Trong báo cáo phân tích mới nhất, FiinGroup đưa ra nhận định ngành bất động sản (BĐS) sẽ dẫn dắt sự hồi phục trong quí IV năm nay với tăng trưởng doanh thu dự kiến 22,4% do quí cuối năm thường là cao điểm bán hàng và bàn giao dự án. Mặt khác, số dư tiền khách hàng mua nhà trả trước vẫn cao ở mức kỉ lục.
Tổng thể cả năm 2020, FiinGroup cho rằng ngành BĐS sẽ duy trì tăng trưởng doanh thu ở mức gần 3% nhưng thấp hơn bình quân tăng trưởng kép 5 năm gần nhất (CARG 5 năm khoảng 23%). Ngược lại, lợi nhuận cả năm của nhóm này được dự báo giảm gần 16% (CARG 5 năm gần 44%).
Trong đó, BĐS nhà ở duy trì tăng trưởng doanh thu khoảng 5,6% và lợi nhuận sau thuế giảm 14,5%. Đối với BĐS công nghiệp, kết quả kinh doanh của nhóm này được dự báo giảm 16,7% về doanh thu và giảm 20,2% về lợi nhuận sau thuế.
Trong bối cảnh có nhiều thông tin về vắc xin COVID-19 và các yếu tố nền tảng vĩ mô đang dần cải thiện, FiinGroup cho rằng BĐS (gồm nhà ở và KCN) là hai trong 5 nhóm ngành tăng trưởng từ quí IV/2020 đến năm 2021.
Những doanh nghiệp kinh doanh ở phân khúc nhà ở trung cấp có triển vọng lợi nhuận tốt nhờ nhu cầu tăng.
Ngoài ra, thị trường cũng kì vọng Nghị quyết 164/NQ-CP (ngày 5/11/2020) về việc tháo gỡ một số vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị sẽ giúp tái khởi động nhiều dự án đang bị tạm dừng.
Theo FiinGroup, CTCP Vinhomes (Mã:VHM) sẽ đóng góp 28,4% doanh thu và 66,5% lợi nhuận của nhóm BĐS nhà ở.
Động lực tăng trưởng trong năm 2021 của Vinhomes sẽ đến từ việc tiếp tục bàn giao tại ba đại đô thị: Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand Park.
Các doanh nghiệp kinh doanh phân khúc trung cấp như Khang Điền (Mã: KDH), Nam Long (Mã: NLG),… có doanh số bán hàng tăng mạnh, tạo cơ sở ghi nhận doanh thu cao trong năm 2021 nếu tiến độ bàn giao đúng kế hoạch.
Thống kê của FiinGroup từ 5 doanh nghiệp (Khang Điền, Đất Xanh, Nam Long, Phát Đạt, DIC Corp) cho thấy, lượng tiền khách hàng trả trước của các doanh nghiệp đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua và dự kiến sẽ được ghi nhận vào doanh thu trong 3 - 4 quí tới.
Đối với BĐS công nghiệp, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam sẽ là động lực tăng trưởng chính.
Những doanh nghiệp BĐS công nghiệp đang niêm yết hiện vẫn còn quĩ đất cho thuê hoặc có kế hoạch mở rộng quĩ đất khả dụng với hạ tầng giao thông thuận tiện như Sonadezi Châu Đức (Mã: SZC), Kinh Bắc (Mã: KBC), Đầu tư Sài Gòn VRG (Mã: SIP),... sẽ có nhiều lợi thế.
Mặt khác, Sonadezi Châu Đức, Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: VRG) và Kinh Bắc cũng hưởng lợi từ xu hướng tìm kiếm những khu vực lân cận có quĩ đất lớn, giá thuê cạnh tranh và hạ tầng giao thông thuận tiện, trong bối cảnh diện tích đất khu công nghiệp khả dụng tại Bắc Ninh và Hưng Yên (ở phía Bắc) và Bình Dương, Đồng Nai (ở phía Nam) đang trở nên khan hiếm.