Cơ quan điều tra Công an TP.HCM vừa có quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với 2 bị can Trương Hồ Phương Nga (hoa hậu Phương Nga) và Nguyễn Đức Thùy Dung. Tại sao?
Phương Nga và Thùy Dung sau khi được tòa cho tại ngoại chiều 29/6. |
Việc tạm đình chỉ điều tra được các chuyên gia cho rằng đó chỉ là một thủ tục bình thường được quy định tại điều 160 Bộ luật tố tụng hình sự 2003.
Theo thông tin từ Viện KSND TP.HCM, cơ quan này đang thực hiện việc kiểm sát điều tra vụ án liên quan tới Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung.
Việc tạm đình chỉ điều tra là do thời hạn điều tra vụ án chỉ có một tháng, còn 9 vấn đề do tòa yêu cầu điều tra bổ sung chưa được làm rõ, không thể xác định chính xác thời hạn hoàn thành.
Trong đó, đáng chú ý là phải chờ kết quả giám định những bức thư bằng nilon được nhân chứng Lữ Minh Nghĩa (bạn trai của Nguyễn Đức Thùy Dung) giao nộp.
Những bức thư này được bị can Nguyễn Đức Thùy Dung xác nhận do Dung viết từ trong trại tạm giam và gửi ra ngoài cho Lữ Minh Nghĩa.
Theo một cán bộ điều tra có kinh nghiệm, việc giám định chữ trên giấy nilon là vô cùng khó khăn, không dễ giám định được ai là người viết.
Thông thường, cơ quan trưng cầu giám định cần chữ mẫu, sau đó lấy chữ viết cần giám định để so sánh, đây là điều mà chỉ những người có chuyên môn, nghiệp vụ mới phân biệt được. Muốn giám định chữ chính xác còn phải dựa trên lời khai và các tài liệu, chứng cứ.
Cơ quan điều tra cũng cho biết còn cần chờ kết quả việc điều tra qua ủy thác tư pháp đối với việc xuất cảnh của người bị hại Cao Toàn Mỹ và bị can Trương Hồ Phương Nga.
“Theo lời Nga khai thì hai người có 17 chuyến xuất và nhập cảnh cùng nhau. Bởi vậy phải điều tra những vấn đề liên quan đến các chuyến đi” - vị đại diện Viện KSND TP.HCM nói.
Theo một cán bộ điều tra, thông thường khi ủy thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, tùy vào mối quan hệ của quốc gia đó với Việt Nam và tùy vào tình hình thực tế thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại giữa lực lượng chức năng của hai nước mà quá trình ủy thác có thể thực hiện nhanh hay chậm, thậm chí không bao giờ có kết quả.
Đó là ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Dũ, người bào chữa cho Trương Hồ Phương Nga. Ông Dũ cho rằng căn cứ theo quy định của khoản 2 điều 121 Bộ luật tố tụng hình sự, thời hạn điều tra bổ sung do tòa án trả hồ sơ là không quá một tháng.
Phiên tòa xét xử hoa hậu Phương Nga với nhiều tình tiết mới trong lời khai của các bị cáo, nhân chứng. |
Sau một tháng mà cơ quan điều tra chưa làm rõ những nội dung mà tòa yêu cầu thì phải tạm đình chỉ điều tra chờ kết quả.
Luật sư Dũ cho rằng luật không quy định về thời hạn tạm đình chỉ điều tra, việc tạm đình chỉ bao lâu là hoàn toàn phụ thuộc vào lý do tạm đình chỉ còn hay hết.
“Luật sư và cả bị can Trương Hồ Phương Nga chưa nhận được thông báo từ cơ quan điều tra đối với việc tạm đình chỉ này, tôi chỉ biết được thông tin qua báo chí. Cho nên tôi cũng chưa biết chính xác lý do về việc tạm đình chỉ điều tra” - luật sư Dũ nói.
Luật sư Trần Thu Nam - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Cao Toàn Mỹ - nói ông không bất ngờ về việc tạm đình chỉ điều tra.
“Tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung 9 điểm, trong khi đó thời hạn điều tra chỉ là một tháng thì cơ quan điều tra không thể nào làm kịp” - luật sư Nam lý giải.
Trong thực tế, việc tạm đình chỉ vụ án có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí tới khi bị can chờ đợi tới già và chết đi mà vẫn chưa có quyết định phục hồi điều tra hay đình chỉ vụ án.
Khi được tạm đình chỉ điều tra thì bị can sẽ thế nào? Trả lời vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Dũ nói hiện tại 2 bị can đang bị ngăn chặn bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.
Việc có thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với 2 bị can này hay không hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của cơ quan điều tra.
Đối với những vụ án mà bị can đang bị tạm giam, khi tạm đình chỉ vụ án thì có thể các bị can sẽ được thay đổi biện pháp ngăn chặn là từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú.
Chỉ được phục hồi quyền lợi khi đình chỉ điều tra Khi vụ án được tạm đình chỉ thì bị can vẫn mang thân phận bị can, không có gì thay đổi. Nhưng nếu vụ án được đình chỉ, bị can được đình chỉ thì bị can được phục hồi mọi quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong một số trường hợp, khi được đình chỉ vụ án và đình chỉ bị can, người bị điều tra có quyền yêu cầu bồi thường oan sai. Có nhiều căn cứ để đình chỉ điều tra đối với vụ án. Có trường hợp được xác định là không phạm tội, nhưng có trường hợp bị can có hành vi phạm tội nhưng được đình chỉ khi bị hại rút yêu cầu khởi tố hay miễn trách nhiệm hình sự... Luật sư NGUYỄN VĂN DŨ - Đoàn luật sư TP.HCM |