Theo kế hoạch sử dụng đất năm 2021 tại huyện Gia Lâm, địa phương có 105 dự án được thực hiện với tổng diện tích hơn 893 ha.
Trong đó, Tập đoàn Vingroup - CTCP (Mã: VIC) sẽ làm dự án Đầu tư xây dựng sân golf Vinpearl Hà Nội trên diện tích 182,3 ha tại xã Dương Hà và Phù Đổng. Bên cạnh đó, Vingroup sẽ đầu tư trung tâm thương mại quy mô 9,3 ha tại xã Đa Tốn. Đây là hai dự án nằm trong kế hoạch sử dụng đất năm 2020 được chuyển tiếp sang.
Ngoài hai dự án của Vingroup, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Gia Lâm dự kiến làm dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị Gia Lâm (đợt 4), diện tích 3 ha.
CTCP Xây dựng và xuất nhập khẩu tổng hợp làm dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị Yên Viên, diện tích 26 ha.
Dự án khu thương mại, dịch vụ công cộng kết hợp bãi đỗ xe do CTCP Xuất nhập khẩu B&B Việt Nam làm chủ đầu tư trên diện tích 1,33 ha.
Huyện Gia Lâm có thể lên quận năm 2023
Trước đó, Cổng thông tin điện tử TP Hà Nội đưa tin, tại cuộc họp với Bí thư Thành ủy Hà Nội ngày 5/3, lãnh đạo huyện Gia Lâm kiến nghị với thành phố về các lĩnh vực như quy hoạch, đầu tư, quản lý đô thị, phân cấp quản lý nhà nước, một số nội dung liên quan đến địa giới hành chính.
Cụ thể, về quy hoạch, huyện kiến nghị thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội khu vực Đông Anh, Gia Lâm, Yên Viên và Long Biên.
Đồng thời, huyện Gia Lâm cũng kiến nghị rà soát, điều chỉnh một loạt quy hoạch chuyên ngành. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ đồ án quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng (R5), Sông Đuống (R6).
Về đầu tư, huyện kiến nghị triển khai nhiều dự án hạ tầng và giao thông trên địa bàn như xây dựng trường học ở xã Yên Viên và xã Dương Xá; đầu tư cải tạo, mở rộng Bệnh viện huyện Gia Lâm với quy mô 200 giường bệnh…
Để hoàn thành tiêu chí mật độ đường giao thông đô thị, huyện đề xuất 43 dự án, tổng chiều dài 81,2 km, tổng nhu cầu vốn 6.872,6 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực quản lý đô thị, huyện Gia Lâm đề nghị chấp thuận chủ trương giao UBND huyện Gia Lâm nghiên cứu, xây dựng phương án tổng thể đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải phân tán trên địa bàn từ nguồn vốn ngân sách huyện; có cơ chế đặc thù để đặt tên cho tuyến đường, phố trên địa bàn huyện trong thời gian tới.
Đối với lĩnh vực phân cấp, huyện đề nghị thành phố phân cấp cho huyện được hưởng 100% tiền sử dụng đất các doanh nghiệp nộp khi thực hiện dự án thu hồi đất trên địa bàn.
Phân cấp tối đa nguồn thu cho nhóm huyện đầu tư xây dựng thành lập quận được hưởng giai đoạn 2022-2025, sau phân cấp, dự kiến huyện Gia Lâm cơ bản tự đảm bảo cân đối ngân sách (năm 2022 đạt 100,4%)…
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận định, với đà phát triển tích cực như những năm qua, huyện Gia Lâm có thể lên quận vào năm 2023.