Nhiều chủ đầu tư kinh doanh khởi sắc, lãi tăng bằng lần quý đầu năm, số khác 'lội ngược dòng' nhờ mảng tài chính

Ngành BĐS quý I/2022 ghi nhận 27 doanh nghiệp đại chúng có lợi nhuận sau thuế tăng hơn 100% so với cùng kỳ, phần lớn nhờ ghi nhận mức tăng trưởng tốt từ hoạt động kinh doanh chính. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp "lội ngược dòng" nhờ tiết giảm chi phí và có thêm các nguồn thu tài chính.

Thị trường bất động sản trong nước đang dần "ấm lại" sau khi dịch bệnh qua đi, phản ánh một phần vào kết quả kinh doanh quý đầu năm của các doanh nghiệp. Cụ thể, kết thúc kỳ báo cáo tài chính quý I/2022, thống kê hơn 160 doanh nghiệp bất động sản đại chúng ghi nhận nhiều đơn vị báo lãi tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó có 27 doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận cao tối thiểu gấp đôi so với quý I/2021. Góp mặt trong danh sách này có những cái tên nổi bật như CII, Văn Phú Invest, Tổng công ty Sông Đà, Viglacera, Vinaconex... 

 Tình hình kinh doanh quý I/2022 của 27 doanh nghiệp báo lãi tăng trên 100%. (Nguồn: Hiền Minh tổng hợp). 

Thị trường BĐS ấm dần, nhiều chủ đầu tư kinh doanh khởi sắc trong quý I

Trong bối cảnh các hoạt động trên thị trường BĐS trở lại bình thường, doanh thu của nhiều doanh nghiệp BĐS dân dụng theo đó cũng khởi sắc, kéo lợi nhuận tăng trưởng.

Cụ thể, doanh nghiệp báo lãi tăng mạnh nhất là Tập đoàn Cotana (CSC) với lãi sau thuế 56,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận 1,8 tỷ đồng. Doanh thu thuần trong quý của đơn vị này cũng tăng 253%, đạt hơn 300 tỷ đồng.  

Văn Phú - Invest (VPI) cũng ghi nhận doanh thu thuần trong quý tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ công trình nhà ở cao tầng thuộc dự án The Terra An Hưng và công trình thấp tầng tại The Grandeur Giảng Võ… Qua đó, công ty báo lãi 64,7 tỷ đồng, tăng gấp 9,4 lần. 

Một doanh nghiệp khác, Vinaconex (VCG) lãi lớn nhờ hợp nhất kết quả kinh doanh từ công ty con mới đầu tư là Vinaconex - ITC. Thương vụ đầu tư này cũng giúp công ty ghi nhận thêm khoản lãi mua rẻ, đóng góp vào kết quả quý I. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 780 tỷ đồng, tăng 126% so với cùng kỳ, tương đương hoàn thành được 56% kế hoạch năm.

Bên cạnh đó, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinaconex cũng đạt 1.333 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ, phần lớn trong đó là doanh thu từ hoạt động xây lắp với 891 tỷ đồng, tăng 96%. 

Ngoài các doanh nghiệp nêu trên, danh sách này còn có các công ty khác như Đầu tư LDG, Licogi 14 (L14), Khải Hoàn Land (KHG), DRH Holdings, Apec Investment (API),...  

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp BĐS khu công nghiệp cũng ghi nhận kết quả tích cực, chủ yếu nhờ tăng thu tại các dự án khu công nghiệp. 

Quý I/2022, Viglacera (VGC) lãi sau thuế 752 tỷ đồng, tăng 169% so với cùng kỳ, đây cũng là mức lãi cao thứ 4 trong toàn ngành bất động sản, chỉ sau ba "ông lớn" Vinhomes, Novaland và Vinaconex.

Theo giải trình của doanh nghiệp, lợi nhuận tăng trưởng nhờ hoạt động từ bất động sản khu công nghiệp. Doanh thu từ mảng này cũng chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu, đưa tổng doanh thu thuần của Viglacera tăng 63% lên gần 3.833 tỷ đồng trong quý I.

Một doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp có doanh thu nghìn tỷ khác là Idico (IDC) với 1.673 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ, từ đó kéo theo lợi nhuận sau thuế tăng 254%, đạt 284 tỷ đồng.

Chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu Idico là từ dịch vụ khu công nghiệp, tăng 347% so với cùng kỳ. Theo giải trình của công ty, phần doanh thu này chủ yếu đến từ các hợp đồng tại dự án Khu công nghiệp Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng.

Hai doanh nghiệp BĐS khu công nghiệp còn lại là Sonadezi Giang Điền (SZG)CTCP Thống Nhất (BAX) đều có doanh thu tăng mạnh, từ đó kéo theo lợi nhuận sau thuế lần lượt tăng 224% và 724% so với cùng kỳ.

Nguồn: Hiền Minh tổng hợp.

Mặt khác, một số doanh nghiệp tăng lãi nhờ hoạt động tài chính

Ngoài nhóm công ty kinh doanh tích cực trong quý I, một số đơn vị báo lãi tăng nhờ các hoạt động khác bất chấp doanh thu kém sắc.

Góp mặt trong nhóm này là CII với lãi sau thuế 685 tỷ đồng. Trong quý, mặc dù doanh thu thuần giảm, song, việc chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính đã kéo lãi cao gấp 14 lần so với cùng kỳ. Nhờ kết quả này, CII đã hoàn thành 85% chỉ tiêu lãi năm sau ba tháng đầu kinh doanh. 

Đóng góp chính vào doanh thu thuần trong quý của CII là mảng thu phí giao thông với doanh thu tăng hơn 70% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, doanh thu từ kinh doanh bất động sản, hoạt động xây dựng, duy tu công trình và bán hàng đều giảm mạnh. 

Thuduc House (TDH) cũng ghi nhận mức tăng lãi sau thuế 112%, đạt 59,4 tỷ đồng nhờ các khoản hoàn nhập ghi nhận tại chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp mặc dù doanh thu thuần “lao dốc”. 

Doanh thu thuần trong quý của Tổng công ty Sông Đà cũng “bốc hơi” hơn 30%, chủ yếu do giảm doanh thu từ hoạt động xây dựng. Trong quý, công ty cũng không ghi nhận doanh thu từ kinh doanh bất động sản. 

Nhờ tiết giảm giá vốn hàng bán và chi phí tài chính còn phân nửa so với cùng kỳ, công ty vẫn báo lãi tăng gấp 6 lần, đạt 58,4 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khác là Tài chính Hoàng Minh (KPF), Fideco (FDC), Hoàng Quân (HQC) Bất động sản An Dương Thảo Điền (HAR) cũng nhờ tiết giảm chi phí, tăng thu từ hoạt động tài chính, thu nhập khác và thanh lý tài sản, qua đó báo lãi tăng mạnh trong bối cảnh doanh thu cho thuê văn phòng, bán bất động sản đều giảm so với cùng kỳ.  

chọn
'Dòng tiền đổ về bất động sản chưa có hoặc rất ít'
Lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc cho rằng trong thời điểm này, khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa phục hồi rõ rệt thì dòng tiền đổ về bất động sản chưa có hoặc rất ít.