Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM - ông Nguyễn Hoàng Minh, đã dành nhiều thời gian trao đổi về hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng và sự biến tướng của các hình thức cho vay, núp bóng tín dụng đen tại hội thảo "Chuyển động của dịch vụ tài chính trong thời đại số" vừa diễn ra ở TP HCM.
Ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng các dịch vụ tài chính số tại Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và cơ hội, nhờ quy mô dân số, tỉ lệ người dùng điện thoại thông minh, Internet và các công ty tài chính tiêu dùng, ngân hàng thương mại ngày càng hoạt động hiệu quả, với nhiều dịch vụ, phương thức thanh toán cho khách hàng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước TP HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, cho rằng công ty tài chính tiêu dùng đã có vai trò đẩy lùi tín dụng đen, tuy nhiên, văn hóa đòi nợ thời gian qua gây bức xúc. (Ảnh: Phúc Minh).
"Sự xuất hiện của tín dụng đen do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, nhưng để lại hậu quả khá nặng nề. Ngăn chặn tín dụng đen đòi hỏi nhiều cơ quan, đơn vị cùng vào cuộc. Riêng công ty tài chính tiêu dùng, khi phát triển hiệu quả sẽ ngăn chặn được tín dụng đen", Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM nhận định về vai trò của các công ty tài chính tiêu dùng.
Hoạt động tài chính tiêu dùng phát triển rất mạnh thời gian qua. Theo số liệu của ông Nguyễn Hoàng Minh, riêng TP HCM, dư nợ lĩnh vực này đến cuối tháng 10/2019 là 450.000 tỉ đồng. Giai đoạn 3 năm từ 2016-2018, mức tăng trung bình là 37%. Ông Minh khẳng định sự phát triển của công ty tài chính tiêu dùng giúp thị trường tài chính phát triển lành mạnh, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM đánh giá kết quả trên đã tác động tích cực, hạn chế sự phát triển tín dụng đen. Người tiêu dùng có thể tìm đến những công ty tài chính tiêu dùng này thay vì tín dụng đen, cho vay nặng lãi…
"Cuối năm 2016, Ngân hàng Nhà nước ban hàng khung pháp lí với các công ty cho vay tiêu dùng, công ty tài chính, là Thông tư 43/2016. Vừa rồi, tiếp tục ban hành Thông tư 18/2019 điều chỉnh bổ sung và có hiệu lực vào năm 2020. Theo thông tư này, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng sẽ an toàn, hiệu quả và có văn hoá hơn", ông Minh khẳng định.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM nói thêm Thông tư 18 quy định lộ trình giảm tỉ lệ dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính từ đầu năm 2021 đến cuối năm 2021 là 70%.
Ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng các công ty tài chính tiêu dùng sẽ có văn hoá ứng xử tốt hơn với khách hàng. (Ảnh: FE Credit).
Năm 2022 giảm xuống còn 60%, năm 2023 giảm tiếp 10% còn 50%, năm 2023 còn 50%. Mục tiêu đến năm 2024, tỉ lệ này chỉ còn 30%.
Như vậy, theo quy định, đến năm 2030, tổng dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng tại một công ty tài chính so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty giảm chỉ còn ở mức 30%.
"Thứ hai là quy định về văn hoá đòi nợ của các công ty tài chính. Thời gian qua, hoạt động đòi nợ, nhắc nợ của nhiều công ty tài chính có nhiều phản cảm, gây bức xúc dư luận xã hội, như nhắc nợ liên tục, đối tượng nhắc nợ khiến khách hàng phản ứng; cả việc nhắc nợ người không nợ, rất phản cảm", ông Nguyễn Hoàng Minh khẳng định.
Tới đây, Thông tư 18 yêu cầu cụ thể về thời gian nhắc nợ, đòi nợ tối đa 5 lần mỗi ngày, không đòi nợ, nhắc nợ sau 21h. Các công ty tài chính không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ.
"Thông tư cũng yêu cầu các công ty tài chính phải minh bạch tài chính, lãi suất, hồ sơ, phí, phương pháp tính lãi, phải trả lời tố cáo, khiếu nại của người tiêu dùng. Những quy định về công khai thông tin trên khiến hoạt động tài chính tiêu dùng minh bạch hơn, an toàn và tiện lợi hơn cho khách hàng. Văn hóa kinh doanh tốt lên thì mô hình này có vai trò rất lớn trong đẩy lùi tín dụng đen", Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết.
Ngoài chấn chỉnh hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng, ông Nguyễn Hoàng Minh cũng đề cập mô hình cho vay ngang hàng (P2P) cũng đang phát triển mạnh và có nhiều biến tướng gần đây.
Theo ông, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu, phân tích về mô hình này để báo cáo Chính phủ.
Về hình thức cho va online, vay trực tuyến, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng vừa phát đi cảnh báo về sự biến tướng của mô hình này, nhất là các đơn vị trá hình, tín dụng đen núp bóng. Bộ Công Thương cho biết hiện mô hình này chưa có quy định pháp luật để phân loại rõ ràng.
Theo cơ quan chức năng, đặc trưng của các dịch vụ cho vay trực tuyến là lãi suất cho vay và các mức phí kèm theo thường rất cao.
Do vậy, để tránh các phát sinh nằm ngoài dự kiến, người tiêu dùng cần biết rõ các mức lãi suất, mức phí và các chi phí có thể phát sinh trong những trường hợp cụ thể như trả nợ trước hạn, chậm trả, gia hạn thời gian vay, phí tư vấn dịch vụ… để tránh rủi ro có thể xảy ra.