Tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2020 tổ chức sáng 29/12, ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines (Mã: HVN) đã công bố tờ trình kêu gọi cổ đông cho Tổng công ty này vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản, tránh nguy cơ phá sản.
Hiện nay, Chính phủ thông qua Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (Siêu Ủy ban) đang sở hữu 86,19% vốn điều lệ của Vietnam Airlines, cổ đông nước ngoài ANA Holdings (đến từ Nhật Bản) đang nắm giữ 8,77%.
Chính phủ với vai trò là cổ đông Nhà nước nắm cổ phần chi phối đã báo cáo Quốc hội và cho phép thực hiện một số cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ Vietnam Airlines.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng (TCTD) không trong diện kiểm soát đặc biệt để các TCTD này cho Vietnam Airlines vay tối đa 4.000 tỷ đồng.
Vietnam Airlines cũng được phép chào bán thêm số cổ phiếu tổng trị giá 8.000 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ mà không cần kết quả kinh doanh năm liền trước có lãi. Tổng công ty Quản lý và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ thay mặt Chính phủ thực hiện quyền mua thêm cổ phần HVN.
Nói thêm về cơ chế tái cấp vốn để hỗ trợ thanh khoản, Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa cho biết NHNN sẽ tái cấp vốn không có tài sản đảm bảo cho các TCTD sau khi TCTD cho Vietnam Airlines vay có tài sản đảm bảo để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Số tiền tái cấp vốn là 4.000 tỷ đồng, lãi suất tái cấp vốn 0%, tổng thời gian tái cấp vốn không quá 3 năm, thời gian giải ngân từ 2021 đến 2025.
"Để đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các cổ đông và các doanh nghiệp khác trong ngành hàng không, Chính phủ giao người đại diện vốn của Nhà nước tại Vietnam Airlines xây dựng phương án xử lý mức chênh lệch lãi vay giữa lãi suất huy động ngắn hạn tiền đồng thấp nhất mà Vietnam Airlines đang huy động trên thị trường và lãi suất Vietnam Airlines vay ưu đãi từ nguồn tái cấp vốn của NHNN", ông Hòa nói.
Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đã đề xuất phương án vốn hóa chênh lệch lãi vay để các cổ đông tăng vốn tại Vietnam Airlines theo giá phát hành 10.000 đồng/cp hoặc một phương án khác.
"Các cổ đông khác cho Vietnam Airlines vay được áp dụng phương án xử lý khoản chênh lệch chi phí lãi vay tương tự như phương án xử lý với cổ đông Nhà nước vừa trình bày", Chủ tịch Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa nói.
Trao đổi bên lề sự kiện, ông Đặng Ngọc Hòa lấy ví dụ minh họa về phương án xử lý chênh lệch lãi vay: "Giả sử Vietnam Airlines vay 4.000 tỷ đồng trong ba năm, chênh lệch lãi suất là 3%/năm. Sau ba năm, tổng số tiền lãi chênh lệch khoảng 400 tỷ đồng sẽ được quy đổi thành cổ phiếu HVN để tăng sở hữu của cổ đông".
"Cổ đông Nhà nước không cho không Vietnam Airlines cái gì. Vietnam Airlines trả lãi vay bằng cổ phiếu", Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa nói thêm.
Vietnam Airlines dự kiến sẽ chào bán số cổ phiếu tổng trị giá 8.000 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu trong nửa đầu năm 2021 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan chức năng chấp thuận.
Lãnh đạo công ty cho biết sẽ dùng 8.000 tỷ đồng này để thanh toán các khoản nợ quá hạn, bù đắp vốn thiếu hụt trong sản xuất kinh doanh, trả các khoản vay ngắn hạn, dài hạn và tuyệt đối không dùng để đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.
Hiện nay Vietnam Airlines chưa chốt các thông số cụ thể của đợt phát hành như bao nhiêu cổ phiếu, giá phát hành trên mỗi cổ phiếu bao nhiêu, ...
Trong năm 2020, Vietnam Airlines dự kiến lỗ hợp nhất khoảng 14.445 tỷ đồng. Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 15 Luật Chứng khoán 2019, doanh nghiệp muốn chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng thì phải thỏa mãn điều kiện "Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi". Tuy nhiên, Quốc hội đã miễn trừ điều kiện này với trường hợp Vietnam Airlines.
Đại hội cổ đông bất thường sáng 29/12 đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT đối với Tổng Giám đốc Dương Trí Thành, đồng thời bầu bổ sung ông Lê Trường Giang - Chánh văn phòng Vietnam Airlines vào HĐQT.