Liên quan đến vụ việc bé trai 7 tuổi bị đàn chó ở Hưng Yên cắn tử vong, ngày 5/4, ông nội cháu bé cho biết, khi nghe cháu trai gặp nạn ông không tin. Dù rất đau buồn nhưng 2 bên gia đình sẽ chỉ xử lý tình cảm chứ không nhờ đến sự can thiệp của pháp luật bởi đây là sự việc không ai mong muốn xảy ra.
"Gia đình tôi và bên chủ hộ là chỗ thân thiết, thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau. Vợ chồng con trai tôi cũng đã ở trọ tại đó 10 năm nay để làm ăn, không ngờ sự việc xảy ra đau lòng quá", ông nội cháu bé xót xa nói và chia sẻ thêm, trong suốt quá trình đưa cháu trai cấp cứu tại bệnh viện, gia đình bà Lê Thị A. (chủ hộ nuôi chó) cũng có mặt để giúp đỡ và đưa cháu bé về tận quê nhà Bắc Ninh để cùng gia đình lo hậu sự.
Vậy, trong trường hợp gia đình bé trai không yêu cầu công an can thiệp thì theo quy định pháp luật sẽ xử lý thế nào?
Ông nội bé trai 7 tuổi bị chó cắn tử vong đau xót không tin vào sự thật. (Ảnh: Hữu Tuấn/Báo giao thông).
Khởi tố vụ án hình sự là quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm duy trì trật tự và công lý, không phụ thuộc vào ý muốn cá nhân và không ai có thể can thiệp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, pháp luật quy định cho phép người bị hại lựa chọn quyền yêu cầu khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.
Cụ thể, Điều 155 BLTTHS năm 2015 quy định: Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
Bị hại hoặc người đại diện của bị hại rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.
Trong vụ việc bé trai 7 tuổi bị đàn chó ở Hưng Yên cắn tử vong, ngoài phạt hành chính và đền bù thiệt hại cho gia đình nạn nhân, chủ nuôi chó cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội "Vô ý làm chết người" (Điều 125 Bộ luật hình sự 2015) nếu biết thả chó có thể gây nguy hiểm cho người khác nhưng vẫn cố tình thả và tin chắc có thể ngăn chặn được hậu quả nhưng hậu quả vẫn xảy ra dẫn đến cái chết của cháu bé.
Việc biết thả chó có thể gây nguy hiểm cho người khác của bà chủ chó thể hiện ở việc trước đó nhiều người dân đã cảnh báo việc đàn chó nhà bà đã tấn công nhiều người trước đó.
Như vậy luật quy định rõ đối với tội "Vô ý làm chết người" không thuộc trường hợp khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại.
Nói cách khác việc khởi tố vụ án hay không không phụ thuộc vào ý kiến của gia đình bị hại mà phụ thuộc vào việc chứng cứ có đủ hay không. Kể cả khi gia đình cháu bé có đơn bãi nại, không yêu cầu xử lý hình sự thì cơ quan tố tụng vẫn tiến hành khởi tố bình thường.
Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.
Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.
Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.