VietinBank Securities (CTS) thoái vốn ‘hớ’ giữa cuộc đua mua gom của nhóm cổ đông lớn

Trong thời gian gần đây, trái với động thái thoái vốn của các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ tại CMC (Mã: CVT), một nhóm cổ đông đã liên tục mua gom cổ phần. Đáng nói, cổ đông lớn nhất là VietinBank Securities phải chứng khiến cổ phiếu CVT liên tục tăng trần sau khi hoàn tất thoái vốn.

CVT liên tục tăng trần sau khi VietinBank Securities thoái toàn bộ vốn

Thời gian gần đây, cổ phiếu vốn hóa trung bình trở thành tâm điểm của dòng tiền trên thị trường, trong đó có nhóm vật liệu xây dựng – xây dựng như thép (HPG, NKG, HSG), gạch men (VGC, CVT), xây dựng (LCG, HBC).

Một mã quen thuộc với giới đầu tư trong giai đoạn cổ phiếu cơ bản lên ngôi (2016 – 2017) đó là CVT của CTCP CMC tăng mạnh gần đây sau thời gian liên tiếp giảm. Đây là một doanh nghiệp có hoạt động chính là sản xuất gạch men.

Biến động cổ đông CMC (CVT): VietinBank Securities (CTS) thoái vốn ‘hớ’ giữa cuộc đua mua gom của nhóm cổ đông lớn - Ảnh 1.

Giá cổ phiếu CVT tăng nóng trong thời gian gần đây. (Nguồn: TradingView).

Theo ghi nhận, cổ phiếu CVT có 7 phiên tăng liên tiếp, trong đó có 3 phiên tăng kịch trần. Phiên giao dịch sáng nay (20/11), mã tiếp đà tăng trần và dư mua gần 1,6 triệu đơn vị tại mức giá trần.

Giai đoạn cổ phiếu CVT nổi sóng, cổ đông của công ty nhộn nhịp đăng kí giao dịch. Đơn cử ông Nguyễn Quang Huy – Tổng Giám đốc đăng kí bán 1 triệu cp, ông Dương Quốc Chính – Chủ tịch Hội đồng Quản trị muốn bán 800.000 cp. Ngoài ra còn có giao dịch của người nhà ban lãnh đạo của công ty.

Đáng chú ý nhất là việc thoái toàn bộ vốn CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank Securities, mã: CTS) với khối lượng 3.999.088 cp, tương đương 10,9% vốn điều lệ của CMC.

Phiên giao dịch 17/11, thị trường xuất hiện giao dịch thỏa thuận 3.999.088 cp với tổng giá trị 113,17 tỉ đồng (tương đương mức giá 28.300 đồng/cp). Đây là giao dịch được VietinBank Securities thực hiện. Ngay sau khi thỏa thuận của cổ đông lớn này hoàn tất, cổ phiếu CVT bước vào giai đoạn tăng mạnh.

Tạm tính với mức giá đóng cửa 34.400 đồng/cp phiên giao dịch 19/11, giá bán thỏa thuận của VietinBank Securities đang thấp hơn gần 22% (tương đương chênh lệnh khoảng 24 tỉ đồng).

Nếu so sánh với mức giá tạm giao dịch phiên hôm nay là 36.800 đồng/cp, công ty chứng khoán này đã "bán hớ" lô cổ phần CVT với giá trị 34 tỉ đồng (cao hơn 30% so với giá bán ra).

VietinBank Securities (CTS) "cầm vàng còn để vàng rơi"?

Thông tin thêm về lịch sử giao dịch cổ phiếu CVT của VietinBank Securities, công ty chứng khoán này liên tục tăng sở hữu tại CMC trong tháng 7 và 8 năm 2018. Với việc nâng tỉ lệ sở hữu lên 10,9%, VietinBank Securities trở thành cổ đông lớn nhất của CMC, theo sau đó là Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam với tỉ lệ sở hữu 10,33%.

Ngay sau khi nâng sở hữu tại CMC, VietinBank Securities có động thái đưa người vào điều hành. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, lãnh đạo của VietinBank Securities là ông Khổng Phan Đức được bầu vào thành viên HĐQT của công ty. Ông Đức miễn nhiệm thành viên HĐQT của CMC vào tháng 5 năm nay. Sau ông Khổng Phan Đức, ông Thái Hoàng Long được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT của CMC. Hiện ông Đức là Phó Tổng Giám đốc của VietinBank Securities.

Trở lại hoạt động đầu tư vào CMC, trên báo cáo tài chính quí III của VietinBank Securities, khoản đầu tư cổ phiếu CVT đứng thứ hai về tỉ trọng cổ phiếu niêm yết trong danh mục tự doanh của công ty.

Tại ngày 30/9, giá trị sổ sách khoản đầu tư vào CMC là 110 tỉ đồng (tương đương 22% giá trị sổ sách đầu tư vào cổ phiếu niêm yết), xếp sau Hoàng Anh Gia Lai với giá trị 178 tỉ đồng.

Biến động cổ đông CMC (CVT): VietinBank Securities (CTS) thoái vốn ‘hớ’ giữa cuộc đua mua gom của nhóm cổ đông lớn - Ảnh 2.

(Nguồn: BCTC quí III/2020 của VietinBank Securities)

Với giá bán ra là 113 tỉ đồng trong phiên giao dịch ngày 17/11, VietinBank Securities đã có lãi khoảng 3 tỉ đồng (tương đương mức lợi nhuận 2,7%) sau hơn hai năm gia tăng tỉ lệ sở hữu tại CMC. Mức lợi nhuận đầu tư bình quân là gần 1,4%/năm.

Dấu hỏi về thương vụ M&A tại CMC

Trái với động thái liên tục bán ra của cổ đông lớn, lãnh đạo và người có liên quan tại CMC, một tổ chức đã liên tục gia tăng tỉ trọng và trở thành cổ đông lớn nhất công ty.

Cụ thể, CTCP Gạch ốp lát Hòa Bình Minh thông báo mua vào 261.650 cp trong phiên 11/11, nâng số lượng cổ phần nắm giữ lên 282.090 cp, tương đương 0,769% vốn điều lệ của CMC. Trước đó, nhóm cổ đông liên quan đến công ty này đã nắm giữ 9,827% vốn điều lệ của CMC.

Nhóm cổ đông liên quan đến Gạch ốp lát Hòa Bình Minh gồm có Tổng Giám đốc - ông Bùi Minh Lực, thành viên HĐQT - bà Nguyễn Thị Hiền và bà Nguyễn Minh Hồng, chị dâu ông Bùi Minh Lực.

Trong khoảng thời gian từ ngày 12 – 16/11, Gạch ốp lát Hòa Bình Minh tiếp tục mua vào tổng cộng 2.652.360 cổ phiếu CVT (858.690 cp ngày 12/11, 812.550 cp ngày 13/11, 981.120 cp ngày 16/11).

Sau loạt giao dịch trên, nhóm cổ đông lớn Gạch ốp lát Hòa Bình Minh nâng sở hữu lên 17,058% vốn điều lệ của CMC và trở thành cổ đông lớn nhất.

Động thái liên tục gia tăng tỉ lệ sở hữu tại một công ty có cùng hoạt động về vật liệu xây dựng của Gạch ốp lát Hòa Bình Minh đặt ra dấu hỏi về một thương vụ M&A. Tuy nhiên, câu chuyện M&A này trở nên gay cấn hơn khi xuất hiện một bên thứ ba tham gia mua cổ phần tại CMC do VietinBank Securities thoái vốn.

Theo nguồn tin được chúng tôi tổng hợp, phía mua lô cổ phần vừa được cổ đông lớn nhất tại CMC thoái vốn là nhóm cổ đông có liên quan đến một doanh nghiệp ngành nhựa. Trước đó, doanh nghiệp này đã thực hiện hàng loạt thương vụ mua cổ phần của các công ty nước sạch.

Với việc có thêm bên thứ ba, liệu Gạch ốp lát Hòa Bình Minh có tiếp tục gia tăng tỉ lệ sở hữu tại CMC và biến động cổ đông sẽ ra sao vẫn là một dấu hỏi.

Nhóm Hòa Bình Minh là ai?

Hòa Bình Minh có hoạt động kinh doanh gạch ốp lát như CMC. (Ảnh: Website doanh nghiệp).

Điểm qua thông tin về Gạch ốp lát Hòa Bình Minh, đây là công ty có cùng ngành nghề với CMC và có trụ sở tại Yên Bái. Vốn điều lệ của công ty thời điểm đầu năm 2019 là 58 tỉ đồng. Trong đó CTCP Tập đoàn Hòa Bình Minh là cổ đông lớn nhất sở hữu 80% vốn điều lệ, bà Nguyễn Thị Hiền và ông Nguyễn Trí Long sở hữu lần lượt 15% và 5%.

Tập đoàn Hòa Bình Minh cũng có trụ sở tại Yên Bái, được thành lập vào năm 2018 với vốn điều lệ là 268 tỉ đồng, gồm các cổ đông ông Bùi Quang Minh (sở hữu 10%), bà Nguyễn Thị Hiền (30%), ông Bùi Minh Lực (50%) và ông Bùi Công Thành (10%).

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.