Dịch Covid-19 đẩy ngành du lịch thế giới chịu cú sốc tồi tệ nhất kể từ thảm họa 11/9, hàng triệu người sẽ mất việc làm

Không có lĩnh vực nào chịu thiệt hại nặng nề từ dịch bệnh Covid - 19 hơn ngành du lịch, CNN Business đưa nhận định.

Đây là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất thế giới, với doanh thu hàng năm lên tới 5,7 nghìn tỉ USD. Du lịch chịu trách nhiệm tạo ra việc làm cho khoảng 319 triệu người trên khắp hành tinh. Không có lĩnh vực nào chịu thiệt hại nặng nề từ dịch bệnh Covid - 19 hơn ngành du lịch, CNN nhận xét.

Ngành du lịch đã bị ảnh hưởng to lớn do việc hạn chế đi lại và các tour tham quan, nghỉ dưỡng đều bị huỷ bỏ. Tuy nhiên đó mới chỉ là khởi đầu.

Một số chuyên gia nói rằng đây có thể là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất đối với ngành công nghiệp không khói kể từ sau vụ khủng bố ngày 11/9 ở Mỹ..

“Du lịch đứng đầu chiến tuyến, là ngành chịu áp lực trực tiếp và ngay lập tức từ ảnh hưởng của dịch bệnh”, Mark Zandi - nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics nói.

Du lịch là ngành kinh tế trọng yếu của nhiều quốc gia

Ngành du lịch thế giới chịu cú sốc tồi tệ nhất kể từ thảm hoạ 11/9 vì virus Covid - 19 - Ảnh 1.

Du lịch là ngành kinh tế trọng yếu của nhiều quốc gia. (Ảnh: CNN).

Cú đấm mạnh vào ngành du lịch có khả năng trở thành lực cản đối với nền kinh tế toàn cầu nếu virus Covid - 19 tiếp tục lan rộng trên toàn thế giới. 

“Điều này rất quan trọng. Nếu bạn đo lường toàn bộ tác động của du lịch đối với nền kinh tế, sẽ thấy nó lớn hơn bất kì ngành nào khác trên thế giới. Không có ngành nào khác có thể chiếm 1/10 số công ăn việc làm trên toàn cầu như du lịch”, Adam Sacks - Chủ tịch của Tourism Economics, cho biết.

“Một phần vì đây là ngành công nghiệp đa dạng, bao gồm rất nhiều công việc mà bạn chưa bao giờ biết tới”, Sacks nói. “Bên cạnh hàng không và khách sạn. Du lịch còn là một phần của bán lẻ, một phần của nhà hàng và một phần của công nghệ”. 

Đã có một sự sụt giảm doanh số ngành du lịch mạnh mẽ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không chỉ ở riêng thị trường Trung Quốc, tâm chấn của dịch bệnh, mà còn ở cả các quốc gia châu Á khác. 

Tuần này, hãng bay United Airlines của Mỹ tiết lộ nhu cầu của thị trường Trung Quốc gần như rơi xuống mức 0, và giảm khoảng 75% đối với các tuyến còn lại trên khắp châu Á.

Người Trung Quốc đã trở thành một trong những sắc dân “chăm đi” du lịch nhất trên thế giới, với khoảng 180 triệu hộ chiếu, so với 147 triệu hộ chiếu từ Mỹ. Và các hoạt động du lịch của người Trung Quốc gần như đã bị dừng lại do dịch bệnh bùng phát. 

Các hội nghị kinh doanh quan trọng bị huỷ bỏ

Sự sụp đổ trong ngành du lịch đã mở rộng ra ngoài thị trường Trung Quốc.

Một số hội nghị lớn dự kiến sẽ thu hút hơn 100.000 người tham dự, cũng đã bị huỷ bỏ ngay cả khi vùng đó chưa xảy ra dịch. Bởi lo ngại những người đi từ vùng dịch tới có thể phát tán virus Covid - 19 cho những người khác.

Ngành du lịch thế giới chịu cú sốc tồi tệ nhất kể từ thảm hoạ 11/9 vì virus Covid - 19 - Ảnh 2.

Các hội nghị kinh doanh quan trọng bị huỷ bỏ. (Ảnh: CNN).

Các Hội nghị quan trọng đã bị huỷ bỏ trong thời gian vừa qua, bao gồm MWC (Mobile World Congress) ở Barcelona, một triển lãm quan trọng của ngành di động thế giới; Geneva Motor Show; Hội nghị F8 dành cho các nhà phát triển của Facebook, và thậm chí là một hội nghị chuyên biệt ITB Berlin của riêng ngành du lịch, dự kiến sẽ thu hút khoảng 160.000 người tham gia, cũng đã bị huỷ bỏ vì dịch bệnh.

Có thể thấy, không chỉ các tour du lịch bị ngừng trệ, các hội nghị triển lãm lớn bị huỷ bỏ, mà ngay cả các chuyến công tác giờ đây cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bởi không một công ty nào muốn thấy nhân viên của mình gặp phải những rủi ro dịch bệnh. 

Các công ty lớn như Amazon đã yêu cầu nhân viên hạn chế đi lại nếu không thật cần thiết. 

Khảo sát 400 doanh nghiệp của Hiệp hội Kinh doanh du lịch toàn cầu, cho thấy gần nửa số doanh nghiệp nói rằng đã có ít nhất một cuộc họp kinh doanh bị huỷ vì dịch Covid - 19.

Scott Solombrino, Giám đốc điều hành một tập đoàn thương mại, cho biết nhu cầu đi lại của mọi người gần như đã xuống rất thấp, tương đương với thời điểm sau vụ 11/9. “Nếu dịch Covid - 19 trở thành đại dịch, ngành công nghiệp có thế mất hàng tỉ USD”, vị Giám đốc chia sẻ.

Không chỉ là kinh doanh du lịch. Những người Mỹ thường có thói quen đi du lịch vào mùa xuân và mùa hè trong năm, cũng đang phải cân nhắc nâng lên hạ xuống trước khi quyết định lên kế hoạch vui chơi.

Một cuộc khảo sát với 1.200 người trưởng thành tại Mỹ của Kaiser Family Foundation, cho thấy khoảng 1/8 người này đã thay đổi kế hoạch đi du lịch của họ do lo ngại virus Covid - 19.

Hàng triệu sẽ người mất việc làm

Ngành du lịch thế giới chịu cú sốc tồi tệ nhất kể từ thảm hoạ 11/9 vì virus Covid - 19 - Ảnh 3.

Hàng triệu người có thể bị mất việc, hoặc bị giảm thời gian làm việc nếu nhu cầu đi lại tiếp tục bị suy giảm. (Ảnh: CNN).

Cho đến nay, vẫn chưa có sự cắt giảm nhân sự lớn nào trong ngành du lịch được công bố. Tuy nhiên, hàng triệu người có thể bị mất việc, hoặc bị giảm thời gian làm việc nếu nhu cầu đi lại tiếp tục bị suy giảm. 

Điều này đặc biệt đối với các công việc dịch vụ được trả lương thấp như dọn phòng khách sạn, phục vụ bàn tại nhà hàng,…

“Công nhân có thu nhập thấp sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất”, Sung Won Sohn - Giáo sư ngành kinh tế tại Đại học Loyola Marymount, nói. “Họ sẽ phải cắt giảm chi tiêu ngay lập tức. Điều này sẽ tạo ra hiệu ứng tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu”.

Ông nói rằng sự sụt giảm trong các hoạt động kinh tế trên toàn cầu có thể lên tới hơn 1.000 tỉ USD.

Mặc dù vậy, các chuyên gia không tin rằng cú đánh vào ngành du lịch đủ châm ngòi cho một cuộc suy thoái toàn cầu. Song họ thừa nhận rằng dịch Covid - 19 đang có tác động sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu. 

Tuần qua đã ghi nhận sự sụt giảm mạnh trong thị trường tài chính, dẫn tới việc hàng trăm tỉ USD tài sản bị bốc hơi. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị tê liệt, khiến các nhà sản xuất và bán lẻ lao đao. Giá năng lượng giảm, sản xuất giảm do nhu cầu tiêu dùng giảm. Tất cả những yếu tố trên có thể kết hợp với những thiệt hại trong ngành công nghiệp du lịch để tạo ra một cuộc Đại suy thoái toàn cầu. 

“Tôi không cho rằng chúng ta đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của nền kinh tế. Điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra”, vị Giáo sư tại Đại học Loyola Marymount dự báo.