Còn gần 2 triệu tỉ đồng cho vay tiêu dùng kích thích kinh tế sau dịch

Số liệu được các chuyên gia tính toán dựa trên dư nợ cho vay tiêu dùng chính thức tại các quốc gia trên thế giới và Việt Nam, chiếm khoảng 40% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế.

Chia sẻ tại tọa đàm về “Tái khởi động nền kinh tế - Cơ hội cho tài chính tiêu dùng” diễn ra sáng 21/5, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng trước tác động rất lớn của dịch Covid-19 tới kinh tế thế giới, để thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng sau dịch cần phải dựa vào nội lực tiêu dùng trong nước.

Tập trung tăng trưởng kinh tế trong nước

Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Việt Nam cơ bản đã đẩy lùi và kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Các hoạt động của đời sống xã hội cũng đã nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới, và chuẩn bị các kịch bản, dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch.

Thứ trưởng cho hay, Bộ KHĐT và các bộ, ngành khác đã có nhiều văn kiện, dự thảo tham mưu Chính phủ mà điểm chung của mô hình phục hồi kinh tế sau dịch, đều là củng cố thị trường trong nước, sau đó mới tới thị trường nước ngoài.

“Để làm được điều đó, kích cầu thị trường nội địa thông qua thúc đẩy tiêu dùng chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được ưu tiên giai đoạn này. Có nhiều biện pháp để kích cầu tiêu dùng, trong đó có phát triển tài chính tiêu dùng”, ông Phương nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ KHĐT phân tích thêm, để mở rộng tài chính tiêu dùng, điều quan trọng nhất là người vay phải có việc làm để có thu nhập.

“Gói 62.000 tỉ đồng mới chỉ dừng ở an sinh xã hội, do đó nguồn lực công cụ tiền tệ có tính khả thi, tác động hiệu quả hơn nhiều so với các công cụ khác”, ông Phương khẳng định.

Còn gần 2 triệu tỉ đồng cho vay tiêu dùng kích thích kinh tế sau dịch - Ảnh 1.

Chính phủ đang nhắm tới việc tập trung tăng trưởng kinh tế nội địa thời hậu Covid-19 trước khi mở rộng ra thị trường nước ngoài. (Ảnh: Hoàng Hà).

Theo ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng phụ trách Vụ kinh tế tổng hợp (Ban kinh tế Trung ương), trong bối cảnh dịch Covid-19 dự báo còn tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới, chủ trương của Nhà nước là khai thác thị trường nội địa, lấy thị trường nội địa làm động lực tăng trưởng, dựa vào tiêu dùng trong nước, cầu nội địa.

“Tuy nhiên, để làm được điều này cần cơ chế kết hợp được Chính phủ, nhà sản xuất, người cung cấp tín dụng”, ông Tú Anh nêu.

Vị này cho rằng, trước mắt cần duy trì và đưa nền kinh tế đi qua khủng hoảng, làm sao để các tổ chức tín dụng không rơi vào tình trạng nợ xấu quá cao, mất cân đối.

Ngoài ra, việc lãi suất có xu hướng giảm không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới sẽ giúp dòng vốn rẻ gia nhập thị trường, giúp nền kinh tế cân đối các chi phí.

Dư địa cho vay tiêu dùng còn khoảng 2 triệu tỉ

Cũng tại tọa đàm này, ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), cho biết ước tính cho vay tiêu dùng không chính thức hiện chiếm khoảng 15-20% tổng dư nợ nền kinh tế, tương đương 1,16-1,55 triệu tỉ đồng.

Còn gần 2 triệu tỉ đồng cho vay tiêu dùng kích thích kinh tế sau dịch - Ảnh 2.

Kích thích tiêu dùng trong nước là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy kinh tế nội địa. (Ảnh: Quỳnh Trang).

Trong đó, cho vay tiêu dùng qua ngân hàng và công ty tài chính chiếm khoảng 1 triệu tỉ đến cuối năm 2019, bằng 11,4% tổng dư nợ, ngoài ra các kênh khác chưa có thống kê chính thức.

“Theo thông lệ, dư nợ cho vay tiêu dùng chính thức các nước vào khoảng 40% tổng dư nợ nền kinh tế, do đó sẽ còn khoảng 1,5- 2 triệu tỉ dư địa cho vay, chưa kể hàng năm tổng dư nợ lại tăng thêm khoảng 14%”, ông Hòe nói.

Theo vị chuyên gia, giá trị dư địa cho vay tiêu dùng lớn này nếu khai thác được sẽ là động lực không nhỏ góp phần phục hồi kinh tế sau dịch.

Để có thể khai thác nguồn lực này, ông cho rằng cần nhanh chóng chi hỗ trợ 62.000 tỉ cứu trợ người mất việc, nghèo khó duy trì cuộc sống và giải ngân gói 16.000 tỉ lãi suất 0% cho doanh nghiệp để trả lương người lao động.

Ngoài ra, cần giải ngân gói đầu tư công 700.000 tỉ để tạo ra nhiều việc làm giúp người lao động có thu nhập, từ đó mới có thể thúc đẩy thị trường vay tiêu dùng. Đồng thời cho vay với món nhỏ, lãi suất hợp lí, thời gian trả nợ kéo dài hơn so với trước dịch.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh cần chấn chỉnh lại hoạt động cho vay cầm đồ, vay nặng lãi, và bắt buộc gỡ các App cho vay bất hợp pháp, truy tìm xử lí loại “công ty ma” này.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.