Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016 quy định cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính.
Ttại Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước đã có một loạt quy định về việc thực hiện nhắc nợ, đòi nợ của các công ty tài chính với những người thực hiện vay nợ. Đây được xem là vấn đề nhiều người quan tâm thời gian qua.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước quy định các công ty tài chính phải có biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng.
Nhiều trường hợp còn cho biết bị tung hình lên mạng để đe doạ đòi nợ. (Ảnh: PLO).
Về tần suất nhắc nợ, Ngân hàng Nhà nước quy định chỉ được nhắc nợ tối đa 5 lần trong một ngày.
Đối với trường hợp cho vay tiêu dùng, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7-21h.
Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh các công ty tài chính không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Các tổ chức phải có trách nhiệm bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.
Công ty tài chính cũng phải có trách nhiệm niêm yết công khai về lãi suất, các loại phí, phương pháp tính lãi tại trụ sở chính, chi nhánh, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải trên trang thông tin điện tử.
Đồng thời, phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng, giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cơ bản tại hợp đồng cho vay tiêu dùng, gồm quyền và nghĩa vụ của người vay, các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ, xử lí trong trường hợp khách hàng không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.
Song song đó, các công ty tài chính cũng phải có hình thức tiếp nhận góp ý, phản ánh, khiếu nại của khách hàng, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động cho vay tiêu dùng.
Theo Thông tư 18, các công ty tài chính cho vay tiêu dùng sẽ bị siết chặt về giới hạn giải ngân trực tiếp trên tổng dư nợ, tức sẽ khó hơn trong việc giải ngân cho khách hàng vay để mua sắm những món đồ có giá trị thấp, dưới 100 triệu đồng.
Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016 của Ngân hàng Nhà nước, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Thống kê mới đây của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết tháng 9/2019, Cục này nhận được gần 700 phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về các dịch vụ cần được hỗ trợ. Nhóm hàng hóa, dịch vụ có tỉ lệ khiếu nại nhiều nhất là tài chính, bảo hiểm, ngân hàng với tỉ lệ chiếm đến 35%.
Nhóm hàng hóa, dịch vụ có tỉ lệ khiếu nại nhiều nhất là tài chính, bảo hiểm, ngân hàng với tỉ lệ chiếm đến 35%. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
Cục Cạnh tranh cho biết trong số các khiếu nại liên quan lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, có đến 32% người tiêu dùng phản ánh về việc thông tin liên hệ của mình bị đơn vị thu hồi nợ tự động sử dụng để gọi điện, nhắn tin với mục đích quấy rối, đe dọa thu nợ.
Khẳng định với cơ quan chức năng, người tiêu dùng cho biết họ bị các đối tượng này điện thoại khủng bố, dù không có khoản vay tại đơn vị liên quan.
Các doanh nghiệp cung cấp thông tin cũng không chính xác, gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là các điều kiện giao dịch. Ví dụ như chính sách đổi trả hàng hóa, thủ tục thanh lí hợp đồng trước hạn trong hợp đồng vay.
Đơn vị thuộc Bộ Công Thương khuyến cáo khách hàng trước khi thực hiện vay, người tiêu dùng cần tham khảo các thông tin trên Internet, người thân, bạn bè để có thêm thông tin tham khảo về công ty cung cấp dịch vụ cho vay.
Đặc biệt lưu ý, khi thực hiện vay phải yêu cầu cung cấp hợp đồng để tìm hiểu trước khi kí và lưu trữ sau khi kí kết.