Thông tin trên được ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) chia sẻ tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 diễn ra chiều nay (15/6).
Theo vị chủ tịch, tiền thân của Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng SHB (SHB Finance) là Công ty tài chính Vinaconex Viettel, do 2 tập đoàn lớn hợp tác nên năng lực tài chính của công ty này rất khỏe và lành mạnh.
Từ khi sáp nhập vào SHB đến nay, ngân hàng mẹ cũng thận trọng trong các hoạt động kinh doanh, dự phòng, quản trị rủi ro cho vay tiêu dùng nên hoạt động của SHB Finance vẫn đang có lãi.
“Căn cứ đề án sáp nhập Vinaconex Viettel đổi tên thành SHB Finance đã được NHNN phê duyệt, đây là thời điểm thuận lợi để SHB thoái vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia vào công ty tài chính này", ông Hiển chia sẻ.
Theo ông bầu đất thủ đô, ngoài việc có thể mang lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho ngân hàng mẹ, việc có nhà đầu tư ngoại tham gia vào SHB Finance cũng nâng cao năng lực quản trị điều hành và công nghệ cho hai bên.
Về giới hạn tỉ lệ sở hữu (room) cho nhà đầu tư nước ngoài, ông Hiển cho hay, tỉ lệ tối đa sẽ tuân theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, hiện nay là 49%.
“Với vai trò vừa là cổ đông vừa là chủ tịch, khi làm việc với đối tác, tôi sẽ cố gắng đạt được mức giá tốt nhất”, ông Hiển nhấn mạnh, nhưng cũng lưu ý ngoài yếu tố giá, ngân hàng cần chọn đối tác chiến lược có cùng cốt lõi kinh doanh và đồng hành cùng ngân hàng, công ty tài chính trong dài hạn.
Theo ông Hiển, hiện nay có rất nhiều đối tác lớn đã đặt vấn đề đàm phán với SHB. Tuy nhiên, ngân hàng chưa thể công bố và đang xem xét chọn lựa nhà đầu tư phù hợp nhất, mang lại lợi ích tối đa cho cổ đông.
"Với tiến độ đàm phán hiện tại, việc bán vốn SHB Finance có thể hoàn tất ngay trong năm nay", ông cho hay.
Về hoạt động kinh doanh của SHB, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc ngân hàng cho biết, theo kế hoạch ban đầu khi chưa có dịch Covid-19, lãnh đạo ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế năm nay có thể tăng 35-40% so với năm 2019, tương đương 4.325 tỉ đồng.
Tuy nhiên, do dịch diễn biến phức tạp cùng với việc phải giảm lãi suất cho vay cả dư nợ cũ và mới cho khách hàng, ngân hàng đã phải điều chỉnh một loạt chỉ tiêu kinh doanh năm nay.
Dự kiến đến cuối năm 2020, tổng tài sản ngân hàng đạt 408.448 tỉ đồng, tăng 11,8% so với đầu năm. Vốn điều lệ cũng dự kiến đạt 19.314 tỉ.
Các chỉ tiêu tài chính như huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cư dân là 334.636 tỉ, tăng 16%; số dư cấp tín dụng đạt 306.122 tỉ đồng, tăng 15% và tỷ lệ nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ.
Trên cơ sở các chỉ tiêu này, SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay đạt 3.268 tỉ, tăng 8%.
Cũng theo vị tổng giám đốc, tính đến tháng 5 năm nay, tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng là 1.301 tỉ đồng, tương đương 40% kế hoạch cả năm.
Tại đại hội lần này, nhiều cổ đông cũng đặt câu hỏi về việc chia cổ tức trong năm 2020. Ông Đỗ Quang Hiển cho biết, dự kiến năm nay ngân hàng không chia cổ tức.
Nguyên nhân đến từ việc dịch bệnh diễn biến phức tạp đầu năm SHB đã, đang và sẽ phải giảm lãi suất cho phần dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, đồng thời phải gia hạn thời gian trả nợ, cơ cấu lại nợ cho nhiều nhóm khách hàng.
"Hiện nay, dịch bệnh đã được khống chế nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, du lịch... lại đang gặp khó khăn. Diễn biến này dự báo còn kéo dài nên ban lãnh đạo phải thận trọng ngay cả với kế hoạch kinh doanh cũng đã giảm 30-40% về lợi nhuận", ông Hiển nói.
Ngoài ra, ban lãnh đạo cũng có chủ trương giảm cổ tức để trích lập và giải quyết dứt điểm trái phiếu VAMC, không để phát sinh thêm trong năm nay.