Vinaconex liên tiếp rút vốn khỏi các đơn vị làm ăn thua lỗ

Mới đây, Vinaconex đã bán sạch toàn bộ hơn 4 triệu cổ phiếu VC9 của Xây dựng số 9 - doanh nghiệp vừa ghi nhận quý thua lỗ kỷ lục. Thương vụ này ước tính đem về cho công ty hơn 57 tỷ đồng.

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán: VCG) vừa ra thông báo đã hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại CTCP Xây dựng số 9 (mã chứng khoán: VC9) vào ngày 15/11. Như vậy, kể từ thời điểm đó, Xây dựng số 9 không còn là công ty liên kết của Vinaconex.

Cụ thể, Vinaconex đã bán thành công 4,32 triệu cổ phiếu VC9, giảm tỷ lệ sở hữu ở đơn vị này từ 36% xuống 0% vốn điều lệ. Theo mức giá đóng cửa tại ngày giao dịch là 13.300 đồng/cp, ước tính Vinaconex đã thu được gần 57,5 tỷ đồng.

Không chỉ Vinaconex, thời gian gần đây, các sếp lớn của Xây dựng số 9 liên tiếp có động thái giảm tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này. Cụ thể, ngày 29/10, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty, ông Phạm Thái Dương đã đăng ký bán toàn bộ 1,11 triệu cổ phiếu đang sở hữu, tương đương 9,51% vốn điều lệ, thời gian giao dịch trong khoảng từ ngày 3/11 - 31/12.

Ngày 15/11 mới đây, Phó Tổng Giám đốc công ty, ông Đoàn Ngọc Ba cũng đăng ký bán toàn bộ 58.823 cổ phiếu VC9 đang sở hữu, tương đương 0,5% vốn điều lệ, dự kiến giao dịch trong giai đoạn từ ngày 19/11 - 31/12.

Quý III vừa qua, Xây dựng số 9 ghi nhận doanh thu thuần giảm 87% so với cùng kỳ, đạt 16,7 tỷ đồng và báo lỗ sau thuế 76,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 2,2 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lỗ theo quý sâu nhất kể từ khi doanh nghiệp chào sàn vào tháng 11/2009.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, công ty báo lỗ sau thuế gần 83,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lỗ 15,9 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2019 và năm 2020, công ty liên tiếp báo lỗ sau thuế. Điều này dẫn đến cổ phiếu VC9 bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện kiểm soát và chỉ được phép giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần kể từ ngày 31/3 đầu năm nay. 

Vinaconex thoái vốn một công ty liên kết có quý III thua lỗ kỷ lục - Ảnh 1.

Xây dựng số 9 ghi nhận lỗ kỷ lục tại quý III/2021. (Tổng hợp: Minh Hiền).

Quay lại với câu chuyện thoái vốn của Vinaconex, công ty đã có kế hoạch thoái vốn tại Xây dựng số 9 cùng các đơn vị thành viên khác từ tháng 7/2021. Chỉ trong vòng ba tháng tiếp theo, công ty đã bán sạch phần vốn tại ba đơn vị khác. 

Cụ thể, vào cuối tháng 8, Vinaconex cũng thoái sạch vốn tại CTCP Vận tải Vinaconex (mã chứng khoán: VCV) - một công ty con đã kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp (2011 - 2013) và buộc hủy niêm yết vào tháng 5/2014 sau 4 năm chào sàn

Ngày 4/10, công ty thoái vốn tại một công ty con là CTCP Xây dựng số 11 (mã chứng khoán: V11) trong bối cảnh công ty con ôm khoản lỗ lũy kế gần 150 tỷ đồng và cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát.

Đến ngày 15/10, Vinaconex hoàn tất bán hết cổ phần tại CTCP Xây lắp và Vật liệu Xây dựng Đồng Tháp (mã chứng khoán: BDT) sau 4 tháng mua lại phần vốn từ UBND tỉnh Đồng Tháp trong đợt thoái vốn của cơ quan này.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.