Ngân hàng sẽ thực hiện thông thoáng hơn để hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch Covid-19

Trước kiến nghị của doanh nghiệp TP HCM, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết ngành ngân hàng sẽ thực hiện thông thoáng hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng phải đảm bảo không để nợ xấu tái diễn và an toàn cho hệ thống tổ chức tín dụng.

Doanh nghiệp TP HCM kiến nghị được hỗ trợ thủ tục vay

Tại hội nghị Kết nối ngân hàng và doanh nghiệp TP HCM nhằm hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19, diễn ra hôm nay, 29/5, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến ngày 25/5, tất cả tổ chức tín dụng, công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ để hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn vì Covid-19.

Phó Thống đốc: NHNN sẽ thực hiện thông thoáng hơn để hỗ trợ doanh nghiệp sau Covid-19 - Ảnh 1.

Phó Thống đốc: NHNN sẽ thực hiện thông thoáng hơn để hỗ trợ doanh nghiệp sau Covid-19. (Ảnh: SBV).

Cụ thể, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 223.000 khách hàng với dư nợ hơn 151.000 tỉ đồng. Miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320.000 khách hàng với dư nợ gần 1,14 triệu tỉ đồng.

Cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 767.000 tỉ đồng cho hơn 196.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch. 

Ngân hàng Chính sách Xã hội đã gia hạn nợ cho hơn 150.000 khách hàng với dư nợ trên 3.800 tỉ đồng, điều chỉnh kì hạn trả nợ cho hơn 75.000 khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỉ đồng, cho vay mới hơn 680.000 khách hàng với dư nợ hơn 25.000 tỉ đồng.   

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết thêm riêng địa bàn TP HCM, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 158.726 khách hàng với dư nợ 48.325 tỉ đồng.

Miễn, giảm, hạ lãi suất cho 17.448 khách hàng với dư nợ 45.096 tỉ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 166.082 tỉ đồng cho 43.487 khách hàng.

Tuy nhiên, đại diện nhiều doanh nghiệp TP HCM thẳng thắn chia sẻ những khó khăn thời gian qua của doanh nghiệp trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP HCM cho biết một số doanh nghiệp thành viên phản ánh thủ tục, hồ sơ để được miễn, giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ; giãn nợ còn phức tạp, như phải chứng minh được thiệt hại nên số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ là rất ít.

Phó Thống đốc: NHNN sẽ thực hiện thông thoáng hơn để hỗ trợ doanh nghiệp sau Covid-19 - Ảnh 2.

Bà Lý Kim Chi kiến nghị ngành ngân hàng xem xét hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp lương thực thực phẩm. (Ảnh: SBV).

Bà kiến nghị ngành ngân hàng xem xét hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lương thực thực phẩm, để dự trữ nguyên liệu, phụ liệu trước việc giá tăng và chi phí lưu kho bãi tăng để tái cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy sản xuất, bình ổn thị trường và xuất khẩu.

Phó Chủ tich Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM - ông Trần Việt Anh, cho rằng những vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình vay vốn cũng như tiếp cận các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi tại các tổ chức tín dụng.

Ông cũng đề nghị các chính sách hỗ trợ của ngành ngân hàng cần đồng hành với cả doanh nghiệp khỏe để có thể đi dài hơn, nhất là giai đoạn sau dịch bệnh.

Ngân hàng sẽ thực hiện thông thoáng hơn để hỗ trợ doanh nghiệp

Kết luận tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết ngành ngân hàng sẽ thực hiện thông thoáng hơn nữa nhưng phải đảm bảo hành lang pháp lí không để nợ xấu tái diễn và an toàn cho hệ thống tổ chức tín dụng. 

Theo đó, NHNN không phải chỉ quan tâm đến những doanh nghiệp khó khăn, yếu kém mà cả doanh nghiệp khỏe có khả năng bứt phá để phát triển cũng cần sớm được hỗ trợ. Đặc biệt, Thông tư 01 không phải là bất biến, NHNN sẽ xem xét để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.

Đối với các đơn vị của Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc đề nghị các đơn vị tiếp thu nội dung kiến nghị đặc biệt là thời hạn, thời gian cơ cấu lại nợ, xác định thời gian và xem xét một số chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụng cơi nới hơn, có điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp.

Đối với NHNN chi nhánh TP HCM, cần phải tiếp nhận và kịp thời xử lí khó khăn, vướng mắc, kiến nghị liên thông qua đường dây nóng của chi nhánh.

Đồng thời, phối hợp thường xuyên với các hiệp hội, doanh nghiệp… để nắm bắt, chủ động xử lí các kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng. 

Đối với các tổ chức tín dụng, Phó Thống đốc yêu cầu tiếp tục triển khai Chỉ thị 02, tăng cường truyền thông để doanh nghiệp hiểu rõ chính sách, điều kiện của từng ngân hàng.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhưng không hạ chuẩn tín dụng.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.