"Ví điện tử là gì, sử dụng như thế nào? Lỡ mất tiền thì sao? Làm thế nào để tôi tin ông, ngân hàng tôi còn không tin, ai sẽ bảo đảm sự an toàn cho tài khoản của tôi"... những câu hỏi thường gặp của khách hàng lần đầu tiên sử dụng ví điện tử mà ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch ví điện tử Momo - chia sẻ tại hội thảo "Chuyển động của dịch vụ tài chính trong thời đại số", diễn ra hôm nay (5/12) tại TP HCM.
Theo ông Nguyễn Bá Diệp, để thay đổi hành vi cầm tiền mặt mua một món hàng nào đó của người tiêu dùng là không hề dễ. Đơn cử, dù có mặt trên thị trường đã 12 năm nay, nhưng cái tên ví điện tử chỉ được biết đến trong vài năm trở lại đây.
Các chuyên gia cho rằng thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển. (Ảnh: Phúc Minh).
"Khởi nghiệp năm 2007, chúng tôi tin thị trường mobile money (thanh toán dịch vụ có giá trị nhỏ bằng SIM viễn thông) sẽ rất tiềm năng. Khi kết hợp dịch vụ này trên SIM điện thoại là điều tuyệt vời để thanh toán, nhưng cuối cùng lại thành khó, vì người tiêu dùng không hiểu chức năng, chưa quen và chưa thấy lợi ích", ông Diệp nói.
Thực tế, đến nay, tỉ lệ người dùng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam như ví điện tử, ngân hàng điện tử… chưa cao.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) Việt Nam và khu vực Asean - ông Lê Thanh Tâm, cho biết dù đã giảm so với trước đây, nhưng tỉ lệ thanh toán bằng tiền mặt ở Việt Nam vẫn còn chiếm 79%.
21% còn lại là không dùng tiền mặt.
Cơ cấu phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam hiện cao nhất là thanh toán qua thẻ các loại, chiếm 38%, ngân hàng điện tử 30% và ví điện tử 28,4%.
Với tỉ lệ này, các chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ rất tiềm năng cho thị trường thanh toán không dùng tiền mặt trong tương lai. Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, số lượng người dân có tài khoản ngân hàng mới chiếm 63% dân số.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết thêm, ngoài hệ thống ngân hàng, có 32 tổ chức không phải ngân hàng được cấp phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, gồm ví điện tử, cổng thanh toán…
Dân số trẻ với thu nhập tốt, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và thương mại điện tử tại Việt Nam được kì vọng nằm trong top đầu của Đông Nam Á, là những điều kiện thuận lợi cho thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam phát triển trong những năm tới.
Một nghiên cứu của Nielsen Việt Nam chỉ ra, có khoảng 25% khách hàng trong độ tuổi 18-25 tuổi, tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM đang sử dụng dịch vụ tài chính nói chung.
Tỉ lệ này tăng đáng kể so với các năm trước. Số liệu này không chỉ cho thấy tiềm năng tăng trưởng từ nhu cầu giao dịch tài chính của giới trẻ, mà tương lai, nhóm sẽ lớn lên và có nhu cầu chi tiêu nhiều hơn.
Số lượng giao dịch không dùng tiền mặt đang chiếm 21% cơ cấu tổng giao dịch thanh toán. (Ảnh: Thanh Niên).
Chuyên gia của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho rằng trong khi các ngân hàng không quá tập trung vào nhóm đối tượng này, thì đây chính là cơ hội cho các công ty chuyên về ví điện tử. Chỉ cần tạo được hành vi tiêu dùng theo hướng phù hợp, hiện đại, cá nhân hoá thì đây chính là phân khúc khách hàng tiềm năng.
"Rất tiềm năng tại Việt Nam là tệp khách hàng trẻ. Doanh nghiệp phải hiểu lối sống của họ thế nào, các hoạt động hàng ngày ra sao để kết nối với dịch vụ tài chính. Nếu bạn trẻ tiếp cận ví ngay từ đầu với nhiều chương trình hấp dẫn phù hợp, nhiều khả năng đi theo trong tương lai", chuyên gia của Nielsen Vietnam nhận định.
"Hiện câu hỏi chung nhất của người dùng là làm thế nào để ví điện tử thay thế được cho tiền mặt. Thực tế, thanh toán tiền mặt từ xưa đến nay rất rõ ràng, cụ thể, cũng nhanh nữa. Chúng ta phải giải quyết được mối quan tâm của người tiêu dùng, tức dùng có dễ dàng, rõ ràng và nhanh chóng không. Đó là mặt giá trị, phải cho khách hàng thấy được giá trị thay vì chăm chăm nghĩ đến ai thắng thua trong cuộc chiến", Chủ tịch HĐTV Smartnet - ông Marek Forysiak, nêu quan điểm.
Theo ông Marek Forysiak, chính sự uy tín, rõ ràng, tốc độ nhanh nhạy, tăng khả năng trải nghiệm dịch vụ, tiếp xúc với khách hàng mỗi ngày, và cả những chương trình khuyến mãi "làm quen" sẽ dần dần thay đổi hành vi của người tiêu dùng.
Nói về lo ngại liệu thanh toán không dùng tiền mặt có thực sự an toàn hay không, ông Nguyễn Bá Diệp khẳng định, ví điện tử vẫn phải có tài khoản ngân hàng, tức muốn sử dụng dịch vụ của ví điện tử trong thanh toán giá trị hàng hoá, dịch vụ, thì bắt buộc người tiêu dùng phải liên kết và nạp tiền từ tài khoản ngân hàng.
Và điều này đảm bảo được độ an toàn, cũng như uy tín của hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Đô thị 08:29 | 13/07/2020
Nhà đất 08:06 | 13/07/2020
Kinh doanh 08:03 | 13/07/2020
Đô thị 08:03 | 13/07/2020
Kinh doanh 09:07 | 29/06/2020
Đô thị 06:02 | 29/06/2020
Du lịch 06:00 | 29/06/2020
Tiêu dùng 20:34 | 28/06/2020