Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, trong 8 nhóm đối tượng cần giải quyết hỗ trợ theo Quyết định 15 của Thủ tướng, có 2 nhóm đang khó tiếp cận chính sách này.
Sở cho biết nhóm thứ nhất là chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn không lãi suất từ Ngân hàng Chính sách Xã hội trong 12 tháng, để trả lương cho người lao động.
Cụ thể, tính đến ngày 12/5, tại thành phố chỉ mới có 1 hồ sơ của doanh nghiệp đang được xem xét vay tiền từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, để trả lương cho người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Nguyên nhân là Quyết định 15 hiện ràng buộc doanh nghiệp phải chứng minh không có nợ xấu tính đến ngày 31/12/2019, phải chứng minh có 50% người lao động bị nghỉ việc vì dịch Covid-19, và chỉ đủ khả năng trả 50% lương cho số lao động còn lại.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM cho rằng điều kiện này rất khó, khắt khe và chưa phù hợp với thực tế thành phố, vì doanh nghiệp muốn giữ chân người lao động, không khi nào cho ngừng việc, hoãn việc đến 50%.
Theo thống kê, TP HCM có khoảng 420.000 doanh nghiệp với 98% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhưng hiện chỉ có 71 doanh nghiệp đăng kí, chưa rà soát các điều kiện đảm bảo và chỉ mới có 1 doanh nghiệp đang được xem xét vay tiền không lãi suất từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu phản ánh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, khi than khó tiếp cận gói vay trả lương người lao động với lãi suất 0%.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải bảo đảm chính sách hỗ trợ được thực hiện nhanh, thuận lợi, đúng đối tượng, không để lạm dụng, trục lợi.
Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết một đối tượng cần được hỗ trợ khác đang gặp khó là nhóm hộ kinh doanh. Theo quy định, để nhận được mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng phải chứng minh doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm.
Hiện có 3.800 hộ kinh doanh đăng kí gói hỗ trợ này, nhưng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM cho rằng điều kiện để nhận hỗ trợ cũng không phù hợp với thực tế trên địa bàn, và có khả năng tỉ lệ thụ hưởng sẽ không cao.
Lí do là 1 hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, nghĩa là ở mức 9 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 280.000 đồng/ngày. Lãnh đạo Sở cho rằng với mức doanh thu này thì hộ kinh doanh không thể sống tại TP HCM.
Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, cho biết dự kiến nếu thấy điều kiện nhận hỗ trợ không phù hợp sẽ tham mưu lãnh đạo TP HCM vận dụng cơ chế đặc thù năng động, sáng tạo, đúng pháp luật, phù hợp thực tiễn của thành phố để hỗ trợ doanh nghiệp.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh với lãnh đạo TP HCM, đang gặp khó về việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM Chu Tiến Dũng cho biết theo kết quả khảo sát của Hiệp hội, có đến 61% doanh nghiệp trên địa bàn cho biết gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các chính sách hỗ trợ.
Trong khi 28% doanh nghiệp cho rằng quy trình, thủ tục phức tạp; 14% doanh nghiệp đánh giá cơ quan hướng dẫn chưa nhiệt tình; 9% không giữ được người lao động để hoạt động.
Ông Dũng cho rằng các rào cản trong chứng minh thiệt hại do Covid-19 khiến quá trình triển khai các gói hỗ trợ kéo dài. Ngay cả khi đáp ứng điều kiện của các ngân hàng, số vốn giải ngân cũng không đáp ứng được nhu cầu tái đầu tư sản xuất của doanh nghiệp.
Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM đề xuất thành phố cần quan tâm, chỉ đạo tập trung một số hoạt động để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020