Ngày 29/9, Ngân hàng Thế giới Word Bank (WB) tổ chức Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam với chủ đề: "Việt Nam: Hành động để Phục hồi Tăng trưởng theo hướng Bền vững và Bao trùm trong Kỉ nguyên Covid-19".
Kinh tế Việt Nam có độ mở cao về thương mại hàng hóa
TS. Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho ý kiến trước việc Covid-19 làm thay đổi cục diện khi có thể tạo ra cơ hội đặc biệt cho Việt Nam.
Ông Morisset nhấn mạnh, trước chuỗi giá trị toàn cầu, "Covid-19 không đơn thuần là một thách thức, nó còn là một cơ hội tốt nếu Việt Nam biết nắm lấy đúng lúc và thay đổi chiến lược phù hợp".
Nói về điểm mạnh của Việt Nam, ông Morisset cho rằng Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới về thương mại hàng hóa.
Cụ thể, độ mở của Việt Nam cao gấp 1,5 lần Thái Lan, gấp 5 lần so với Trung Quốc. Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, Việt Nam đã là một điểm đến có sức hút FDI trong ASEAN.
Tuy nhiên, điểm yếu của Việt Nam đó là mức độ nội địa hóa thấp có xu hướng giảm dần theo thời gian. Việt Nam đang tập trung quá mức vào một số thị trường, sản phẩm, doanh nghiệp.
Ông Morisset lấy dẫn chứng, 4 sản phẩm hàng đầu của Việt Nam (dệt may, điện tử, hóa chất và kim loại) đang chiếm 2/3 kim ngạch thương mại trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam cũng chỉ tập trung vào 4 thị trường lớn nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
Đồng thời, rào cản gia nhập của khu vực dịch vụ cũng là điểm yếu của Việt Nam, chuyên gia kinh tế nhận định.
Đại diện WB tại Việt Nam cho rằng, đến nay, trong quá trình hội nhập vào được các chuỗi giá trị toàn cầu, chiến lược tạo việc làm có thu nhập cho lực lượng lao động tăng nhanh.
Việt Nam đã thành công trong các ngành xuất khẩu, tạo ra trên 20 triệu việc làm, chiếm khoảng 40% lực lượng lao động hiện nay.
Tuy nhiên, các đột phá công nghệ đã, đang và sẽ giảm nhu cầu về lao động kĩ năng thấp trong chế biến chế tạo.
Bằng chứng là tại Việt Nam, một nhà đầu tư có sản lượng tăng gấp đôi nhưng nhân công giảm 40% trong vòng 10 năm.
Ông Morisset cho rằng, Việt Nam không còn lợi thế về lao động giá rẻ, vì vậy, cần chú trọng đầu tư vào năng suất lao động, lao động chất lượng cao để có thể đáp ứng và hội nhập thế giới.
Chuyên gia kinh tế trưởng đề xuất Việt Nam cần chú trọng hơn đến tác động của chuỗi giá trị toàn cầu cũng như việc tối ưu hóa các tác động mà chuỗi giá trị mang lại cho Việt Nam.
Chẳng hạn như thúc đẩy nội địa hóa bao gồm liên kết ngược khi sử dụng nhiều nhà cung ứng nội địa hơn và liên kết xuôi khi sử dụng nhiều nhà phân phối nội địa.
Bên cạnh đó, ông Morisset cho rằng, việc đa dạng hóa các sản phẩm, thị trường và doanh nghiệp cũng là điều cấp thiết. Các yếu tố quan trọng khác phải kể đến bao gồm bảo vệ vốn tài nguyên, thích ứng và giảm biến đổi khí hậu.
Ông Morriset đề xuất ba chất xúc tác để đưa Việt Nam tiến xa hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là những cải cách phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố con người mà không cần đòi hỏi nguồn tài chính lớn.
Việc sử dụng cơ chế định giá được chứng minh có tác động làm thay đổi hành vi thông qua việc có những tín hiệu đúng tới thị trường.
Nhằm tối ưu hóa tác động ngắn hạn của chuỗi giá trị, Việt Nam có thể cân nhắc điều chỉnh cơ chế ưu đãi thuế, chuyển mục đích từ cải thiện gia nhập sang nâng cao tác động.
Đơn cử như việc Việt Nam hướng vào thu hút FDI bằng cách giảm chi phí gia nhập, chẳng hạn như chú trọng về thời gian ưu đãi thuế, hoàn thuế nhập khẩu/thuế GTGT vật tư linh kiện được sử dụng cho các dự án, hay việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI để bắt kịp, từ đó có các chương trình phát triển kĩ năng cho doanh nghiệp trong nước cũng như người lao động.
Việt Nam cũng có thể thực hiện việc chuyển trợ cấp từ hạ tầng sang giáo dục sau trung học. Bởi ông Morriset cho rằng, hạ tầng tại Việt Nam tương đối rẻ (chi phí sử dụng thấp hơn chi phí cung cấp) trong khi giáo dục sau phổ thông còn đắt đỏ (Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á có mức chi phí cao nhất so với thu nhập bình quân đầu người).
Theo ước tính của WB, chi phí hành chính trong thương mại cao gấp hai lần chi phí vận chuyển container.
Ông Morisset cho biết, số hóa có thể giảm nhanh các chi phí này do chu kì đổi mới tương đối ngắn so với các công nghệ khác.
Do đó, đề xuất của vị đại diện WB là Việt Nam nên thuận lợi hóa thủ tục tại biên giới. Đồng thời Việt Nam nên tăng cường chia sẻ thông tin đúng lúc thông qua các nền tảng số.
Chẳng hạn, ông Morriset đưa ví dụ, trong các lĩnh vực như y khoa và luật, việc công nhận giấy phép quốc gia có thể tạo ra cơ hội làm việc xuyên biên giới.
Hay trong lĩnh vực thương mại, số hóa thương mại toàn cầu là một nền tảng xuyên biên giới giúp ích cho việc vận chuyển container kết nối toàn bộ hệ sinh thái chuỗi cung ứng.
Phối, kết hợp giữa các thành phần kinh tế
Ông Morriset cho rằng, chất xúc tác thứ ba là phối kết hợp rất quan trọng. Điều này ở Việt Nam thực sự chưa được hiệu quả. Việt Nam cần phối hợp thể chế để ra quyết định, thực thi và chia sẻ thông tin kịp thời hiệu quả giữa tư nhân với nhà nước, giữa trong nước và nước ngoài cũng như từ trung ương với địa phương.
Sự phối hợp và hợp tác cần có người vận động và khởi xướng tốt. Ông Morriset lấy ví dụ điển hình là cơ quan một cửa IDA, là cơ quan chịu trách nhiệm thu hút và giữ chân vốn FDI của Ireland, tham gia vào toàn bộ các bước trong quá trình đầu tư nhằm thu hút các dòng đầu tư chiến lược. Đây là quốc gia tốt nhất cho các dòng FDI giá trị cao trong 6 năm liên tiếp.