VPBank tính chuyện bán 49% vốn tại FE Credit

Lãnh đạo VPBank cho biết có thể kêu gọi bán vốn 49% tại FE Credit. Công ty tài chính này hiện chiếm 53% thị phần cho vay tiêu dùng trong nước.

Vấn đề thoái vốn khỏi Công ty Tài chính FE Credit được nhiều cổ đông quan tâm tại Đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) diễn ra hôm qua, 29/5.

Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng cho biết thời gian qua, HĐQT ngân hàng đã đàm phán với nhiều nhà đầu tư, về việc bán một phần vốn tại FE Credit và cũng đã có kết quả tích cực. 

VPBank tính chuyện bán 49% vốn tại FE Credit - Ảnh 1.

VPBank tính chuyện bán 49% vốn tại FE Credit. (Ảnh: FE Credit).

Ông Dũng nói thêm FE Credit là công ty tài chính nên có thể kêu gọi bán vốn tới 49%. Nếu bán 49% vốn tại công ty tài chính này thì quyền lợi của ngân hàng mẹ sẽ giảm nhưng ngược lại, đối tác chiến lược sẽ mang đến nguồn vốn mạnh cho công ty, ngoài ra, còn có các lợi ích khác. 

Phần vốn bán được sẽ sử dụng vào việc tăng vốn ngân hàng mẹ, tăng quy mô, đẩy mạnh cho vay, bán lẻ. Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng khẳng định ngân hàng sẽ sử dụng nguồn vốn bán được này vào những việc hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, ông Dũng cho biết thêm quá trình đám phán bán vốn tại FE Credit thời gian qua cũng bị gián đoạn, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Ông bày tỏ quá trình này sẽ sớm được nối lại trong thời gian tới và đạt được mục tiêu của VPBank. 

Nói với cổ đông, lãnh đạo VPBank tự tin FE Credit là công ty tài chính hấp dẫn nhất trên thị trường tài chính tiêu dùng hiện nay tại Việt Nam. Cụ thể, ông cho hay FE Credit hiện chiếm 53% thị phần trong tổng số 16 công ty tài chính tiêu dùng trên thị trường. Năm 2019, FE Credit đóng góp đến 44% lợi nhuận của VPBank.

Liên quan ảnh hưởng vì dịch bệnh Covid-19, CEO Nguyễn Đức Vinh cho biết nhóm cho vay tiêu dùng các liên quan FE Credit bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các đối tượng khác.

Tuy nhiên, FE Credit đã siết chặt hoạt động hơn rất nhiều, chẳng hạn tạm thời dừng tăng trưởng, tập trung vào nhóm khách hàng ít rủi ro hơn, bán chéo, tìm cách kiểm soát rủi ro. Riêng FE Credit trong tháng 6, dự kiến cũng vẫn kiểm soát chỉ tăng trưởng tín dụng khoảng 1-2%. 

5 tháng, lợi nhuận ước đạt 5.100 tỉ đồng

CEO Nguyễn Đức Vinh cho hay trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, ban lãnh đạo từng kì vọng lợi nhuận sẽ tăng trưởng 25% so với năm 2019, đạt mức tối đa lên đến 14.000 tỉ đồng, nhưng Covid-19 khiến ban điều hành phải điều chỉnh kế hoạch nhằm vượt qua khủng hoảng một cách an toàn.

Cụ thể, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2020 giảm 1,1% so với năm 2019, còn 10.214 tỉ đồng. Ông Vinh cho rằng đây là một kế hoạch thận trọng của ban lãnh đạo.

Tuy nhiên, hiện Covid-19 đã được kiểm soát, vì vậy, ban lãnh đạo vẫn cho rằng nếu tình hình tích cực thì sẽ quyết tâm đạt cao hơn các mục tiêu trình cổ đông tại đại hội hôm nay từ 10%.

Cập nhật về lợi nhuận trước thuế tính đến cuối tháng 5, lãnh đạo VPBank ước  đạt khoảng 5.100 tỉ đồng, tức hoàn thành một nửa mục tiêu cả năm. Với tốc độ này, ngân hàng có thể vượt được mục tiêu trình cổ đông, mức vượt dao động khoảng 10-20%.

Ngoài ra, ngân hàng cũng đặt mục tiêu tổng tài sản năm 2020 tăng 12,7%, lên 425.132 tỉ đồng. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 10,4%, đạt 299.728 tỉ đồng. Dư nợ cấp tín dụng tăng 12,3%, lên 304.744 tỉ đồng. Nợ xấu kiểm soát dưới 3%, dù nguy cơ nợ xấu tăng lên vì dịch bệnh.

Lãnh đạo VPBank nhận định Covid-19 có tác động đến lĩnh vực ngân hàng và có độ trễ so với các ngành khác, vì vậy, chưa thể đánh giá hết ở thời điểm hiện tại, song ông khẳng định VPBank vẫn đang kiểm soát, xử lí tình hình ở mức tốt.

chọn
Bất động sản tuần qua (28/4 - 4/5): Ba luật lớn kỳ vọng hiệu lực sớm, TP HCM dừng dự án BT của Phát Đạt
Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có thể hiệu lực sớm từ 1/7; điểm mới về thành lập cụm công nghiệp từ 1/5; loạt doanh nghiệp tiến vào Thái Nguyên... là những thông tin thị trường và dự án nổi bật tuần qua.