Châu Âu thành ổ dịch Covid-19, Ngân hàng Trung ương công bố mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 820 tỉ USD

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã phát động chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 820 tỉ USD, để trấn an thị trường và bảo vệ nền kinh tế khu vực đồng euro. Hiện các quốc gia châu Âu đang phải gồng mình để đối phó với đại dịch Covid-19.

Đây cũng là chương trình mua trái phiếu lớn nhất, và chưa có tiền lệ của ECB. Việc chấp nhận mua lại các thương phiếu là điều mới mẻ đối với tổ chức này.

ECB công bố chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 820 tỉ USD - Ảnh 1.

Chương trình mua trái phiếu khổng lồ của ECB được đưa ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tàn phá thị trường tài chính toàn cầu. (Nguồn: MarketWatch).

ECB mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 750 tỉ euro để trấn an thị trường giữa dịch bệnh 

Sau một loạt các biện pháp và gói hỗ trợ được đưa ra bởi Ngân hàng Trung ương châu Âu và chính phủ các nước, mới đây, ECB đã công bố chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 750 tỉ euro (tương đương 820 tỉ USD), với mục đích bơm thanh khoản vào thị trường, và trấn an công chúng.

Chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 750 tỉ euro này được đưa ra sau một cuộc họp đột xuất tối thứ Tư.

Đây là biện pháp tăng cường mới nhất trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng trên toàn cầu, gây áp lực leo thang cho một cuộc suy thoái kinh tế thế giới trong năm nay.

Giới chức châu Âu cũng đang cân nhắc huy động một quĩ cứu trợ khu vực, nhằm hỗ trợ các quốc gia với nguồn ngân sách hạn chế, có chi phí vay tăng đột biến, sau khi công bố các gói chi tiêu bổ sung cho các biện pháp phòng chống đại dịch.

Trong bài đăng trên Twitter ngày 18/3, bà Christine Lagarde, Chủ tịch ECB, nhận định: "Những thời điểm bất thường đòi hỏi những hành động phi thường. Chúng tôi sẽ không đặt ra giới hạn nào đối với đồng euro".

"Chúng tôi quyết tâm sẽ sử dụng toàn bộ các công cụ hiện có, trong phạm vi ủy quyền của chúng tôi", bà tuyên bố.

ECB công bố chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 820 tỉ USD - Ảnh 2.

Lãnh đạo ECB tuyên bố sẽ dùng mọi cách để cứu đồng euro. (Nguồn: Republica).

Chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 750 tỉ euro được đưa ra trong cuộc họp ngày thứ Tư, sẽ có những tiêu chí sau:

- Chương trình mua tạm thời các loại chứng khoán khu vực công và tư, trị giá 750 tỉ euro kéo dài ít nhất đến cuối năm 2020.

Chương trình mua khẩn cấp này sẽ bao gồm tất cả các tài sản đủ điều kiện theo chính sách nới lỏng định lượng hiện tại, chương trình cũng sẽ được mở rộng ra các loại thương phiếu nếu đủ chất lượng tín dụng.

- Các khoản nợ của chính phủ Hy Lạp cũng được áp dụng trong chương trình mua lại này, từ bỏ các qui tắc hiện hành.

- Các tiêu chuẩn cho tài sản thế chấp sẽ được nới lỏng bằng cách điều chỉnh một số thông số rủi ro.

- Chương trình tiếp tục cho đến khi ECB nhận thấy giai đoạn khủng hoảng của đại dịch đã kết thúc, nhưng sẽ không kết thúc trước cuối năm 2020.

- ECB sẽ xem xét tăng giới hạn đối với các chính sách nới lỏng định lượng của khối, và sẵn sàng tăng qui mô của chương trình mua khẩn cấp này nếu cần thiết.

"Sẽ không chấp nhận bất kì nguy cơ nào trong việc truyền tải các chính sách tiền tệ của mình cho tất cả các khu vực pháp lí thuộc khu vực đồng euro", ECB cho biết.

ECB công bố chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 820 tỉ USD - Ảnh 3.

Các chính phủ trong khối đồng tiền chung châu Âu đang phải chịu áp lực nặng nề do sự bùng phát mạnh mẽ của virus Covid-19. (Nguồn: POLITICO Europe).

 Chưa có tiền lệ của ECB

Thông báo này được ECB công bố vào ngày 18/3, chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp - Bruno Le Maire, kêu gọi ECB "cần can thiệp khẩn cấp với phạm vi lớn" sử dụng tất cả các công cụ của mình.

Đây cũng là chương trình mua trái phiếu lớn nhất, và chưa có tiền lệ của ECB. Việc chấp nhận mua lại các thương phiếu là điều mới mẻ đối với tổ chức này.

"Rõ ràng các ngân hàng trung ương đang cho thấy họ sẽ sử dụng mọi công cụ có để hỗ trợ thị trường tài chính và duy trì vài trò của họ", ông Eb Ebimim Rahbari, Giám đốc Kinh tế toàn cầu của Citigroup, chia sẻ sau khi quyết định của ECB được đưa ra.

"Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn cần phải nới lỏng tài chính hơn nữa, cũng như cần giảm rủi ro tín dụng phân khúc tư nhân hơn nữa, để thị trường tài chính ổn định lâu dài hơn", ông nói thêm.

ECB công bố chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 820 tỉ USD - Ảnh 4.

Từ chăm sóc sức khỏe y tế đến khủng hoảng thị trường tài chính gánh chịu hậu quả nặng nề, châu Âu đang gồng mình chiến đấu với đại dịch Covid-19. (Nguồn: Hollywood Reporter).

Sau nhiều biện pháp kích thích nền kinh tế liên tiếp của ECB, giá các hợp đồng tương lai euro và USD đã có dấu hiệu khả quan.

Tuy nhiên, quyết định xem xét tăng giới hạn các tiêu chuẩn nới lỏng định lượng có thể gây nhiều tranh cãi. Các giới hạn này được thiết lập vào năm 2015, nhằm giải quyết khả năng các ngân hàng trung ương có thể vi phạm luật của Liên minh châu Âu, bằng cách tài trợ cho các chính phủ.

Đại dịch Covid-19 hoành hành đã chuyển cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu thành cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.

Hoạt động sản xuất của hàng loạt nhà máy bị gián đoạn, các dịch vụ cung ứng ngừng hoạt động, đã và đang gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính diện rộng, khiến cho cộng đồng đầu tư tranh nhau thoát khỏi thị trường, đẩy chi phí vay tăng vọt.

Các ngân hàng tại châu Âu đã được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bơm vào 130 tỉ USD vào thứ Tư, nhằm giảm bớt căng thẳng tài chính trong khu vực do đại dịch virus Covid-19 gây ra, sau khi đã vay 109,1 tỉ euro từ ECB.

Đây là cuộc chạy vốn lớn nhất của các ngân hàng tại châu Âu, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hơn một thập kỉ trước.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.