Quỹ ngoại đến từ Phần Lan - Pyn Elite Fund vừa có báo cáo kết quả đầu tư tháng 2 không mấy khởi sắc. Tỷ suất lợi nhuận của quỹ trong tháng 2 là 9,57%, thấp hơn mức tăng 10,6% của VN-Index. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận trong 2 tháng đầu năm của quỹ là 3,67%.
Tại ngày 26/2, giá trị tài sản thuộc quyền quản lý (AuM) của quỹ Pyn Elite Fund là 627 triệu Euro. Tỷ trọng tiền mặt của quỹ là 3%, tương đương 18,8 triệu Euro. Như vậy, quỹ ngoại này đã giải ngân khoảng 27 triệu Euro (750 tỷ đồng) trong tháng 2.
Về danh mục đầu tư của quỹ, cổ phiếu VHM của Vinhomes tiếp tục là khoản đầu tư lớn nhất với tỷ trọng 10,24%, cao hơn 9,82% của tháng 1. Một mã khác trong "họ Vingroup" lọt Top10 khoản đầu tư lớn nhất trong tháng này là VRE của Vincom Retail với tỷ trọng 5,38%.
Tại nhóm ngân hàng, cổ phiếu CTG của VietinBank vượt VEA của VEAM trở thành khoản đầu tư lớn thứ hai của quỹ với tỷ trọng 10,11%. Top10 mã có tỷ trọng lớn nhất còn có các mã ngân hàng như TPB (9,08%), HDB (8,76%) và MBB (7,43%).
Những khoản đầu tư lớn nhất của quỹ Pyn Elite Fund còn có VEA (tỷ trọng 8,92%), POW (5,27%) và ACV (4,22%). Tỷ trọng của chứng chỉ quỹ ETF nội VFMVN Diamond ETF thời điểm cuối tháng 2 là 8,76%.
Trong báo cáo tháng 2, Pyn Elite Fund có những phân tích về cổ phiếu ACV của TCT Cảng hàng không Việt Nam. Đây là đơn vị khai thác sân bay gần như độc quyền tại Việt Nam với 22/23 sân bay trên cả nước. Năm 2020, ACV vẫn kinh doanh có lãi nhờ các biện giáp cắt giảm chi phí và nguồn thu từ tiền gửi ngân hàng.
Trong năm 2021, Pyn Elite Fund kỳ vọng cổ phiếu ACV sẽ đảo chiều nhờ hai yếu tố.
Thứ nhất, ACB có thể chuyển sàn sang HOSE sau khi giải quyết việc kiểm toán viên nhấn mạnh quyền sở hữu đường băng trên báo cáo tài chính. Khi đó, cổ phiếu ACV có thể trở thành mục tiêu mua của nhiều nhà đầu tư.
Thứ hai, việc chính phủ Việt Nam dỡ bỏ lệnh cấm vận chuyển hành khách quốc tế có thể cải thiện kết quả kinh doanh của ACV và tâm lý của thị trường đối với cổ phiếu này.