Hơn 23.000 lao động ở Đà Nẵng tạm thời mất việc do Covid-19

Theo Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng, tính đến thời điểm này toàn ngành có hơn 23.000/35.000 lao động của 800 doanh nghiệp du lịch bị mất việc tạm thời, trong đó hơn 1.000 lao động khối lữ hành, 4.000 hướng dẫn viên, 18.000 lao động khối dịch vụ (khách sạn, vận chuyển, điểm đến).

Cắt giảm nhân sự

Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp du lịch tại TP Đà Nẵng gặp khó trong việc kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải gồng mình chi trả những khoản phí vốn có, để hạn chế tối đa việc chi tiêu doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự hoặc cho nhân viên nghỉ việc tạm thời.

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Đức Quỳnh - Phó Tổng Giám đốc Furama Resort Đà Nẵng, cho biết tình hình kinh doanh của các cơ sở lưu trú hiện đang “cầm cự”, một số khách sạn và khu nghỉ dưỡng đang tính phương án đóng cửa, hoặc cho nhân viên nghỉ không lương, một số khách sạn có tiềm lực tài chính tốt thì tập trung vào tiết kiệm chi phí, tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực và bảo trì bảo dưỡng cơ sở vật chất.

"Chúng tôi cũng tập trung duy trì lượng khách hàng quen thuộc và kết hợp với các hãng hàng không đang có các chương trình kích cầu để đưa ra các gói khuyến mãi hấp dẫn cho du khách", ông Quỳnh cho hay.

Hơn 23.000 lao động ở Đà Nẵng tạm thời mất việc do Covid-19 - Ảnh 1.

Do ảnh hưởng của Covid-19, hơn 23.000 lao động thuộc ngành du lịch tại Đà Nẵng tạm thời mất việc.

“Đối với Furama thì hiện tại vẫn đang tiến hành trả phép và nghỉ bù cho nhân viên. Tuy nhiên, những tháng tới tình hình kinh doanh không cải thiện thì sẽ bàn tới một số biện pháp khác, nhưng sẽ tính đến thu nhập tối thiểu để nhân viên có thể đảm bảo cuộc sống”, ông Quỳnh nói.

Cùng chung cảnh ngộ với nhiều khách sạn trên địa bàn TP Đà Nẵng, đại diện khách sạn Nam Hotel (quận Sơn Trà – TP. Đà Nẵng) cho biết vì khách du lịch đến Đà Nẵng giảm, đặc biệt là khách quốc tế, đồng nghĩa với việc những khách sạn cũng bị sụt giảm doanh thu nghiêm trọng. “Chúng tôi phải cắt giảm số lượng nhân viên của các ca, đồng thời cho nhân viên nghỉ phép. Như vậy mới có thể duy trì qua mùa dịch Covid-19”, đại diện khách sạn nói.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, hiện các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn trên địa bàn  Đà Nẵng đang gặp rất nhiều khó khăn. Công suất sử dụng buồng phòng thời điểm này giảm mạnh, hiện chỉ duy trì ở mức khoảng 10-20% công suất, giảm 50-60% so với cùng kì.

Hơn 23.000 lao động ở Đà Nẵng tạm thời mất việc do Covid-19 - Ảnh 2.

Nhiều khách sạn đìu hiu trong thời gian vừa qua.

“Nhiều khách sạn đã bắt đầu đóng cửa để cắt lỗ, tính phương án giảm nhân sự đến mức tối đa, chia ca làm việc để giảm chi phí tiền lương, đồng thời thu hẹp hoạt động”, ông Dũng cho hay.

Theo Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, tính đến thời điểm này toàn ngành có hơn 23.000/35.000 lao động của 800 doanh nghiệp du lịch bị tạm thời mất việc, trong đó hơn 1.000 lao động khối lữ hành, 4.000 hướng dẫn viên, 18.000 lao động khối dịch vụ (khách sạn, vận chuyển, điểm đến).

Cầu cứu trước khi phá sản

Đà Nẵng là một trong những địa phương mà ngành du lịch bị thiệt hại năng nhất do dịch Covid-19. Tính đến thời điểm này, có thể ước tính lượng khách Quốc tế giảm khoảng 30-40%, lượng khách trong nước giảm khoảng trên dưới 20% so với năm 2019, tương ứng với số giảm thu từ du khách khoảng 700-800 triệu USD.

Trước những khó khăn đó, Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng đã kiến nghị Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước khi họ phá sản.

Hơn 23.000 lao động ở Đà Nẵng tạm thời mất việc do Covid-19 - Ảnh 3.

Thiệt hại từ du khách khoảng 700-800 triệu USD.

Chẳng hạn như giảm tiền thuê đất, cho phép chậm nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm phí tham quan, miễn giảm lệ phí visa, hỗ trợ kinh phí xúc tiến du lịch, đầu tư cho doanh nghiệp vào một số thị trường lớn, hỗ trợ miễn giảm lãi suất, giãn nợ hoặc khoanh nợ đối với các khoản vay của các doanh nghiệp du lịch.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh cho biết, trước tác hại của Covid-19 gây ra, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cùng chia sẻ các kinh nghiệm quản lí cũng như xử lí khủng hoảng về dịch bệnh với các đơn vị khác là cần thiết.

Theo ông Quỳnh, mỗi một doanh nghiệp sẽ phải tự đánh giá sức khoẻ của đơn vị mình để đưa ra những giải pháp thích hợp, ví dụ dừng hoạt động, sắp xếp lại nhân sự và cơ cấu nhân sự, liên kết với nhau để chuyển khách cho nhau để tăng lượng tỷ lệ kín phòng, hạn chế lỗ….

Bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp vượt khó trong mùa dịch Covid-19, ngành du lịch Đà Nẵng cũng cần phải có những hướng phát triển ngắn hạn và dài hạn để khôi phục ngành du lịch Đà Nẵng hậu Covid-19.

Ông Cao Trí Dũng cho biết, để khôi phục nguồn khách đến với TP Đà Nẵng trong thời gian tới cần phải phát triển theo 2 hướng đó là : Chọn các thời điểm thích hợp để triển khai mạnh mẽ các chương trình kích cầu cho du khách trong nước và sau đó là du khách quốc tế; đầu tư triển khai nhiều sản phẩm mới, trong đó cụ thể là sản phẩm đi vịnh, sản phẩm trên sông, các hoạt động vui chơi giải trí về đếm như công viên mở Sun World, chợ đêm, show diễn, phố đi bộ...

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.