Lợi nhuận ngân hàng giữa dịch Covid-19: Ông lớn mất nghìn tỉ, nhà băng nhỏ lãi tăng gấp 2-3 lần

Lợi nhuận Vietcombank, Vietinbank, BIDV giảm hơn nghìn tỉ đồng 3 tháng đầu năm vì Covid-19. Trong khi đó, nhóm ngân hàng tư nhân, đặc biệt là ngân hàng quy mô nhỏ như Viet A Bank, VietBank, SeABank… lại ngược dòng, tăng trưởng lợi nhuận gấp 2-3 lần so với cùng kì năm ngoái.

Hầu hết ngân hàng đều đã công bố kết quả kinh 3 tháng đầu năm 2020, đây cũng là quý ngành tài chính ngân hàng đa phần có kết quả kinh doanh không tốt, bởi đại dịch Covid-19.

Nhìn vào lợi nhuận đạt được của các nhà băng, có thể thấy trong khi nhóm ngân hàng lớn bị thiệt hại nặng nề, lợi nhuận sụt giảm đến hàng nghìn tỉ đồng thì nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ hơn lại tăng trưởng ấn tượng, thậm chí tăng gấp 2-3 lần so với cùng kì năm ngoái.

Vietcombank, Vietinbank, BIDV mất nghìn tỉ đồng lợi nhuận

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vốn luôn giữ vị trí quán quân về lợi nhuận trong hệ thống ngân hàng với kết quả tăng trưởng hàng năm trên hai con số nhưng cũng đã "ngấm đòn" vì Covid-19 trong quý I/2020. 

Lợi nhuận ngân hàng quý I/2020: 'Ông lớn' mất nghìn tỉ, nhà băng nhỏ lãi tăng gấp 2-3 lần - Ảnh 1.

3 tháng đầu năm 2020, lãi ròng của Vietcombank đã sụt giảm 11%, và vẫn tiếp tục dẫn đầu về lợi nhuận trong toàn hệ thống. (Ảnh: VCB).

Dù thu nhập lãi thuần, lãi từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối của đều tăng nhẹ so với quý I/2019, nhưng chi phí hoạt động của nhà băng này lại tăng mạnh. Đặc biệt, trong kì, Vietcombank trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh đến 43%, từ 1.506 tỉ của năm ngoái tăng lên thành 2.152 tỉ đồng.

Việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên thêm gần 650 tỉ đã kéo lợi nhuận ròng 3 tháng đầu năm của Vietcombank xuống còn 4.183 tỉ đồng, giảm 11% so với cùng kì năm ngoái.

Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết thực tế, lợi nhuận của ngân hàng phải chia sẻ với khách bị ảnh hưởng vì Covid-19, qua các đợt giảm lãi suất trong quý I và II có thể hơn 2.240 tỉ đồng. Trước mắt, 3 tháng đầu năm, lãi ròng của Vietcombank đã sụt giảm 11%, nhưng vẫn tiếp tục dẫn đầu về lợi nhuận trong toàn hệ thống. 

Không chỉ Vietcombank, các ngân hàng còn lại trong nhóm cổ phần nhà nước cũng sụt giảm đáng kể về lợi nhuận, vì tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Tại Vietinbank, lãi thuần tăng 6% đạt 8.418 tỉ đồng, hoạt động dịch vụ khác đều tăng trưởng so với cùng kì. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên gần 4.493 tỉ đồng, tăng 36% khiến lợi nhuận sau thuế của ngân hàng chỉ còn 2.405 tỉ đồng, giảm 5% so với cùng kì năm ngoái. Với kết quả này, Vietinbank giữ vị trí thứ ba về lợi nhuận.

Lợi nhuận ngân hàng quý I/2020: 'Ông lớn' mất nghìn tỉ, nhà băng nhỏ lãi tăng gấp 2-3 lần - Ảnh 2.

Lợi nhuận ròng quý I/2020 của BIDV sụt giảm nghiêm trọng so với quý I hàng năm. (Đồ hoạ: Quốc Minh).

Sụt giảm lợi nhuận nghiêm trọng nhất trong nhóm "Big 4" ngân hàng là BIDV. Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của BIDV cho biết thu nhập lãi thuần tăng 7%, đạt 9.149 tỉ đồng. Hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và chứng khoán kinh doanh đều khởi sắc, tăng mạnh so với cùng kì.

Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tăng khá mạnh từ 5.187 tỉ lên thành 6.041 tỉ đồng khiến lợi nhuận ròng sau thuế bị kéo giảm xuống chỉ còn 1.444 tỉ đồng, giảm đến 28% so với quý I/2019. Đây cũng là mức lợi nhuận 3 tháng đầu năm thấp nhất của BIDV trong nhiều năm trở lại đây.

Mức giảm lớn đã khiến lợi nhuận BIDV kém xa các ngân hàng như Techcombank, MB, VPBank và bị cả ACB vượt mặt.

Nhóm Techcombank, MB, VPBank, ACB làm ăn ra sao?

Trong khi nhóm "Big 4" sụt giảm về lợi nhuận thì một loạt các ngân hàng như Techcombank, VPBank, ACB, HDBank, OCB, VIB… đều tăng trưởng khá tốt trong 3 tháng đầu năm.

Tại Techcombank, ngân hàng này cũng tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gấp 4,6 lần so với cùng kì năm ngoái, lên 772 tỉ đồng nhưng nhờ các khoản thu nhập khác tăng mạnh khiến lợi nhuận của nhà băng vẫn tăng trưởng 20%. 

Lợi nhuận ngân hàng quý I/2020: 'Ông lớn' mất nghìn tỉ, nhà băng nhỏ lãi tăng gấp 2-3 lần - Ảnh 3.

Lợi nhuận ròng quý I/2020 của Techcombank tăng trưởng 20% so với cùng kì năm ngoái, đạt 2.506 tỉ đồng. (Ảnh: Tri thức trực tuyến).

Cụ thể, trong kì, thu nhập lãi thuần tăng 23% lên 4.212 tỉ đồng, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 73%, đạt 862 tỉ đồng, chứng khoán đầu tư tăng gấp gần 9 lần, mang về 557 tỉ đồng.

Kết quả, lợi nhuận ròng quý I/2020 của Techcombank vẫn tăng trưởng 20% so với cùng kì năm ngoái, đạt 2.506 tỉ đồng và đứng thứ hai trên bảng xếp hạng sau Vietcombank, vượt hai "ông lớn" Vietinbank và BIDV.

Tuy nhiên, trong nhóm 5 ngân hàng dẫn đầu lợi nhuận 3 tháng đầu năm thì VPBank là ngân hàng có mức tăng trưởng ấn tượng nhất. Kết thúc quý I, lợi nhuận sau thuế của nhà băng này tăng đến 63% so với cùng kì năm ngoái, đạt 2.314 tỉ đồng.

Trong kì, thu nhập lãi thuần của VPBank tăng 14%, lên 8.021 tỉ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ  tăng 33%, đạt 695 tỉ đồng, lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh gấp 87 lần so với cùng kì, đạt 218, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư tăng 208% với con số 521 tỉ đồng.

Vì vậy, dù dự phòng rủi ro tín dụng tăng 16%, từ mức 3.204 tỉ lên thành 3.712 tỉ nhưng lợi nhuận ròng của VPBank vẫn tăng ấn tượng 63%, đạt 2.314 tỉ đồng.

Trong nhóm 10 ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận quý I/2020, mức tăng trưởng của OCB còn đáng kinh ngạc hơn cả VPBank, khi tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kì năm ngoái.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng 31%, đạt 4.115 tỉ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 21%, lên 151 tỉ đồng, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư tăng gấp 3,4 lần, đạt 653 tỉ. Khoản trích lập chi phí dự phòng của OCB 3 tháng đầu năm tăng 2,3 lần lên 370 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, với mức tăng thu nhập ấn tượng nên lãi ròng của ngân hàng vẫn đạt 886 tỉ đồng, tăng 2,1 lần so với cùng kì năm ngoái. Kết quả này giúp OCB "ghi tên" vào nhóm 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất 3 tháng đầu năm 2020, vượt mặt cả VIB và đẩy TPBank ra khỏi danh sách.

Lợi nhuận ngân hàng quý I/2020: 'Ông lớn' mất nghìn tỉ, nhà băng nhỏ lãi tăng gấp 2-3 lần - Ảnh 4.

Top 10 ngân hàng có lợi nhuận ròng cao nhất quý I/2020. (Đồ hoạ: Quốc Minh).

Nhóm các ngân hàng còn lại trong top 10 nhà băng có lợi nhuận cao nhất ghi nhận tăng trưởng trên hai con số, là ACB (1.537 tỉ đồng, tăng 13%), HDBank (1.001 tỉ đồng, tăng 14%), VIB (860 tỉ đồng, tăng 33%). Riêng MB trong quý I, lợi nhuận giảm 8%, còn 1.783 tỉ đồng.

Ngân hàng quy mô nhỏ tăng trưởng lợi nhuận gấp 2-3 lần

Đặc biệt, trong quý đầu năm 2020, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ lại tăng trưởng gấp 2-3 lần so với cùng kì năm ngoái.

Mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất 3 tháng đầu năm thuộc về VietABank, khi ghi nhận lãi tăng gấp 3,5 lần lên 81 tỉ đồng. Mức tăng trưởng vượt bậc của VietABank nhờ thu nhập lãi thuần, kinh doanh ngoại hối và đầu tư chứng khoán tăng đột biến. Cùng kì năm ngoái, nhà băng này không trích lập quỹ dự phòng, trong khi con số trích lập dự phòng năm nay cũng chỉ 4 tỉ đồng. 

VietBank cũng có lợi nhuận sau thuế quý I/2020 tăng đến 134%, đạt 183 tỉ đồng. Đóng góp lớn nhất cho VietBank trong kì là chứng khoán đầu tư tăng 12 lần, đạt 159 tỉ đồng. Mảng kinh doanh ngoại hối tăng 8,3 lần, đạt 13 tỉ. Đóng góp từ hoạt động khác cũng tăng hơn 100% so với cùng kì năm ngoái.

So với quý I/2019, VietBank tăng 26% trích lập dự phòng rủi ro, lên 30 tỉ đồng. 

Vietcapital Bank cũng tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng so với cùng kì năm ngoái, đạt 38 tỉ đồng, tăng 123%. Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động tăng 81%, trong đó thu nhập lãi thuần tăng 63%, thu nhập ngoài lãi tăng hơn 1,5 lần. 

Cùng mức tăng trưởng trên 100% còn có SeABank. Quý I/2020, SeABank đạt lợi nhuận sau thuế 308 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm ngoái là 150 tỉ. Mảng tín dụng mang về khoản lãi gần 640 tỉ đồng, lãi thuần hoạt động dịch vụ tăng trưởng 26%, đạt 58 tỉ đồng. Lãi thuần kinh doanh chứng khoán tăng gấp 3,5 lần lên 35 tỉ.

Đáng chú ý, mua bán chứng khoán tăng đột biến lên 102 tỉ đồng, trong khi cùng kì chỉ 3 tỉ đồng. Lãi từ hoạt động khác tăng vọt lên 159 tỉ, gấp 30 lần so với cùng kì.

Nhóm ngân hàng quy mô nhỏ tăng lợi nhuận gấp 2-3 lần nhưng nhưng các "ông lớn" top đầu, đặc biệt trong nhóm "Big 4" giảm lợi nhuận nghìn tỉ vì Covid-19, khiến tổng lợi nhuận sau thuế quý I của toàn hệ thống chỉ tăng trưởng khiêm tốn 5,8%, thấp hơn rất nhiều so với mức 33% của quý I/2019.