Trong cuộc phỏng vấn gần đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã tiết lộ kế hoạch cứu trợ trị giá 500 tỉ USD của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đang được gửi lên để Quốc hội Mỹ phê duyệt.
Bộ trưởng cho biết, theo đề xuất, mỗi người Mỹ trưởng thành sẽ được nhận 1.000 USD, còn mỗi trẻ em sẽ được nhận 500 USD và được chia thành 2 đợt.
Mỗi công dân sẽ được trao khoản cứu trợ trong vòng 3 tuần kể từ khi Quốc hội thông qua, nếu sau 6 tuần tiếp theo, tình trạng khẩn cấp quốc gia vẫn chưa được gỡ bỏ, họ sẽ được nhận tiếp thêm một khoản trợ cấp giá trị tương đương.
Chuyên gia kinh tế Andrew Ross Sorkin, chủ mục Squawk Box của tờ CNBC, trước động thái táo bạo của Nhà Trắng, đã bày tỏ quan điểm "đồng tình một nửa".
Ông nhận định với NY Times: "Việc giải quyết cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch Covid-19 gây nên cần có thời gian, nhưng các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế thì phải được thực hiện ngay bây giờ".
Theo ông, có một biện pháp hiệu quả hơn việc cấp cho mỗi người dân Mỹ 1.000 USD và gói cứu trợ các ngành công nghiệp, đã được đưa ra bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump.
"Đó là toàn bộ các doanh nghiệp ở Mỹ với mọi qui mô hoạt động, nên được chính quyền hỗ trợ các khoản vay bắc cầu không tính lãi, được đảm bảo bởi chính phủ trong suốt giai đoạn khủng hoảng. Với thời hạn trả nợ trong vòng 5 năm", ông nói.
"Chính phủ có thể áp dụng điều kiện cấp khoản vay cho các doanh nghiệp, yêu cầu họ phải tiếp tục sử dụng ít nhất 90% nhân lực trước thời điểm dịch bệnh bùng phát, và giữ nguyên mức lương", ông Sorkin nói.
"Đồng thời, người lao động bị sa thải trong 2 tuần qua phải được đi làm trở lại", chuyên gia nói thêm.
Vị chuyên gia kinh tế giải thích với chương trình hỗ trợ vay vốn này, các công ty trong mọi lĩnh vực, từ hàng không đến nhà hàng, quán ăn nhỏ, đều được tài trợ nguồn tài chính tiếp tục hoạt động. Và phải giảm thiểu số lao động bị mất việc.
Quy mô các gói cứu trợ đưa ra quá nhỏ và quá muộn
Trong tuần này, một số nghị sĩ tại Mỹ đặt vấn đề về các gói giải cứu kinh tế được đưa ra bởi chính quyền Trump.
Nhiều người cho rằng, phải đặt lợi ích của mỗi người lao động Mỹ và gia đình của họ lên trên hết, thay vì chỉ tập trung vào các công ty và tập đoàn lớn.
Nhà kinh tế Ian Shepherdson, trong buổi phỏng vấn với tờ CNBC gần đây, cũng đã đưa ra cảnh báo sẽ có thêm 2 triệu người Mỹ thất nghiệp, do tác động của đại dịch Covid-19 trong tuần tới.
Đồng ý với quan điểm này, chuyên gia Sorkin nhấn mạnh: "Hiện qui mô các gói cứu trợ đã đưa ra là quá nhỏ và được công bố quá muộn".
"Hơn nữa, các gói cứu trợ này chỉ tập trung giải cứu một số ngành công nghiệp đặc thù sẽ dẫn tới tâm lí bất bình trong công chúng", ông nói thêm.
Ông lí giải đề xuất trao tiền mặt cho các cá nhân và hộ gia đình của chính quyền Trump, sẽ không đem lại hiệu quả như mong đợi.
"Người lao động không chỉ cần tiền mặt, điều quan trọng nhất đối với họ bây giờ là một tương lai ổn định sau khi cuộc khủng hoảng chấm dứt. Họ cần có công việc để mưu sinh", Sorkin nói.
Theo ông, khoản cứu trợ 1.000 USD cho từng người sẽ không đủ để giúp người dân Mỹ tái khởi động cuộc sống, nếu sau dịch, một loạt các công ty phá sản dẫn đến tỉ lệ lao động thất nghiệp tăng cao.
Ông tự tin kế hoạch vay vốn không lãi của mình, sẽ giải quyết được vấn đề nan giải trên.
"Người lao động sẽ lại có niềm tin rằng cuộc sống của họ trở lại bình thường khi đại dịch được kiểm soát", ông nói. "Chương trình cũng sẽ khuyến khích mọi người làm việc tại nhà, đảm bảo duy trì "khoảng cách xã hội" trong khi không sợ bị mất việc".
Tuy nhiên, khi nhắc đến chi phí thực hiện, ông khẳng định cái giá mà chính phủ Mỹ phải trả cho biện pháp này sẽ "cực kì lớn, nếu khủng hoảng kéo dài đến 3 tháng".
Chính quyền Trump sẽ buộc phải cho vay hàng nghìn tỉ USD, thậm chí có thể chạm mốc 10.000 tỉ USD.
"Tương đương với 50% GDP Mỹ", chuyên gia Sorkin nhận định.
Nếu giả định 20% khoản hỗ trợ vay vốn không được hoàn trả, tổn thất của chính phủ Mỹ có thể trong khoảng từ hàng trăm đến hàng nghìn tỉ USD tiền thuế.
Tuy nhiên, ông nhận định "cái giá đắt" này vẫn chưa là gì, so với "những thiệt hại khủng khiếp nếu để nền kinh tế Mỹ bị tổn thương".
Chia sẻ với tờ New York Times, chuyên gia kinh tế Andrew Ross Sorkin cho rằng cách dễ nhất để thực hiện kế hoạch vay vốn này, là thông qua các ngân hàng dưới sự đảm bảo của chính phủ Mỹ.
"Các ngân hàng có thể tự nguyện thực hiện kế hoạch vay vốn này, để đền đáp lại những người đã bỏ tiền nộp thuế cho gói viện trợ đợt khủng hoảng tài chính năm 2008".
"Vả lại, nếu nền kinh tế sụp đổ, hệ thống ngân hàng cũng đi tong", chuyên gia Sorkin quả quyết.
Chuyên gia cũng cho rằng không nên bỏ qua các cá nhân kinh doanh tự do. Họ cũng cần được tiếp cận các khoản vay không lãi suất.
Ông đề xuất đối với những đối tượng này, có thể tính khoản hỗ trợ vay vốn dựa trên thu nhập trong 12 tháng trước đó của họ.
Đồng thời, chính phủ nên nghiêm cấm các công ty sử dụng khoản vay với mục đích khác, như gia hạn nợ cũ hoặc mua lại cổ phiếu.
"Mục tiêu lớn nhất của kế hoạch cho vay không lãi suất là đưa nền kinh tế trở lại trạng thái ban đầu, trước khi cuộc khủng hoảng diễn ra, gây ra ít tác động nhất có thể", chuyên gia Sorkin khẳng định.
"Trong cuộc chiến với khủng hoảng kinh tế, thời gian là kẻ thù lớn nhất", ông nói. "Với tình hình nền kinh tế giảm tốc chóng mặt như hiện tại, tỉ lệ thất nghiệp cũng sẽ sớm tăng vọt thôi, tại thời điểm này có thể nó đã ở mức 6%".
Ngay cả Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin gần đây cũng đã đưa ra cảnh báo tỉ lệ thất nghiệp quốc gia này có thể nhảy vọt lên đến 20%.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020