Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB&XH, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em và người chưa thành niên tại Việt Nam. Trung bình mỗi ngày ở nước ta có gần 10 trẻ nhỏ bị thiệt mạng do đuối nước. Con số này cao gấp 10 lần so với các nước có thu nhập cao trong khu vực và trên thế giới.
Một trong những nguyên nhân khiến số trẻ em tử vong do đuối nước cao là do môi trường sống chưa thực sự an toàn, tỉ lệ xảy ra đuối nước cao tập trung ở vùng nông thôn, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, môi trường sống của có nhiều ao hồ, kênh mương, sông, suối, hố đào của các công trình đang xây dựng... không có rào chắn, biển báo.
Bên cạnh đó, những dụng cụ chứa nước trong gia đình như chum, vại lớn cũng có thể tiềm ẩn nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
Cha mẹ cần có biện pháp an toàn, giáo dục con các kĩ năng cần thiết để đề phòng tai nạn đuối nước có thể xảy ra. (Ảnh minh hoạ)
Bác sĩ Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực - BV Nhi T.Ư, chia sẻ trên báo Thanh Niên, đuối nước là một trong những tai nạn thường gặp ở trẻ em và thường tăng cao vào dịp hè.
Trẻ bị đuối nước có thể ngạt thở, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Trong một số trường hợp được cấp cứu kịp thời có thể qua cơn nguy kịch nhưng để lại biến chứng nặng như: Suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thưỡng não do thiếu ô xy kéo dài.
Bác sĩ Tạ Anh Tuấn khuyên, để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy đến với trẻ em, với các trẻ ở độ tuổi nhỏ vẫn cần người lớn trông nom, các bậc phụ huynh cần chú ý để mắt giữ trẻ, không để trẻ chơi ở ao, hồ, kênh, mương.
Cần lưu ý đậy kín các loại thau, chậu, dụng cụ đựng nước trong nhà… vì đó cũng có thể là nguyên nhân gây đuối nước nếu trẻ trượt ngã vào.
Với nhóm trẻ lớn, gia đình và nhà trường, ngoài việc giáo dục ý thức tự bảo vệ khỏi các hoạt động mạo hiểm, trẻ cần được tập huấn các kỹ năng bơi và sơ cứu cơ bản trong trường hợp không có sự giúp đỡ của người lớn.
Rủi ro do đuối nước có thể đến bất cứ lúc nào, để giảm thiểu tai nạn đuối nước đối với trẻ em, học sinh, phụ huynh cần chú trọng thực hiện các biện pháp sau:
Vụ việc 8 học sinh đuối nước tử vong ở Hoà Bình hôm 21/3 khiến nhiều người bàng hoàng
- Dạy bơi cho trẻ: Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các địa phương, tùy vào tình hình thực tế để tổ chức các khóa học bơi, kĩ năng an toàn cho trẻ bằng kinh phí địa phương để phổ cập bơi cho trẻ từ 6-12 tuổi. Cha mẹ có thể đưa trẻ đến các trung tâm có giáo viên hướng dẫn tập bơi, tại đây, ngoài việc dạy cho trẻ kĩ năng bơi lội, giáo viên cũng sẽ dạy cho trẻ các kĩ năng phòng tránh nguy hiểm khi bơi lội và cách xử lí kịp thời.
- Giám sát kỹ trẻ khi đến khu vực có nước và không để trẻ dưới 6 tuổi ở một mình trong bồn tắm; đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông.
- Loại bỏ "Mặt nước hở nguy hiểm": Đậy kín bể cá, xô chậu, chum vại đựng nước, đóng nắp bồn cầu, tháo nước bồn tắm, nắp kín cống rãnh, giếng khơi..., rào kín các hố nước, hố đào xung quanh nhà...
- Làm cửa chắn và rào chắn quanh nhà nếu nhà ở gần vùng sông nước, ao hồ; làm rào chắn quanh ao, hố nước, rãnh nước gần nhà nơi trẻ dễ tiếp cận và có nguy cơ bị đuối nước.
- Đặt biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ gây đuối nước (hồ, ao, mương, máng, sông, ngòi, vùng nước xoáy).
- Không đi đò đầy, không chở quá quy định, qua đò thuyền cần mặc áo phao, có thiết bị phòng thân...