Các công ty Mỹ chật vật xoay sở giữa đại dịch Covid-19, hàng ngàn người lao động đã bị sa thải, mất việc làm

Các công ty tại Mỹ đang buộc phải cắt bớt thời gian làm việc, cho nghỉ phép không lương, sa thải nhân sự do các tác động của đại dịch Covid-19. Nhiều công ty nhỏ và vừa tại quốc gia này đang phải cắt giảm chi phí để có thể tồn tại.

Theo dữ liệu mới nhất được Challenger, Gray & Christmas công bố hôm 18/3, hơn 3.600 người Mỹ đã bị sa thải ở Mỹ, do đại dịch Covid-19 lan rộng, hầu hết trong số họ làm việc trong các ngành dịch vụ thư giãn và giải trí.

Con số này không bao gồm những nhân viên bị cắt giảm giờ làm việc tại các quán bar và nhà hàng ở hơn 10 tiểu bang và nhiều thành phố khác tại Mỹ, do các hình thức kinh doanh này đang phải đối mặt với nhiều hạn chế trong hoạt động.

Người Mỹ mất việc vì đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Các ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên từng ngõ ngách nền kinh tế Mỹ đã khiến hàng ngàn người dân ở đây mất việc, chật vật với cuộc sống mưu sinh. (Nguồn: Financial Times).

Người lao động Mỹ hiện nay từ bị cắt xén giờ làm đến phải làm bán thời gian, và sa thải

Dù nhiều công ty đang rất thận trọng với việc sa thải nhân sự, phần lớn các nhân viên đều bị cắt xén giờ làm, hoặc chuyển sang làm việc bán thời gian.

Nhiều chuyên gia kinh tế Mỹ cho rằng với tình hình hiện tại và khả năng chống chọi của các công ty nhỏ và vừa, khả năng tình hình sa thải nhân viên tiếp tục diễn ra là rất cao.

Trong thông báo của tiểu bang Texas, 60 nhân viên làm việc tại lễ hội South by Southwest, vừa bị hủy tổ chức mới đây, đã bị cho nghỉ việc.

Ryan Choura, chủ sở hữu một công ty tổ chức sự kiện ở thành phố Los Angeles, cho biết ông đã buộc phải chuyển gần 140 nhân viên chính thức của mình sang làm việc bán thời gian.

"Khách hàng hủy bỏ và hoãn tổ chức các sự kiện, như lễ hội âm nhạc điện tử Coachella, chúng tôi không còn cách nào khác", ông thở dài.

Các nhân viên khác đều đã bị ông cho thôi việc.

Người Mỹ mất việc vì đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Một khách sạn ở Las Vegas vắng bóng nhân viên lẫn khách. Các công ty kinh doanh dịch vụ giải trí phải giảm bớt nhân sự để tiết kiệm chi phí. (Nguồn: Wall Street Journal).

Molly Moon, một chuỗi cửa hàng bán kem với 8 chi nhánh ở Seattle, thường phải tuyển thêm nhân viên từ 120 công nhân lên 230, mỗi khi gần mùa hè do nhu cầu tăng cao.

Thứ Hai tuần này, CEO của Molly Moon – bà Neitzel, đã buộc phải thông báo quyết định sa thải 95 người, ngay sau khi thống đốc bang Washington yêu cầu đóng cửa tất cả các nhà hàng trên toàn tiểu bang.

Bà cho biết hiện công ty đang tập trung vào các đơn hàng hạn chế tiếp xúc, như mua mang về và giao hàng online.

"Sức ảnh hưởng của từng quyết định này hầu như đã đánh gục tôi", bà nói.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông David David Kelly - chiến lược gia toàn cầu tại jpmorgan Chase & Co, nhận định: "Mọi người sẽ sớm thấy sự gia tăng mạnh mẽ hơn số lao động  bị sa thải".

Liên đoàn lao động Unite Here là tổ chức đại diện cho quyền lợi của hơn 300.000 người lao động, làm việc trong các khách sạn, khu vui chơi, dịch vụ thực phẩm, sản xuất, dệt may, giặt ủi, vận chuyển và sân bay ở Mỹ và Canada.

Hôm 18/3, đại diện tổ chức thông báo dự kiến 80% đến 90% thành viên liên đoàn sẽ mất việc.

Mặt khác, số người mất việc làm tăng lên khiến lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp gia tăng nhanh chóng ở một số tiểu bang tại Mỹ.

Nếu thông thường mỗi tuần, tiểu bang Kentucky xử lí trung bình 2.000 trường hợp xin trợ cấp thất nghiệp, chỉ riêng ngày 17/3 chính quyền bang này đã nhận 9.000 đơn xin trợ cấp mới.

Các trang web của các cơ quan phúc lợi xã hội của hai bang New York và Oregon đã gặp trục trặc do số lượng người truy cập một lúc quá lớn.

Người Mỹ mất việc vì đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Không chỉ mối lo về sức khỏe, mối lo mưu sinh cũng đang đè nặng trên vai những người trụ cột trong các gia đình Mỹ. (Nguồn: Vox).

3 triệu người Mỹ mất việc vào mùa hè năm nay

Theo một cuộc khảo sát của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ năm 2018, khoảng 40% người Mỹ cho biết họ sẽ gặp khó khăn nếu phải chi trả 400 USD trong các trường hợp khẩn cấp, họ cần phải vay tiền từ gia đình hoặc bạn bè hoặc sử dụng thẻ tín dụng để chi trả.

Daniel Schneider - trợ lí giáo sư môn Xã hội học tại Đại học California, Berkeley - cho biết: "Điều này có nghĩa là, việc cắt giảm giờ làm đối với những người này, không khác gì việc sa thải họ cả".

Hôm 17/3, Viện Chính sách Kinh tế quốc gia này cũng đưa ra dự báo sẽ có ba triệu người mất việc làm tại Mỹ vào mùa hè năm nay.

Tim Burton, đồng sở hữu trang trại Burton's Maplewood rộng 28 mẫu ở Indiana, nổi tiếng với các mặt hàng xi-rô phong và mứt, những tháng gần đây đã phải thuê hàng chục nhân viên mới, để bán sản phẩm tại các sự kiện lớn.

Nhưng do các sự kiện này đã bị hủy bỏ, công ty đã buộc phải cắt giảm giờ làm việc cho nhân viên.

"Đây là một cú đòn không chỉ giáng lên mỗi hoạt động tại trang trại, mà còn lên các nhân viên của chúng tôi nữa", ông Tim Burton, đồng sở hữu trang trại chia sẻ.

Người Mỹ mất việc vì đại dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Trang trại Burton vốn từng phải tuyến thêm nhân viên cào vài tháng trước để giới thiệu sản phẩm, bây giờ buộc phải cắt bỏ giờ làm cho nhân viên. (Nguồn: Wall Street Journal).

Bruce Brown, chủ sở hữu một công ty cung cấp dịch vụ thực phẩm tại Phoenix, cho biết ông đang có kế hoạch cắt giảm giờ làm cho 7 nhân viên toàn thời gian của mình, sau khi hàng loạt sự kiện bị hủy bỏ.

Ông cho biết gần đây số người gọi phỏng vấn cho các vị trí bán thời gian cũng tăng lên, đã có khoảng 35 người liên hệ với ông xin vào làm việc.

Anh Jesse Gustafson, một đầu bếp bị sa thải khỏi công việc nấu ăn 14 USD/giờ ở một quán bar tại Portland, thở dài: "Việc này đang khiến tôi rất nản chí, và tôi cũng rất lo lắng cho bạn bè của tôi, họ toàn là bartender hoặc đầu bếp".

Theo bà Michele Evermore - nhà phân tích chính sách tại Dự án Luật Việc làm Quốc gia, nhiều người trong số các lao động làm việc theo ca bị cắt giảm giờ làm việc, có thể sẽ đủ điều kiện để được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Chính quyền ở mỗi tiểu bang đều có cung cấp khoản trợ cấp thất nghiệp một phần, hay người lao động có thể nhận được một số tiền bồi thường tùy theo số giờ làm việc, đã bị cắt giảm bởi chủ lao động của họ.

"Tuy nhiên, mỗi bang sẽ có qui định bồi thường khác nhau, và phần lớn người lao động chỉ được nhận khoản trợ cấp ít hơn 50% số tiền lương bị mất, do cắt giảm giờ làm việc của mình", bà Evermore nói thêm.

Bóng mây u ám bao trùm lên nhân sự ngành dầu khí, hàng không, du lịch 

Tình hình hạn chế nhân sự có thể sẽ lan sang lĩnh vực sản xuất năng lượng tại Mỹ, do giá các hợp đồng tương lai dầu West Texas tháng 4 chỉ dao động quanh mức 25 USD/ thùng ngày 18/3. Đây là mức thấp nhất trong vòng hơn 17 năm.

Người Mỹ mất việc vì đại dịch Covid-19 - Ảnh 5.

Bị buộc phải đóng cửa, các nhà hàng bị đưa vào tình thế phải giảm giờ làm việc, thậm chí sa thải nhân viên. (Nguồn: WAMU).

Tập đoàn Dầu khí Whiting Petroleum cho biết họ dự kiến sẽ cắt giảm toàn bộ một đội sản xuất trong tháng tới, do phía tập đoàn phải giảm khoản chi tiêu vốn dự kiến trong năm.

Công ty Dầu khí Callon cũng cho biết họ sẽ giảm từ 5 đội công nhân làm việc theo hợp đồng trong các dự án cắt phá thủy lực xuống còn 2 đội.

Công ty dịch vụ mỏ dầu lớn thứ hai thế giới Halliburton, cũng sẽ bắt đầu một đợt nghỉ phép bắt buộc vào tuần tới, trong đó có 3.500 nhân viên chỉ riêng ở thành phố Houston.

Công ty quản lí hệ thống khách sạn Marriott International, cũng vừa thông báo sẽ cho hàng chục nghìn nhân viên của mình nghỉ phép không lương, do đóng cửa các khách sạn của hãng trên toàn cầu.

Hãng hàng không Norwegian Air Shuttle AS A cũng cho biết kế hoạch sa thải tạm thời khoảng 7.300 nhân viên.

Còn hai hãng hàng không lớn của Mỹ, American Airlines và Delta Air Lines cũng đã yêu cầu nhân viên nghỉ phép không lương.

Bức tranh tổng thể đối với phần lớn doanh nghiệp và người lao động Mỹ đang bị một bóng mây u ám bao trùm.

Cô Melina Cordero, 31 tuổi, mới đây đã nhận thông báo mất hai công việc bán thời gian của mình, tại các công ty du lịch ở Puerto Rico.

"Tôi đang sống một mình, và hiện chỉ có đủ để trả tiền thuê nhà, chưa kể tôi vẫn còn nợ nhiều hóa đơn đang đến hạn trả", cô than thở.

Một người phụ nữ khác, cô Jenny Johnson - 25 tuổi, cũng gần như suy sụp khi nhận được thông báo vào tuần trước, rằng số giờ làm việc của cô tại một công ty nhân sự ở Seattle đã bị giảm xuống một nửa.

Người Mỹ mất việc vì đại dịch Covid-19 - Ảnh 7.

Trong khi các công ty khác buộc phải cắt giảm nhân sự, Amazon là một trong những số ít ỏi tuyển thêm nhân viên và tăng lương để đáp ứng nhu cầu tăng cao. (Nguồn: KTLA).

Jenny chia sẻ cô đã phải chuyển mối quan tâm sang những việc tích cực hơn, như dành nhiều thời gian bên cậu con trai 17 tháng tuổi và người chồng sắp cưới của mình.

Không lâu sau đó, chồng sắp cưới của cô là một nhân viên chuẩn bị gian bếp và máy rửa chén cho một nhà hàng, đã bị cắt bỏ toàn bộ ca làm việc của mình.

Việc này khiến Jenny rất lo lắng, vì với số giờ làm bị cắt đi một nửa, cô sẽ không có đủ khả năng chi trả tiền thức ăn cho cả gia đình, chưa kể đến việc thanh toán hóa đơn tiền điện sắp tới. 

"Tôi đang rất sợ hãi", cô nói.

Vào hôm thứ Ba, Jenny đã bị công ty cho thôi việc.

Tuy nhiên, một số ít các công ty khác đang rục rịch tuyển dụng thêm nhân viên, để đáp ứng nhu cầu, điển hình là các chuỗi siêu thị tại Mỹ.

Nền tảng thương mại điện tử Amazon đang có kế hoạch thuê thêm 100.000 nhân viên chỉ riêng ở Mỹ, do lượng đơn đặt hàng điện tử tăng đột biến.

Công ty này đã tăng mức lương thêm 2 USD/giờ làm việc từ đây cho đến hết tháng 4, tại thị trường nội địa Mỹ và Canada.

chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.