Vietjet và Bamboo đều muốn được hỗ trợ thanh khoản tương tự như Vietnam Airlines

Tại Hội thảo tổ chức sáng 26/11, các hãng hàng không trong nước cho biết đều muốn Nhà nước tăng cường hỗ trợ thông qua việc kéo dài thời gian cũng như nâng mức giảm thuế, phí. Hai hãng bay tư nhân là Vietjet Air và Bamboo Airways còn mong được hỗ trợ thanh khoản tương tự như Vietnam Airlines.

Tại Hội thảo quốc gia: "Vượt qua khủng hoảng, phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam" tổ chức sáng 26/11, đại diện các doanh nghiệp hàng không đã nói lên những khó khăn trong hoạt động thời gian dịch bệnh vừa qua, các giải pháp tạm thời cũng như nêu lên mong muốn về chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

Bà Hồ Ngọc Yến Phương – Phó Tổng Giám đốc CTCP Hàng không Vietjet cho biết chính quyền các nước đã đưa ra rất nhiều giải pháp để cứu nguy cho các hãng hàng không như:

Thái Lan chỉ định một ngân hàng quốc doanh để cho vay các hãng hàng không, lãi suất vay ưu đãi chỉ 2% một năm. Tuy nhiên gói vay được ưu tiên dành cho các hãng thuộc sở hữu trong nước nên Vietjet Thái Lan không tiếp cận được.

Chính quyền Hong Kong tung gói cứu trợ gần 1 tỉ USD để hoàn toàn miễn phí điều hành bay và phí đỗ máy bay. Ngoài ra, Hong Kong còn ứng ra 2 tỉ USD để mua 500.000 vé máy bay, qua đó tăng thanh khoản tạm thời cho các hãng hàng không. Về sau, chính quyền sẽ bán lại vé máy bay này cho người tiêu dùng.

Vietjet và Bamboo đều muốn được hỗ trợ thanh khoản như Vietnam Airlines - Ảnh 1.

Bà Hồ Ngọc Yến Phương – Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air. (Ảnh: Đức Quyền).

Với các hãng bay Việt Nam, lãnh đạo Vietjet cho biết thách thức lớn nhất là về thanh khoản. "Vừa rồi Vietnam Airlines đã được xem xét hỗ trợ về thanh khoản nên Vietjet cũng mong được vay trong khoảng thời gian 3-5 năm từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng thương mại (NHTM) và sau đó NHTM cho các doanh nghiệp hàng không vay".

"Chúng tôi mong muốn Chính phủ có thể chỉ định cụ thể hai ngân hàng có tiền lực mạnh để họ có thể tham gia hỗ trợ cho ngành hàng không. Sau 3-5 năm được trả lãi suất ưu đãi, doanh nghiệp hàng không sẽ có thể vượt qua khó khăn", Phó Tổng Giám đốc Hồ Ngọc Yến Phương cho biết.

Về phía Bamboo Airways, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Khắc Hải cho biết hãng mong muốn "Quốc hội và Chính phủ xem xét có gói tài chính hỗ trợ các hãng hàng không tư nhân như đã phê duyệt hỗ trợ cho Vietnam Airlines".

Vietjet và Bamboo đều muốn được hỗ trợ thanh khoản như Vietnam Airlines - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Khắc Hải - Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways. (Ảnh: Đức Quyền).

Ngoài ra, lãnh đạo Bamboo Airways còn đề nghị Nhà nước tăng thêm thời gian hỗ trợ và nâng mức miễn giảm đối với giá dịch vụ, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, miễn giảm thêm các loại thuế phí, giãn hoãn thời gian nộp.

Phó Tổng Giám đốc Vietjet Hồ Ngọc Yến Phương có chung quan điểm: "Chính phủ Thái Lan đã giảm 96% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Quốc hội Việt Nam đã giảm 30% thuế này đến hết năm 2020. Vietjet đề xuất tiếp tục giảm 70% tới hết năm 2021 để doanh nghiệp hàng không vượt qua khó khăn".

"Vietjet mong muốn được Chính phủ hỗ trợ để cân bằng sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không trong nước với nhau cũng như giữa các hãng trong nước với các hãng nước ngoài", bà Yến Phương nói thêm.

Ngày 17/11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết cho phép Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn và gia hạn không quá hai lần cho tổ chức tín dụng để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, Vietnam Airlines sẽ chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ theo qui định của Luật Chứng khoán, nhưng được miễn trừ điều kiện hoạt động kinh doanh phải có lãi năm liền trước khi chào bán.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.