Xuất hiện tình trạng cho vay tiêu dùng đòi nợ kiểu khủng bố, đưa hình ảnh khách lên mạng để đòi nợ

Lĩnh vực tài chính - bảo hiểm - ngân hàng bị người tiêu dùng phản ánh, khiếu nại nhiều nhất năm 2019 vì tình trạng thu nợ kiểu khủng bố, kèm đe dọa, quấy rối, thậm chí đòi nợ nhầm.

Theo Báo cáo thường niên 2019 do Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa công bố, năm 2019, tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của Cục nhận được gần 9.300 cuộc gọi.

Trong những cuộc gọi từ người tiêu dùng được tổng đài viên trả lời, tư vấn, có hơn 1.400 cuộc gọi liên quan vấn đề tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Cho vay tiêu dùng đòi nợ kiểu khủng bố, đưa cả hình lên mạng để yêu cầu trả nợ - Ảnh 1.

Cho vay tiêu dùng đòi nợ kiểu khủng bố bị khiếu nại nhiều nhất năm 2019. (Ảnh: PLO).

Báo cáo của Cục Cạnh tranh cho biết nhóm tài chính - bảo hiểm - ngân hàng bị người tiêu dùng phản ánh, khiếu nại nhiều nhất, chiếm tỉ lệ tới 21,8%.

Ở lĩnh vực này, vấn đề được người tiêu dùng phản ánh nhiều là việc thu nợ nhầm, kèm đe dọa, quấy rối. Cụ thể, các ngân hàng, công ty tài chính, công ty thu nợ hoặc công ty cho vay tiêu dùng bị một lượng lớn người tiêu dùng khiếu nại việc không vay nợ nhưng lại liên tục bị gọi điện thoại, nhắn tin quấy rối, đe dọa, ép buộc trả nợ.

Tình trạng trên xảy ra liên tục, dù người tiêu dùng đã nhiều lần thông báo về việc không liên quan đến khoản nợ của doanh nghiệp.

Một số vụ việc, đối tượng còn sử dụng hình ảnh, thông tin liên hệ của người tiêu dùng và người thân của họ, đăng tải công khai trên mạng xã hội với nội dung xuyên tạc, bịa đặt nhằm gây áp lực trả nợ.

Do đó, người tiêu dùng bị đe dọa, gây áp lực về tâm lí, ảnh hưởng đến uy tín do các hoạt động quấy rối, đe dọa của những công ty liên quan, đồng thời, gặp nhiều khó khăn khi yêu cầu công ty liên quan ấy dừng việc thu nợ nhầm.

Trước vấn đề trên, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho biết đã phối hợp, yêu cầu các bên giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, cũng như đăng tải nhiều thông tin cảnh báo trên website của Cục, gửi thông tin để cơ quan thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước tổng hợp, xử lí.

Đơn vị thuộc Bộ Công Thương cũng khuyến cáo người dân khi kí kết hợp đồng tín dụng tiêu dùng cần hiểu rõ hợp đồng vay, nhất là mức lãi suất, thời gian vay, quy định trả nợ trước hạn, mức phạt trả chậm…; đồng thời chỉ kí hợp đồng sau khi nắm rõ thông tin.

Người tiêu dùng cũng cần yêu cầu cung cấp bản sao hợp đồng đã kí để lưu giữ. Khi phát sinh tranh chấp, nên ưu tiên sử dụng các hình thức liên hệ có lưu vết (email, thư qua bưu điện). 

Nếu bị đòi nợ nhầm, người dân liên hệ với công ty tín dụng về vụ việc. Nếu tiếp tục bị làm phiền, có thể liên hệ cơ quan bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ.

Ngoài tài chính - bảo hiểm - ngân hàng, các lĩnh vực khác nhận được nhiều phản ánh, khiếu nại từ người tiêu dùng là hàng hóa tiêu dùng thường ngày; điện thoại, viễn thông; đồ điện tử gia dụng; dịch vụ vận tải; y tế, chăm sóc sức khoẻ…

Theo báo cáo của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, ở các lĩnh vực trên, người dân chủ yếu phản ánh về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, trách nhiệm bảo hành, điều kiện giao dịch…

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.