia tăng theo.
GS. TS Nguyễn Anh Trí cho cho rằng, hiện nay số người đến hiến tiểu cầu đang còn ít, bởi việc hiến tiểu cầu mất ít nhất là 90 phút, người đi hiến mất gần 1 buổi cho công tác làm thủ tục.
"Việc hiến tiểu cầu vẫn đang gặp một số vướng mắc nhất định, việc này chúng tôi đã đề xuất lên Bộ Y tế và Bản Chỉ đạo vận động hiến máu quốc gia để tháo gỡ. Chúng tôi mong rằng khi việc này được tháo gỡ sẽ có nhiều người đến hiến tiểu cầu hơn", ông Trí nói.
Viện Huyết học - Truyền máu TW. (Ảnh Thanh Hải) |
Trong thời điểm dịch SXH đang hoành hành, Viện Huyết học - Truyền máu TW tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị SXH.
"Trên tinh thần chung Viện Huyết học - Truyền máu TW không phải là cơ sở điều trị SXH. Bệnh nhân bị SXH sẽ điều trị tại các 'viện lây', nhưng thực tế trong thời gian này đang có rất đông bệnh nhân đến điều trị tại viện.
Lý do là vì khi bị xuất huyết, nhiều người nghĩ bị bệnh máu. Thậm chí nhiều người đang điều trị trong 'viện lây' nhưng do lượng tiểu cầu thấp hay xuất huyết quá dữ dội mà chuyển tới viện của chúng tôi", Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TW chia sẻ.
Nhà tiền tỷ 'đắp chiếu', nguy cơ thành 'ổ dịch' trong mùa sốt xuất huyết 36 căn nhà ở liền kề (lô L1 Trung Yên, Cầu Giấy) đã hơn 10 năm qua chưa hoàn thiện, đang là nơi ở tạm ... |
Bộ Y tế họp trực tuyến khẩn cấp về phòng chống sốt xuất huyết Chiều nay, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã họp trực tuyến khẩn cấp trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết. |
Sốt xuất huyết bùng phát cả nước, miền Bắc tăng hơn 700% So với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân sốt xuất huyết miền Bắc tăng 763% với gần 5.000 người bệnh được ghi nhận. |