Hé lộ nguyên nhân vụ 8 học sinh đuối nước: 'Một anh bơi ra lấy bóng nhưng bị nước cuốn, các bạn còn lại bơi ra cứu'

“Có một anh bơi được gần vào bờ rồi nhưng lại bị nước cuốn xuống tiếp. Có anh còn kêu ‘cứu với…cứu với…’, nhưng chúng cháu đều bất lực”, H. nhớ lại.

Khắp khu phố trên đường Phạm Hồng Thái, thuộc phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình có lẽ sẽ không bao giờ quên buổi chiều 21/3/2019 – ngày đã cướp đi sinh mạng của 8 em học sinh trong vụ đuối nước thương tâm.

"Kẻ ở - người đi", đó là cuộc chia ly đầy nước mắt. Người đi sẽ không có ngày trở về, còn người ở lại sẽ mãi mang trong lòng một nỗi đau, thậm chí là sự ám ảnh suốt cả thời gian dài.

Người trong cuộc bàng hoàng kể lại

Là 1 trong số 2 học sinh may mắn thoát nạn, em Sa Đinh H. (9 tuổi, học sinh khối Tiểu học trường Hữu Nghị) vẫn chưa hết hoảng hốt, giọng run rẩy khi nhớ lại sự việc, H. cho biết: "Khoảng 15h chiều, sau khi cháu và 9 bạn khác đá bóng ở nhà xong, do nóng quá nên chúng cháu rủ nhau ra khu vực bãi sông Đà để tắm và lấy quả bóng cầm xuống nước để chơi đùa.

Trong lúc đang tắm, quả bóng bị trôi ra xa cách bờ khoảng gần 10 mét nên một anh trong nhóm đã bơi ra để lấy bóng. Tuy nhiên, anh ấy bị nước cuốn và kêu cứu".

Hé lộ nguyên nhân vụ 8 học sinh đuối nước: Một anh bơi ra lấy bóng nhưng bị nước cuốn, các bạn còn lại bơi ra cứu - Ảnh 1.

H. - Là 1 trong 2 nạn nhân may mắn thoát nạn trong sự việc. (Ảnh: Phi Hùng).

Thấy vậy, các bạn còn lại bơi ra để cứu, nhưng đều bị đuối nước, H. và một bạn khác tên L. (học sinh lớp 6) cố gắng vùng vẫy để bơi vào bờ và may mắn thoát nạn.

"Cháu và bạn L. cũng bị đuối, nhưng cả 2 cố gắng vùng vẫy rồi bơi được vào bờ, lúc này cháu thấy các anh bị nước cuốn ngập xuống, có một anh bơi được gần vào bờ rồi nhưng lại bị nước cuốn xuống tiếp. Có anh còn kêu 'cứu với…cứu với…', nhưng chúng cháu đều bất lực.

Sau đó, cháu chạy đi gọi người lớn, còn bạn L. lấy điện thoại về cho gia đình. Khi mọi người đến thì mấy bạn đi cùng đều đã mất...", em H. sợ hãi kể.

Theo H., sự việc xảy ra rất nhanh, cả nhóm không kịp phản ứng gì. Thời điểm nhóm học sinh xuống tắm, nước sông Đà tại bãi Thịnh Minh (Khu vực gặp nạn) rất trong và yên ắng.

Nam sinh này cho cũng cho biết, cách đây một thời gian H. và nhiều học sinh khác đang sinh sống tại đường Phạm Hồng Thái cũng đã ra bãi này để tắm và đá bóng.

Hầu như năm nào cũng có người đuối nước

Nhiều người dân ở đây cho biết, suốt mấy chục năm qua chưa có bao giờ bầu không khí tang thương bao trùm như bây giờ.

"Hầu như năm nào cũng có người bị đuối nước, nhưng chưa năm nào là bị thảm đến vậy, 8 cháu học sinh trong cùng một khu phố đều tử vong, nghe sao mà đau lòng, khó tin đến vậy", một người dân chia sẻ.

Cũng theo người dân cho biết, khu vực nơi xảy ra vụ 8 học sinh đuối nước là bãi sông khá đẹp, nước trong không quá sâu, nên vào mùa hè có rất nhiều người ra đây tắm . Tại khu vực này cũng có biển cảnh báo tắm sông nguy hiểm. Thế nhưng, cách đây một thời gian tấm biển cảnh báo đó đã bị nước cuốn trôi.

Hé lộ nguyên nhân vụ 8 học sinh đuối nước: Một anh bơi ra lấy bóng nhưng bị nước cuốn, các bạn còn lại bơi ra cứu - Ảnh 2.

Khu vực nơi xảy ra vụ đuối nước khiến 8 học sinh tử vong. (Ảnh: Thu Huyền).

Mùa hè đến, nhiều người lớn và cả trẻ nhỏ đều ra bãi sông này để tắm và tập bơi, mặc dù nước sông ở đây khá trong, nhưng lại thường xuyên có vùng xoáy nước, do đó rất nguy hiểm.

Tối ngày 21/3, ông Trần Đức Long, Chủ tịch phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) cho biết: "8 cháu học sinh trên địa bàn bị đuối nước là sự việc hết sức đau lòng và thương tiếc của gia đình và các cấp, các ngành. Sáng ngày 22/3, chúng tôi sẽ họp bàn để kịp thời động viên, chia sẻ với nỗi đau mất mát của gia đình các nạn nhân".

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội) cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc rất đau xót vào chiều nay (21/3), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Trẻ em đã ủy quyền cho chúng tôi xuống chia buồn, động viên gia đình của các cháu…

Từ sự vụ đau lòng này, chúng tôi cũng đề nghị đến UBND TP Hòa Bình cũng như các địa phương khác cần rà soát vùng nước, vùng ao hồ nguy hiểm để cắm biển cảnh báo. Kể cả những nơi có đông trẻ em thường xuyên qua lại vui chơi cũng cần cắt cử người giám sát để những bài học đau xót này không xảy ra.

Tất cả nhà trường và gia đình cần tích cực giám sát các cháu hơn nữa xem các cháu đang ở đâu vào mỗi ngày nghỉ không phải đến trường học.

Chúng tôi cũng khuyến nghị, cần tăng cường hơn nữa việc truyền thông, nhắc nhở thường xuyên các cháu ở trong mỗi giờ học, mỗi giờ sinh hoạt dưới cờ, nhất là các vùng ven sông nước. Các em cần tuyệt đối tránh đi tắm, đi bơi ở các vùng nước nguy hiểm.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia buồn với gia đình 8 học sinh đuối nước ở Hòa BìnhPhó thủ tướng Vũ Đức Đam chia buồn với gia đình 8 học sinh đuối nước ở Hòa Bình Vụ 8 học sinh đuối nước ở Hòa Bình: "Ngày nghỉ các em rủ nhau đi đá bóng thì gặp nạn"Vụ 8 học sinh đuối nước ở Hòa Bình: 'Ngày nghỉ các em rủ nhau đi đá bóng thì gặp nạn' Hòa Bình: Rủ nhau tắm sông Đà, 8 học sinh đuối nước tử vongHòa Bình: Rủ nhau tắm sông Đà, 8 học sinh đuối nước tử vong

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.