VPBank và 'khoảng lặng' cho vay tín chấp

Cho vay tín chấp từng là phân khúc "đẻ trứng vàng" cho VPBank nhưng thời gian gần đây, những hệ quả của hình thức cho vay "rủi ro cao, lãi suất cao" này bắt đầu xuất hiện, ảnh hưởng đến triển vọng kinh doanh của ngân hàng.

Nửa đầu năm 2019, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) ghi nhận 4.343 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 0,8% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của "gà đẻ trứng vàng" FE Credit đạt 2.131 tỉ đồng, tăng 36%, chiếm 49% tổng lợi nhuận hợp nhất.

vnf-vpbank-cho-vay-tin-chap

VPBank và 'khoảng lặng' cho vay tín chấp.

Dư nợ tín dụng đạt 256.000 tỉ đồng, tăng trưởng 11% so với hồi đầu năm, trong đó 34% trên tổng dư nợ là cho vay tín chấp (87.000 tỉ đồng), giảm nhẹ so với mức 35% vào cuối năm 2018 do VPBank thực hiện tái cơ cấu danh mục tín dụng.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) trong Báo cáo cập nhật VPB công bố mới đây, lĩnh vực cho vay tín chấp ẩn chứa nhiều rủi ro dẫn đến nợ xấu của VPBank có xu hướng cao hơn so với các ngân hàng với mô hình kinh doanh truyền thống.

Tỉ lệ nợ xấu nội bảng hợp nhất tính đến hết tháng 6/2019 ổn định ở khoảng 3,43%. Trong đó, nợ xấu của ngân hàng mẹ ở mức 5.370 tỉ đồng (tăng 17% so với đầu năm), khiến tỉ lệ nợ xấu tăng lên mức 2,89%, do ngân hàng đã thu hồi một phần trái phiếu VAMC về nội bảng. Nợ xấu của FE Credit ở mức 3.122 tỉ đồng (hầu như không thay đổi so với đầu năm 2019).

Về dự phòng rủi ro tín dụng, chi phí dự phòng rủi ro đã trích lập trong 6 tháng đầu năm 2019 chiếm 38% tổng thu nhập hoạt động của VPBank, đạt 6.470 tỉ đồng (tăng 19% so với cùng kì năm ngoái), trong đó: 4.085 tỉ đồng đến từ FE Credit (tăng 13%) và 2.385 tỉ đồng từ ngân hàng mẹ (tăng 30%).

Trong 6 tháng đầu năm nay, VPBank đã sử dụng 5.675 tỉ đồng dự phòng rủi ro để xoá nợ trong kì, tăng 20% so với cùng kì năm ngoái. Tuy vậy, thu hồi nợ không được cải thiện, tổng cộng 748 tỉ đồng, trong đó thu hồi nợ tại ngân hàng mẹ đạt 465 tỉ đồng (tăng 130%) và tại FE Credit đạt 263 tỉ đồng (giảm 47%).

"Thu hồi từ nợ đã xóa tại FE Credit giảm mạnh so với những năm trước, cho thấy rủi ro của việc cho vay tiền mặt đang diễn biến tiêu cực hơn, khi công ty tài chính tiêu dùng không thể thu hồi phần lớn nợ xấu đã xóa khỏi bảng cân đối", VCBS nhận định.

Dự báo về triển vọng kinh doanh, VCBS kì vọng lợi nhuận trước thuế năm 2019 của VPBank ở mức 9.294 tỉ đồng, tăng 2,5% so với năm ngoái.

Động lực chính cho triển vọng trên bao gồm: kì vọng VPBank sẽ sử dụng hết hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp cho năm 2019 để tái cơ cấu danh mục tín dụng và tăng trưởng cho vay tại FE Credit (16% đối với ngân hàng mẹ và 14% đối với FE Credit); thu từ hoạt động ngoài lãi; tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập hoạt động (CIR) được duy trì ở mức thấp so với trung bình ngành ngân hàng.

Bên cạnh triển vọng kinh doanh, VCBS cũng lưu ý một số rủi ro vẫn còn hiện hữu ở VPBank.

Thứ nhất, cho vay tín chấp vẫn là phân khúc chiến lược của VPBank. Điều này có thể kéo theo sự gia tăng của rủi ro tín dụng, nợ xấu và các yêu cầu về quản trị.

"Chúng tôi đánh giá chất lượng tài sản của VPBank không tích cực dựa trên các chỉ tiêu về phân loại nợ và đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng. Vì vậy, VPBank sẽ tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và tăng sử dụng dự phòng để xoá nợ trong những năm tới, khi quy mô tín dụng tăng lên cùng với việc mở rộng cho vay tín chấp. 

Trích lập dự phòng cao hơn sẽ làm giảm lợi nhuận của VPBank và hạn chế khả năng tăng trưởng của ngân hàng trong dài hạn", chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán nhấn mạnh.

Thứ hai, tăng trưởng mạnh cho vay tiền mặt, một mặt giúp FE Credit nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần và hưởng mức lãi suất cho vay cao, nhưng mặt khác đang gia tăng nhanh mức độ rủi ro tín dụng, do đây là các khoản vay kì hạn dài và không xác định được mục đích sử dụng.

VCBS tái dẫn chứng, thu hồi từ nợ đã xóa tại FE Credit nửa đầu năm nay giảm mạnh so với những năm trước, cho thấy rủi ro của việc cho vay tiền mặt đang diễn biến tiêu cực hơn khi công ty tài chính tiêu dùng không thể thu hồi phần lớn nợ xấu đã xóa khỏi bảng cân đối.

Thứ ba, dự thảo sửa đổi Thông tư 43/2016 của Ngân hàng Nhà nước đưa ra thông điệp thắt chặt hoạt động cho vay tiền mặt đang tiềm ẩn rủi ro của công ty tài chính tiêu dùng và giới hạn tỷ lệ cho vay bằng tiền mặt tối đa của công ty tài chính ở ngưỡng 30%.

Theo VCBS, trong trường hợp thông tư mới được ban hành và không có quá nhiều sửa đổi, điều này có thể đem lại khó khăn cho các công ty tài chính, đặc biệt với những công ty có tỷ lệ giải ngân tiền mặt cao.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.